Liên kết sản xuất - Hướng đi tất yếu
Sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi liên kết từ lâu đã được xác định là giải pháp giúp nhà nông nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững. Ðặc biệt, trong bối cảnh sức ép cạnh tranh ngày một gay gắt, tác động của thời tiết cực đoan; dịch COVID -19… càng cho thấy liên kết là hướng đi tất yếu, nhất là liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu hàng hoá.
Vai trò và tầm quan trọng của mối liên kết "4 nhà" trong sản xuất được khẳng định cách đây gần 20 năm, với Quyết định 80/2002/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; Chỉ thị 25/2008/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; Chỉ thị 1965/CT-BNN-TT năm 2013 về việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo mô hình cánh đồng mẫu lớn... nhằm bổ trợ, thúc đẩy việc liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hoá.
Những kết quả đáng ghi nhận
Trên địa bàn tỉnh Cà Mau nhiều năm qua, hàng loạt những chương trình, kế hoạch và mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng hoá nông sản được ra đời. Tại 2 xã Trí Lực và xã Trí Phải (huyện Thới Bình) có hơn 2.000 ha lúa - tôm đặc sản chất lượng cao được 3 doanh nghiệp ký kết hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu.
Riêng Hợp tác xã (HTX) Trí Lực xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa chất lượng cao gần 1.000 ha và 200 ha lúa hữu cơ đạt chuẩn châu Âu. Hay như HTX Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn (ấp Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) đã ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp cung cấp giống, phân bón, hoá chất đầu vào cho đến tiêu thụ lúa đầu ra... Trên lĩnh vực nuôi thuỷ sản, hầu hết các HTX nuôi tôm đều có hợp đồng cung ứng hàng hoá, vật tư đầu vào cho đến bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Lúa - tôm là một trong những mô hình sản xuất đang được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Theo đó, đến thời điểm này toàn tỉnh đã xuống giống hơn 29.154 ha. Trong đó, huyện Thới Bình hơn 15.418 ha, U Minh 10.828 ha, Trần Văn Thời 1.983 ha, TP Cà Mau 520 ha, Cái Nước 405,5 ha.
Ông Lý Minh Vững - Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết, để vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay đạt kế hoạch đề ra, ngay từ tháng 3 huyện đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết. Theo đó, huyện đã ký hợp đồng với các đơn vị ngoài tỉnh, chủ yếu là Sóc Trăng và Cần Thơ, mua các loại giống lúa chất lượng cao, phục vụ sản xuất của người dân.
Ông Lê Thanh Triều - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết, sở đang tập trung chỉ đạo quyết liệt vụ sản xuất lúa trên đất nuôi tôm. Ðồng thời, cùng với các huyện rà soát lại tất cả các mặt hàng nông sản cũng như thương lái, doanh nghiệp đầu mối để tiến hành tạo mọi điều kiện lưu thông hàng hoá. Ðặc biệt, đẩy mạnh hoạt động liên kết, xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị đối với các mặt hàng chủ lực của tỉnh.
Dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là việc tiêu thụ hàng hoá nông sản. Trong đó, 9 tháng của năm 2021, kết quả thực hiện nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020, như chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 12,3%, doanh thu dịch vụ giảm 33,9%, thu ngân sách giảm 7%… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chỉ tiêu chuyển biến tích cực, nhất là tổng sản lượng thuỷ sản tăng 3,8%, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 797 triệu USD, tăng 14%…
Dù chịu tác động không nhỏ của dịch COVID-19, nhưng trà lúa hè thu vừa qua cũng mang về cho ông Trần Văn Hoàng, thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn, một khoản lợi nhuận kha khá. Ông Hoàng chia sẻ, năng suất bình quân đạt hơn 5,5 tấn/ha, với giá thành 5.900 đồng/kg.
“Làm lúa lời nhiều, ít hay bị lỗ lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố, phải vừa có năng suất, vừa kết hợp nguồn chi phí đầu tư hợp lý và giá đầu ra phải tương đối. Từ khi trở thành thành viên của HTX, đầu vào và đầu ra khỏi phải lo, chỉ cần tập trung tăng năng suất là sẽ có lợi nhuận cao”, ông Hoàng chia sẻ.
Trái ngược với ông Hoàng, vụ hè thu vừa qua gia đình ông Hai Phúc (Nguyễn Văn Phúc, Ấp 3, xã Tân Thành, TP. Cà Mau) bị lỗ nặng. Ông Phúc cho biết, do làm giống ngắn ngày hơn nhiều người trong khu vực nên từ lúc lúa làm đòng bị chuột cắn phá, đến lúc lúa chín đúng thời điểm mưa lớn kèm gió mạnh làm sập hàng loạt. Thu hoạch chỉ được khoảng 7 bao/công (14 giạ), trong khi tiền gặt, tiền giống tính ra đã hết 7 giạ, còn phân thuốc, cày, bừa chưa tính.
Trường hợp ông Hoàng và ông Phúc là những minh chứng cụ thể cho thấy, việc liên kết trong sản xuất ngày nay có vai trò vô cùng quan trọng, trong đó trung tâm là HTX, THT. Xây dựng được chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất không chỉ giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, đồng loạt trong sản xuất, quan trọng nhất là tạo ra sản phẩm lớn, chất lượng để tiêu thụ thuận tiện, giá thành ổn định hơn.
Phát triển liên kết chuỗi giá trị
Ðể tiếp tục nhân rộng và phát triển các chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 02 năm 2021 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Theo đó, mục tiêu mà chương trình đề ra là giai đoạn 2021-2025, mỗi năm thành lập mới khoảng 80 THT, từ 18-20 HTX, đến năm 2025 có từ 1-2 liên hiệp HTX. Ðặc biệt có 60-70% HTX, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả (tốt, khá); đội ngũ quản lý có 40-50% trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp; có 30-40% HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; có 15-20% HTX nông nghiệp liên kết sản xuất, kinh doanh theo mô hình liên kết chuỗi giá trị.
Trong chương trình hành động này, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, HTX là xu thế tất yếu, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các sở, ngành, địa phương.
Ðưa nội dung phát triến kinh tế tập thể vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Ðồng thời, triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào hoạt động sản xuất của HTX; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu các sản phẩm đặc sản, đặc thù của địa phương…
Liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất thông qua kinh tế hợp tác, HTX, THT là hướng đi tất yếu trong điều kiện kinh tế hội nhập như hiện nay, cũng như trước những tác động tiêu cực của thiên tai, thời tiết. Ðây không chỉ là giải pháp giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn góp phần to lớn vào tăng trưởng GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới…