Tỉnh Trà Vinh:
Chuyển biến từ liên kết sản xuất gắn với hợp tác xã kiểu mới
Những năm gần đây, số lượng hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Trà Vinh gia tăng, dẫn đến nhu cầu ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào phát triển sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng. Chính vì vậy, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để hỗ trợ phát triển HTX nhằm đóng góp vào việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
HTX là đối tượng hiện nay được ưu tiên phát triển, ứng dụng KH&CN. Thời gian qua, nhiều nhiệm vụ KH-CN được thực hiện gắn kết với ứng dụng, phát triển HTX, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Các nhiệm vụ được thực hiện vừa gắn với phát triển HTX, vừa bám sát định hướng phát triển các cây, con chủ lực của tỉnh theo Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 27/12/2017 của Tỉnh ủy Trà Vinh về lãnh đạo phát triển một số cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và các đối tượng khác phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Ông Lâm Thái Hùng - Phó Giám đốc Sở KH&CN Trà Vinh cho biết: xuất phát từ tiềm năng sản xuất lúa hữu cơ, nhiệm vụ xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ trong hệ thống canh tác lúa - tôm tại 02 xã Long Hòa và Hòa Minh, huyện Châu Thành đã được thực hiện theo hướng liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Kết quả đã hoàn thiện quy trình từ khâu thực hành sản xuất lúa hữu cơ đến kiểm tra nội bộ các tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ.
Năm 2016, trên địa bàn tỉnh chỉ có 50ha được chứng nhận, đến nay phát triển lên 160ha, sản phẩm lúa đạt được chứng nhận hữu cơ USDA, EU, JAS, mỗi ký gạo đạt tiêu chuẩn EU, USDA và JAS được bán tại thị trường châu Âu với giá khá cao, tăng lợi nhuận trên 10 triệu đồng/ha. Đề tài xây dựng quy trình canh tác đậu phộng bền vững tại tỉnh Trà Vinh đang được thực hiện nhằm xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác đậu phộng bền vững tại tỉnh. Dự kiến mô hình trồng đậu phộng đạt tiêu chuẩn VietGAP diện tích 30ha được cam kết bao tiêu thông qua HTX nông nghiệp Khoa Huệ với giá cam kết cao hơn 10% so với thị trường.
Bên cạnh đó, đề tài chọn giống đậu phộng trồng trên đất giồng cát cho năng suất cao tại tỉnh Trà Vinh được thực hiện với quy mô 2,4ha, góp phần cung cấp giống tốt cho HTX nông nghiệp Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang và HTX hữu cơ Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải. Đồng thời tuyển chọn 03 cá thể quýt đường tốt, được công nhận làm cây đầu dòng (năng suất 99 - 101kg/cây/năm, khối lượng trái ≥ 140g, số hạt/trái ≤ 10 hạt, độ brix ≥ 10%, tỷ lệ nước trái ≥ 40%). Từ đó, đã vi ghép tạo 06 cây quýt đường S0, nhân giống 30 cây S1 sạch bệnh và 600 cây S2 chuyển giao cho nông dân trồng ngoài đồng để đánh giá. Kết quả thúc đẩy sự phát triển của HTX quýt đường Thuận Phú về diện tích và chất lượng trong thời gian tới.
Để phục vụ phát triển HTX trồng hoa, Sở KH-CN xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật tiên tiến trong việc nhân giống và canh tác một số loại hoa tại TP. Trà Vinh đã được thực hiện, đề tài cung cấp 05 giống hoa đồng tiền, hoa chuông và dạ yến thảo cho mỗi loại cùng với quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến phục vụ phát triển sản xuất cho hiệu quả cao. Đơn vị tiếp nhận kết quả đã sản xuất hàng năm đạt 15.000 - 20.000 cây giống cấy mô để cung cấp cho người trồng hoa ở HTX và địa phương.
Trong thời gian tới, đề tài tuyển chọn và nhân giống hoa giấy và hoàn thiện quy trình trồng một số giống hoa hồng trong chậu tại tỉnh được triển khai, giúp cho làng hoa và các HTX trồng hoa trên địa bàn TP. Trà Vinh phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, Sở KH&CN ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật trong nhân giống và xây dựng mô hình trồng cây đinh lăng lá nhỏ đã tạo được cây nuôi cấy mô có tỷ lệ sống 75,4% so với cây giâm cành (55,9%) và chiều cao cây, trọng lượng rễ cao hơn so với cây giâm cành. Kết quả đề tài đã lan tỏa, giúp phát triển các HTX trồng đinh lăng tại tỉnh. Dự án xây dựng mô hình trồng dừa sáp bằng nguồn cây giống nuôi cấy phôi tại Trà Vinh đã xây dựng được mô hình trồng dừa sáp 06ha từ cây giống nuôi cấy phôi ở xã Hòa Tân và Phong Phú và HTX dừa sáp Hòa Tân, huyện Cầu Kè.
Song song đó, với nhiệm vụ đánh giá thực trạng vùng nuôi nghêu ven biển tỉnh Trà Vinh và xây dựng mô hình nuôi trồng khai thác bền vững tại các tổ hợp tác HTX nuôi nghêu đã ương dưỡng nghêu giống trong 08 - 09 tháng đạt kích cỡ khoảng 15.000 con/kg, số lượng 2,4 triệu con và tỷ lệ sống khoảng 73%. Mô hình nuôi nghêu thương phẩm thực hiện trên 1,5ha với sản lượng nuôi nghêu 2016 - 2017 khoảng 4,5 - 6,6 tấn/ha. Kết quả sau nghiệm thu đã được chuyển giao cho Liên minh HTX tỉnh triển khai ứng dụng tại các HTX nuôi nghêu trong tỉnh.
Thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ từ năm 2002 đến nay, Sở KH-CN đã hỗ trợ đăng ký tạo lập, đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong nước 190 nhãn hiệu (39 nhãn hiệu tập thể, 151 nhãn hiệu thông thường). Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “măng cụt Tân Qui” cho sản phẩm măng cụt cù lao Tân Qui, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè. Hỗ trợ tạo lập và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận dừa sáp Cầu Kè; đang thực hiện Dự án bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Trà Vinh” cho sản phẩm tôm và đề án đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” cho sản phẩm dừa sáp, đề án “xây dựng bảo hộ và quản lý nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm lúa, gạo hữu cơ huyện Châu Thành”. Các sản phẩm bảo hộ, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đóng góp tích cực vào nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế tập thể và HTX trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Ngoài ra, Sở KH&CN phối hợp với Dự án SME Trà Vinh bàn giao sản phẩm “in và kích hoạt tem QR code cho sản phẩm gạo của HTX nông nghiệp Dân Tiến, bưởi da xanh của HTX bưởi da xanh Hùng Hòa; dưa lưới của HTX nông nghiệp Phú Cần; gạo hữu cơ của HTX nông nghiệp Rạch Lọp.
Theo ông Lâm Thái Hùng, để hỗ trợ phát triển sản phẩm trong thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho một số sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Đánh giá thực trạng đăng ký bảo đảm tài sản trí tuệ và tư vấn, cải tiến mẫu mã sản phẩm, quảng bá tài sản trí tuệ cho 13 HTX nông thôn kiểu mới các sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP Trà Vinh. Hỗ trợ xây dựng nền tảng dữ liệu điện tử hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh Trà Vinh.