Chuyển biến tích cực trong sắp xếp tổ chức bộ máy tại Tổng cục Dự trữ Nhà nước
Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong những năm qua luôn được Tổng cục Dự trữ Nhà nước chú trọng triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trên cơ sở đó, thời gian tới, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống đảm bảo hoạt động tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phát huy vai trò DTQG từ mô hình bộ máy ba cấp
Theo bà Lê Thị Ánh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Dự trữ Nhà nước), Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) được tổ chức theo hệ thống dọc gồm 3 cấp quản lý là Tổng cục, Cục DTNN khu vực, Chi cục DTNN.
Hiện nay, tại cơ quan Tổng cục DTNN có 9 đơn vị tham mưu, giúp việc cho Tổng cục trưởng; tại địa phương có 22 Cục DTNN khu vực thực hiện chức năng trực tiếp quản lý hàng dự trữ quốc gia (DTQG) và quản lý nhà nước về DTQG trên địa bàn theo quy định của pháp luật; 87 Chi cục DTNN thuộc các Cục DTNN khu vực, thực hiện chức năng quản lý trực tiếp hàng DTQG trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Trải qua hơn 65 năm hình thành và phát triển, mô hình tổ chức của Tổng cục DTNN đã có nhiều lần thay đổi cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Tuy nhiên, về cơ bản, bộ máy của Tổng cục DTNN trong mỗi thời kỳ được tổ chức theo hệ thống dọc với 3 cấp quản lý: Tại Trung ương, tại các vùng chiến lược và quản lý trực tiếp hàng DTQG tại các vùng kho DTQG.
Thực tế cho thấy, với cách thức tổ chức này đã phát huy được vai trò của DTQG trong những tình huống đột xuất, cấp bách – đáp ứng mục tiêu của DTQG đã được quy định tại Luật DTQG. Trong thời gian qua đã có nhiều văn bản được ban hành về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, điển hình như: Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017; Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội khóa 14...
Các nghị quyết này là cơ sở quan trọng để các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục DTNN quán triệt, triển khai tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể công chức, viên chức, người lao động để nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Tài chính.
Cụ thể hóa các nghị quyết này, ngày 16/5/2018, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN đã ban hành Quyết định số 429/QĐ-TCDT về việc ban hành Kế hoạch hành động của Tổng cục DTNN thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/ TW.
Theo đó, tại Kế hoạch hành động của Tổng cục DTNN tập trung vào hai nội dung chính là công tác kiện toàn, tinh gọn chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục DTNN và công tác quản lý biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó quy định cụ thể về nội dung cần triển khai và tiến độ thực hiện đảm bảo phù hợp với thực tiễn của Tổng cục DTNN.
Hiệu quả tích cực trong sắp xếp tổ chức bộ máy
Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Tổng cục DTNN đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy. Đó là, Tổng cục DTNN đã xây dựng trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 36/2019/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục DTNN thuộc Bộ Tài chính.
Đáng chú ý, đến nay, Tổng cục DTNN đã hoàn thành 100% kế hoạch sắp xếp các Chi cục DTNN theo Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2016 - 2021 đã được Bộ Tài chính phê duyệt, số Chi cục DTNN đã giảm từ 98 Chi cục năm 2015 xuống còn 87 Chi cục DTNN.
Đồng thời, hoàn thành việc giải thể Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ DTNN và chuyển giao nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng về Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính thuộc Bộ Tài chính theo tinh thần Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 7/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Qua thực tiễn đánh giá tình hình triển khai nhiệm vụ DTQG thời gian qua trong hệ thống DTNN cho thấy, mô hình bộ máy ba cấp quản lý hiện nay của Tổng cục DTNN là phù hợp, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng tiêu chí thành lập theo quy định của pháp luật.
Để bộ máy tổ chức ngày càng hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, Tổng cục DTNN tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy ba cấp quản lý đảm bảo tính hệ thống, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước; có lực lượng dự trữ tại chỗ, kịp thời đáp ứng yêu cầu phục vụ khi có biến cố xảy ra; bảo đảm phạm vi quản lý các hoạt động dự trữ thực hiện trên bình diện cả nước.
Nghiên cứu, đánh giá lại hệ thống kho DTQG hiện có để trình Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt quy hoạch chi tiết hệ thống kho DTQG do Tổng cục DTNN quản lý làm cơ sở để rà soát, xây dựng phương án sắp xếp các Chi cục DTNN theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Tiếp tục rà soát, đánh giá hệ thống các kho DTQG, thanh lý các kho cũ không còn khả năng sử dụng, xây dựng các kho mới theo quy hoạch được phê duyệt; sắp xếp các Chi cục DTNN theo hướng hợp nhất các Chi cục DTNN không còn kho dự trữ trong quy hoạch; trình cấp có thẩm quyền thành lập mới Chi cục DTNN tại địa bàn chiến lược để bảo đảm luôn có lực lượng dự trữ tại chỗ kịp thời đáp ứng yêu cầu phục vụ khi có biến cố xảy ra; các Chi cục DTNN thành lập mới phải đáp ứng tiêu chí thành lập Chi cục theo quy định.
Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự đối với 2 đơn vị sự nghiệp công lập gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành và Trung tâm Kiểm định hàng dự trữ. Đồng thời, xây dựng Đề án vị trí việc làm của các đơn vị báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, bảo đảm các đơn vị hoạt động ổn định, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
*Theo Nguyệt Ánh - Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2022.