Chứng khoán tháng 9 khó bứt phá mạnh


Cho dù diễn biến như thế nào thì thị trường chứng khoán (TTCK) tháng 9 này sẽ khó tạo ra đột biến. Các nhà đầu tư (NĐT) nên cẩn trọng và chờ đợi những cơ hội có thể xuất hiện, thay vì “lướt sóng” liên tục trong giai đoạn này.

Các nhà đầu tư (NĐT) nên cẩn trọng và chờ đợi những cơ hội có thể xuất hiện trong tháng này, thay vì "lướt sóng". Ảnh minh họa
Các nhà đầu tư (NĐT) nên cẩn trọng và chờ đợi những cơ hội có thể xuất hiện trong tháng này, thay vì "lướt sóng". Ảnh minh họa

Ngay sau phiên ATO, VN-Index rơi thẳng xuống 1.268 điểm, giảm 15,3 điểm, dù nỗ lực hồi phục trong phiên không hiệu quả. Đóng cửa phiên đầu tiên tháng 9, VN-Index chốt lại tại mốc 1.275,8 điểm, giảm 0,63%.

Những yếu tố không thuận lợi

Trong phiên giao dịch chiều ngày 3/9, TTCK Mỹ giảm mạnh do nhóm cổ phiếu công nghệ bị bán tháo và dữ liệu sản xuất yếu kém của Mỹ làm dấy lên nỗi lo suy thoái kinh tế. Theo đó, chỉ số PMI sản xuất tháng 8 của Mỹ được công bố cho thấy hoạt động của nhà máy tại Mỹ đã giảm trong tháng thứ 5 liên tiếp. Điều này khiến hàng loạt chỉ số trên các sàn giao dịch công nghệ lớn ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan sụt giảm, trượt khoảng 3% ngay phiên thứ 4. Theo đó, hàng loạt các cổ phiếu chip như Tokyo Electron, Advantest, SK Hynix, Samsung Electronics và Taiwan Semiconductor đều giảm mạnh.

Có vẻ như các tín hiệu vĩ mô đang có những biến động mạnh, và điều này rõ ràng tác động không nhỏ tới tâm lý NĐT. Không chỉ TTCK đang gặp áp lực, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới cũng đang chịu tác động tương tự khi giảm dưới 70 USD mỗi thùng với dầu thô WTI, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2023. Ngoài việc lo lắng tình hình kinh tế Mỹ và Trung Quốc, điều này còn do kế hoạch tăng sản lượng của OPEC trong quý IV/2024 cùng thỏa thuận của chính phủ Libya có thể sắp đạt được cho phép khai thác hơn 500.000 thùng mỗi ngày. Thực ra, mọi yếu tố trên chỉ cho thấy rằng niềm tin của NĐT đang gặp vấn đề nhất định.

Trong khi đó tại Việt Nam, chỉ số PMI tháng 8/2024 giảm xuống mức 52,4, một mức giảm khá mạnh so với tháng 7 là 54,7. Dù PMI vẫn tăng trên 50 điểm nhưng đây là mức mở rộng yếu nhất trong hoạt động của các nhà máy kể từ tháng 5/2024, khi các đơn đặt hàng mới và tăng trưởng sản lượng chậm lại. Điều này có thể đến từ việc các doanh nghiệp dự báo sẽ gặp khó khăn hơn với các đơn hàng mới trong những tháng cuối năm nay.

Theo NHNN, tính đến ngày 26/8, tín dụng chỉ tăng 6,63% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm nay là 15%. Điều đó cho thấy sự khó khăn không nhỏ của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Lưu ý với nhà đầu tư

Kể từ sau cú giảm mạnh đầu tháng 8, thị trường đã có cú hồi phục thực sự tích cực, giúp chỉ số VN-Index nhanh chóng quay lại tiệm cận 1.300 điểm. Tuy nhiên nhìn vào đà phục hồi này có thể nhận thấy một số điểm như sau.

Thứ nhất, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đang nâng đỡ thị trường và lực tăng quá mạnh trong đó không thể không nhắc đến nhóm ngân hàng như VCB, BID... Ngoài ra, còn có các cổ phiếu khác như GAS, VNM, MSN..., thậm chí bộ đôi VIC và VHM.

Thứ hai là mức độ hồi phục của các cổ phiếu không đồng đều, và hầu hết đều không tiệm cận lại đỉnh cũ, thậm chí cả những cổ phiếu như FPT, DGC,... Điều này không giống như những lần điều chỉnh trước đó khi mà VN-Index quay lại mốc 1.300 điểm thì nhiều cổ phiếu vượt đỉnh, cho thấy dòng tiền giai đoạn này không còn mạnh.

Thứ ba, theo dữ liệu từ FiinGroup, nếu bỏ nhóm cổ phiếu ngân hàng ra thì định giá chung toàn thị trường rất cao, nhiều cổ phiếu thực sự đắt, chứ không còn rẻ. Mặc dù nhóm cổ phiếu ngân hàng đang được cho là rẻ, nhưng lại không kích hoạt dòng tiền đẩy mạnh vào nhóm này giống như giai đoạn đầu năm nay, chủ yếu là lo ngại về rủi ro nợ xấu tiềm tàng.

Thứ tư là khối ngoại tiếp tục tháng bán ròng, đẩy chuỗi bán ròng lên đến 14 tháng liên tiếp kể từ tháng 7/2023 tính riêng sàn HSX. Tổng số tiền bán ròng 8 tháng năm 2024 lên đến hơn 65.000 tỷ đồng, gần bằng với kỷ lục năm 2021 với hơn 73.000 tỷ đồng. Mặc dù chúng ta đang nỗ lực nâng hạng thị trường, nhưng việc NĐT nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh mẽ là áp lực cực lớn với thị trường chung.

Hai kịch bản

VN-Index đã 4 lần không vượt qua mốc 1.300 điểm nhưng ở lần hồi phục này, mức điểm cao nhất tiếp tục thấp hơn đỉnh hồi tháng 7/2024. Tất cả những yếu tố trên có thể báo hiệu thị trường tháng 9 sẽ không có nhiều sự tích cực. TTCK tháng 9 có thể sẽ đi theo 2 kịch bản. Trong đó, ở kịch bản tích cực thì VN-Index sẽ xoay trong vùng 1.230-1.280 điểm.

Ở kịch bản này, khả năng cao dòng tiền tiếp tục luân chuyển nhẹ nhàng, không tạo ra đột biến. Giá nhiều cổ phiếu điều chỉnh nhẹ theo xu hướng đi ngang, giảm nhẹ, ngoại trừ những cổ phiếu thuộc diện bất thường từ trước hoặc nhận tin xấu.

Kịch bản thứ 2 đối với TTCK có thể sẽ tiêu cực hơn. Kịch bản này sẽ là sự kết hợp rất nhiều yếu tố tiêu cực ở cả trong nước lẫn quốc tế như FED hạ lãi suất không như kỳ vọng, thậm chí không hạ lãi suất vào tháng 9 này. Hay xung đột ở Trung Đông, chiến sự Nga - Ukraine... có những diễn biến bất thường, tạo ra xung đột lớn.

Theo Nguyễn Hữu Bình, Chuyên gia chứng khoán/diendandoanhnghiep.vn