Chuỗi cung ứng của Trung Quốc tiếp tục chịu áp lực bởi chính sách Zero-COVID và các kỳ nghỉ năm mới

Theo An Le/nhadautu.vn/CNBC

Việc phong tỏa, cách ly và các hạn chế đang gây ra tình trạng tồn đọng hàng hóa tại một số cảng lớn của Trung Quốc, dẫn đến sự 'hỗn loạn' và đẩy nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không tăng lên 50%.

 Ảnh: Getty Images
Ảnh: Getty Images

Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài ở Trung Quốc, giá cước vận tải hàng không bỗng tăng đột biến và một số hãng vận tải đột nhiên thông báo tạm dừng dịch vụ. Điều này một lần nữa đã kéo sự chú ý lên tình trạng quá tải của các chuỗi cung ứng.

Tình trạng này xảy ra khi Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược Zero-COVID, khi sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm trong thời gian gần đây đã dẫn đến việc phong tỏa và hạn chế tại các cảng trung chuyển lớn nhất và các thành phố lớn trên khắp đất nước.

Atul Vashistha, nhà sáng lập kiêm chủ tịch của công ty tư vấn chuỗi cung ứng Supply Wisdom cho biết: “Mặc dù các cảng vẫn đang mở cửa, nhưng việc bắt buộc phải xét nghiệm và cách ly đã tiếp tục làm chậm quá trình vận chuyển và gây ra sự chậm trễ này".

Ông nói thêm, ưu tiên chính của Trung Quốc lúc này là hạn chế sự lây lan của các ca bệnh COVID trước Thế vận hội mùa đông vào tháng tới và kỳ Tết Nguyên đán sắp diễn ra. Tuy nhiên, chính những hạn chế này tại các cảng đã dẫn đến một số 'hỗn loạn'.

“Hàng hóa thì chất đống trong khi tàu hàng lại bị cấm nhập cảnh. Các yêu cầu về giấy xét nghiệm PCR âm tính và việc đổi tuyến vào phút chót đã khiến khởi đầu của năm 2022 chẳng khác gì so với giai đoạn cuối năm 2021 - hoàn toàn hỗn loạn”, Vashistha nói.

Trước đó, các ca nhiễm đã được báo cáo ở các thành phố cảng quan trọng như Thâm Quyến, Thiên Tân và Ninh Ba, cũng như trung tâm công nghiệp Tây An, làm bùng phát các vụ phong tỏa và các hạn chế khác.

Thủ đô Bắc Kinh báo cáo phát hiện trường hợp nhiễm Omicron đầu tiên vào ngày 15/1. Vào ngày 16/1/, chưa đầy hai tuần trước Thế vận hội Mùa đông, chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra các hạn chế mới để ngăn chặn đợt bùng phát gần đây sau khi 9 trường hợp lây nhiễm được phát hiện ở Bắc Kinh một ngày trước đó. .

Trận bùng phát ở Ninh Ba vào tháng 12 cũng gây ra một số hạn chế và làm gián đoạn giao thông tại cảng bận rộn thứ ba trên thế giới, cảng Ningbo-Zhoushan

Gần đây, tuy các hoạt động phần lớn đã trở lại nhưng những chuyến hàng này lại bị chuyển hướng đến Thượng Hải, gây ra tắc nghẽn và chậm trễ ở cảng bận rộn nhất trên thế giới, Judah Levine, trưởng nhóm nghiên cứu tại Freightos Group cho biết.

Bên cạnh đó, công ty công nghệ chuỗi cung ứng Project44 cũng cho biết việc chuyển từ cảng Ninh Ba đến Thượng Hải đã “phản tác dụng đối với một số nhân viên vận chuyển”, khi tình trạng tắc nghẽn tại Thượng Hải gia tăng. Kết quả là Thượng Hải đã ghi nhận mức tăng kỷ lục với 86% số chuyến hàng bị hủy (blank sailings) so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong một email gửi cho CNBC vào tuần trước, Levine viết: mọi con mắt đều đang đổ dồn vào Trung Quốc và tác động mà các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch có thể gây ra đối với ngành logistics ở quốc gia này.

Tăng giá cước hàng không

Levine cho biết, cước phí vận chuyển đường biển giao ngay tăng 4% trên tuyến đường Châu Á đến Bờ Tây Hoa Kỳ, nhưng chúng không có khả năng tăng cao hơn nữa vì ngành sản xuất sẽ tạm dừng ở Trung Quốc khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến gần và các nhà máy phải đóng cửa trong khoảng thời gian dài.

Trong khi đó, giá cước vận chuyển hàng không vẫn tăng đột biến.

Bởi lẽ, việc chúng ta vẫn còn “đủ thời gian để vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, ngay đợt cao điểm trước kỳ nghỉ lễ, cùng với những hạn chế do đại dịch đã đẩy giá vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không lên cao”. Ngoài ra, Chỉ số Hàng không của Freightos cũng cho thấy tỷ giá từ Trung Quốc đến Bắc Âu đã đạt mức 9,59 USD/kg vào giữa tháng Giêng, tăng hơn 50% từ mức dưới 6 USD/kg vào đầu tháng này.

Theo Vashistha, một số công ty vận tải biển lớn như Ocean Network Express và Hapag-Lloyd đã tạm dừng các dịch vụ và hoạt động thậm chí sớm hơn năm ngoái để ăn mừng mùa lễ. Và chính điều này đã gây ra sự căng thẳng đối với chuỗi cung ứng vốn đã vô cùng mỏng manh.

Paul Gruenwald, nhà kinh tế trưởng tại S&P cho biết chi phí vận chuyển đã giảm trong vài tháng qua khi sự tồn đọng của chuỗi cung ứng giảm bớt, nhưng sự gia tăng của Covid trong thời gian gần đây và bất kỳ khả năng đóng cửa cảng nào cũng có thể khiến những công sức đó đổ sông đổ bể.

“Có thể nói rằng điều này sẽ làm chậm sự cải thiện mà chúng ta đã thấy trong vài tháng qua,” ông nói.

Zero-COVID và Thế vận hội mùa đông

Sự không khoan nhượng của Trung Quốc đối với COVID sẽ có tác động lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu, John Ferguson, trưởng nhóm thực hành về toàn cầu hóa, thương mại và tài chính của think tank Economist Impact cho biết.

“Cú sốc mới nhất này xảy ra vào một thời điểm tồi tệ đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, khi nó vốn đã căng thẳng từ mùa Giáng sinh và kết hợp với sự xuất hiện của biến thể omicron, nhưng các vấn đề đang xảy ra ở các cảng lớn ở Trung Quốc đã đưa sự phức tạp này lên một tầm cao mới”, Ferguson nói.

“Chiến lược Zero-COVID của Trung Quốc sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng vì các đợt bùng phát tiếp theo có thể sẽ dẫn đến việc đóng cửa hoặc phong tỏa nhiều hơn ở các khu vực chính. Và với việc Trung Quốc sắp tổ chức Thế vận hội Mùa đông, cũng như các sự kiện chính trị quan trọng khác vào cuối năm, khó có khả năng nước này sẽ từ bỏ chiến lược COVID của họ vào năm 2022”, Ông nói với CNBC:

May mắn là nhiều công ty đã chuẩn bị cho các kịch bản phòng trường hợp chuỗi cung ứng tiếp tục căng thẳng và hiện đang thực hiện các kế hoạch của họ để đối đầu với những khó khăn này, ông nói.

Tuy nhiên, không phải tất cả công ty đều thuận buồm xuôi gió.

Ông nói thêm: “Trong khi các công ty toàn cầu trở nên nhanh nhẹn hơn trong cuộc khủng hoảng này, chúng ta cũng không nên bỏ qua các dự đoán về một số chậm trễ do đợt căng thẳng chuỗi cung ứng này mang lại".

Vashistha của Supply Wisdom đã tổng kết lại: “Sự kết hợp của việc đóng cửa cùng với sự gia tăng công việc tồn đọng tại các cảng do COVID gây ra, chính sách không khoan nhượng của Trung Quốc cùng với việc giảm công suất hoạt động của ngành vận tải hàng không, đã dẫn đến việc hàng hóa tiếp tục chất đống mà không có cách nào di chuyển hay nơi nào để đi".