Chung tay giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon
Một khối lượng lớn rác thải nhựa phát sinh từ đời sống thường nhật, đó là túi nilon, vỏ lon nước, các cốc hộp dùng một lần… Kiểm soát các hành vi tiêu dùng kém bền vững này sẽ hạn chế được rất nhiều rác thải nhựa vào môi trường.
Ở nước ta hiện nay, việc sử dụng tràn lan các loại túi nilon trong các hoạt động sinh hoạt xã hội, đặc biệt là loại túi siêu mỏng, thể hiện sự dễ dãi của cả người cung cấp cũng như người sử dụng. Cùng với đó, người bán sẵn sàng đưa thêm một hoặc vài chiếc túi nilon cho người mua khi được yêu cầu; người mua ít khi mang theo vật đựng (túi xách, làn...) vì biết chắc chắn rằng, khi mua hàng hóa sẽ có túi nilon kèm theo để xách về.
Theo thống kê, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng 5 - 7 túi nilon/một ngày. Như vậy, ước tính, hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày. Chỉ riêng 2 thành phố lớn là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trung bình một ngày, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Mỗi ngày, Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó, rác thải nilon chiếm đến 7 - 8%. Đáng chú ý là lượng túi nilon này tăng theo từng năm.
Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội khiến lượng rác thải, trong đó, có rác thải khó phân hủy (nhựa và nilon) ngày càng gia tăng và khó kiểm soát, trong khi đó, thời gian phân hủy của loại rác thải này phải mất đến hàng thế kỷ, do vậy, kiểm soát rác thải nhựa và nilon đang trở thành vấn đề môi trường cấp bách.
Mặt khác, sự tiện dụng cao và giá thành thấp đã làm cho túi nilon trở thành vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân và hiện diện ở khắp nơi trong đời sống xã hội. Giá thành thấp không chỉ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng mà còn làm cho việc hạn chế, giảm thiểu, thu gom, sử dụng lại và tái chế túi nilon ít mang ý nghĩa về kinh tế và không có động cơ thúc đẩy. Đây là thách thức lớn trong việc quản lý, tái chế và tái sử dụng chất thải nhựa và nilon.
Chung tay giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon
Để góp phần hạn chế chất thải nhựa và nilon, TS. Nguyễn Văn Tài kiến nghị một số giải pháp cụ thể như sau:
Một là, triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên, đặc biệt, áp dụng các biện pháp nghiêm khắc đối với các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm các quy định về quản lý chất thải nguy hại.
Hai là, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan Trung ương của các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội để triển khai các hoạt động giám sát, kiểm soát thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa; tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của người dân trong việc hạn chế sử dụng và thải bỏ chất thải nhựa và nilon.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm kêu gọi cộng đồng và toàn xã hội cùng thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa, hướng đến nói không với nhựa và nilon.