Thị trường chứng khoán sẽ còn tích cực trong tháng 6/2024?


Khép lại tuần giao dịch cuối của tháng 5/2024 với nhiều rung lắc, VN-Index tổng thế hồi phục được hơn 4%. Theo các chuyên gia, tháng 6/2024 vẫn mang theo những kỳ vọng tích cực.

Theo các chuyên gia, tháng 6/2024 vẫn mang theo những kỳ vọng tích cực.
Theo các chuyên gia, tháng 6/2024 vẫn mang theo những kỳ vọng tích cực.

"Tháng 6 mang theo sự lạc quan nhất định"

Theo ông Bùi Văn Huy - Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC, trong cả tháng 5, thị trường đã có nhịp phục hồi rất tốt sau khi giảm mạnh hồi tháng 4.

Thị trường đã có nhiều tuần tăng điểm liên tiếp và việc chững lại ở vùng kháng cự quanh vùng 1.300 điểm là điều rất bình thường.

"Trong chuỗi giảm rung lắc vừa qua, thị trường cũng đã cho thấy lực cầu rất tốt quanh vùng 1.250 điểm. Có thể nói đã có những phiên bối cảnh rất xấu nhưng thị trường không thủng ngưỡng 1.250 điểm và cho thấy sự quyết tâm của khối nội", ông Huy nói.

Tuy nhiên, điểm trừ là khối ngoại vẫn bán ròng rất quyết liệt. Mức độ bán ròng quyết liệt của khối ngoại khiến chúng ta phải đặt câu hỏi nội tại chúng ta có vấn đề gì hay không?

"Quan điểm của tôi là không vấn đề gì. Việc ở một thời điểm vốn ngoại rút ra và sau đó có thể mua lại với giá cao hơn là điều rất bình thường. Khối nội tính đến thời điểm hiện tại vẫn cân khá tốt, thể hiện qua diễn biến thị trường. Nếu thị trường không giảm mà tiếp tục đi lên, khả năng khối ngoại phải mua lại với giá cao hơn như những gì diễn ra cuối năm ngoái, đầu năm nay là hoàn toàn có thể xảy ra", ông Huy khẳng định.

Về động lực thị trường, ông Huy cho biết, trong suốt thời gian qua, có 3 động lực chính của thị trường thường được nhắc đi nhắc lại: (1) Sự phục hồi của nền kinh tế; (2) môi trường lãi suất thấp và (3) kỳ vọng nâng hạng thị trường.

Cụ thể, sự phục hồi của nền kinh tế, đây là động lực quan trọng nhất, mạnh nhất và rõ ràng nhất hiện tại. Nền kinh tế đang cho thấy nhiều dấu hiệu khởi sắc trở lại và rõ ràng nhất là số liệu bán lẻ, tiêu dùng.

Thứ hai, về lãi suất. Hiện tại, lãi suất huy động đã dần nhích lên, đây là điều bình thường khi nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tín dụng nếu ấm trở lại. Đây là tín hiệu tốt của nền kinh tế.

Trong khi đó lãi suất điều hành được nhiều chuyên gia dự báo sẽ điều chỉnh tăng, nhưng sẽ không tăng trong vài tháng tới nếu quan sát sự quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ trong việc giữ lãi suất thấp để hỗ trợ kinh tế. Tóm lại dù ở kịch bản nào, lãi suất có nhích lên thì vẫn ở vùng thấp và không phải quá đáng sợ.

Thứ ba, kỳ vọng nâng hạng thị trường vẫn có những bước tiến nhất định dù chậm hơn kỳ vọng.

"Tóm lại, trong 3 trụ cột thì trụ cột về lãi suất và kỳ vọng nâng hạng tạm yếu đi một chút trong ngắn hạn nhưng đổi lại kỳ vọng về sự phục hồi của nền kinh tế là rõ nét hơn. Như tôi có chia sẻ, đầu tư trong một môi trường “nền kinh tế phục hồi vững chắc, lãi suất thấp vừa phải” sẽ an toàn hơn “một nền kinh tế vẫn dò đáy và lãi suất thấp”, ông Huy nói.

Trong tháng 6, vị chuyên gia DSC dành sự lạc quan nhất định cho thị trường. Theo đó, có 3 kịch bản có thể xảy ra:

Kịch bản thủng 1.250 điểm được đánh giá thấp với xác suất 20%; nếu thủng 1250 điểm cần quản trị rủi ro.

Kịch bản trung tính: dao động 1.250 điểm - đỉnh cũ, xác suất 40%, trường hợp này phân hóa và cần chọn cổ phiếu.

Kịch bản tích cực: vượt đỉnh cũ, xác suất 40%, xảy ra khi liên thị trường ổn định, khối ngoại giảm bán ròng.

"Xu hướng tăng trong trung và dài hạn vẫn được duy trì"

Theo ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, thị trường đang gặp khó quanh vùng đỉnh cũ, bên cạnh đó, khối ngoại cũng bán ròng mạnh trong giai đoạn vừa qua cũng tạo áp lực không nhỏ lên xu hướng tăng.

Vì thế, hiện tại thị trường có thể xuất hiện một giai đoạn tích lũy trước khi tăng trưởng tiếp. Giai đoạn tích lũy này được đánh dấu với mẫu hình chữ nhật.

"Chúng ta cần nhờ rằng trong ngắn hạn thị trường có thể tích lũy nhưng chắc chắn xu hướng tăng trung và dài hạn vẫn được duy trì. Xu hướng này được hỗ trợ mạnh mẽ từ sự phục hồi của nền kinh tế, dòng vốn FDI… Nhiều khả năng thị trường sẽ hình thành một đỉnh mới trong nửa cuối năm 2024", ông Hiếu nói.

Số liệu kinh tế vĩ mô tháng 5 vừa qua cho thấy, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong xu hướng tăng trưởng với sự cải thiện của nhiều chỉ báo kinh tế.

Cán cân thương mại có sự thâm hụt, tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ sẽ nhận thấy nhập khẩu tăng trưởng mạnh chủ yếu đến từ các hàng hóa đầu vào phục vụ cho việc sản xuất, xuất khẩu. Nên sự thâm hụt hiện tại chỉ là nhất thời và sẽ sớm đảo ngược khi các sản phẩm này được chuyển hóa thành sản phẩm xuất khẩu.

Tỷ giá chịu ảnh hưởng nhiều từ áp lực chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ. Hiện áp lực này vẫn còn, tuy nhiên khin Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu quy trình giảm lãi suất thì áp lực này sẽ giảm bớt. Còn trong ngắn hạn thì áp lực chắc chắn vẫn còn.

Thị trường đang gặp nhiều áp lực khi tiếp cận vùng đỉnh tháng 3/2024. Chỉ số VN-Index dao động trong một vùng biên độ hẹp, với mẫu hình chữ nhật được hình thành. Mẫu hình này có cận trên vùng vùng 1.280 điểm và cận dưới là 1.260 điểm.

Đây là dạng mẫu hình trung tính và cần chờ tín hiệu phá vỡ trước khi xác nhận xác nhận xu hướng ngắn hạn. Vì thế nhà đầu tư cần thận trọng và chờ đợi tín hiệu phá vỡ để xác nhận xu hướng trước khi có hành động.

"Tuy nhiên, xu hướng tăng trong trung và dài hạn vẫn được duy trì với sự dẫn dắt từ các yếu tố cơ bản nên nhà đầu tư cần tận dụng nhịp điều chỉnh hiện tại để tích lũy cổ phiếu cho những vị thế dài hạn hơn bằng vốn có sẵn và không nên sử dụng margin", ông Hiếu khuyến nghị.

Theo Quân Mai/thitruongtaichinhtiente.vn