Chuyển đổi số nâng cao chất lượng quản lý vận hành lưới điện 110kV tại Thanh Hóa
Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Thanh Hóa là một trong những đơn vị có khối lượng quản lý lớn nhất cả nước, với hơn 800km đường dây 110kV và 23 trạm biến áp (TBA) 110kV. Những năm gần đây, đơn vị đã tích cực triển khai công tác số hóa, chuyển đổi số, từng bước nâng cao chất lượng quản lý, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và tin cậy trên địa bàn toàn Tỉnh.
Tính đến hết tháng 11/2023, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã đưa 23/23 TBA 110kV vào điều khiển xa không người trực, đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng lưới điện thông minh trên địa bàn Tỉnh. Các chương trình số hóa được Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Thanh Hóa áp dụng như: Số hóa kỹ thuật, ứng phần mềm quản lý kỹ thuật (PMIS), bản đồ địa lý (GIS), quản lý máy biến áp... vào công tác quản lý, vận hành.
Điều này đã giúp đơn vị tăng cường khả năng giám sát, điều khiển từ xa các TBA 110kV, tự động hóa các công tác vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị, hạn chế tối đa sai sót, nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời thu thập, lưu trữ, phân tích dữ liệu vận hành, giúp nâng phát hiện sớm các nguy cơ gây sự cố, có biện pháp xử lý kịp thời, giảm thiểu thời gian ngừng cấp điện.
Chuyển đổi số cũng đã giúp cho đơn vị giảm được thời gian, nhân công, bố trí lực lượng lao động hợp lý, tối ưu hóa các loại chi phí, nâng cao hiệu quả trong việc “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.
Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số, Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Thanh Hóa cũng chú trọng đến công tác sửa chữa bảo dưỡng thiết bị theo điều kiện vận hành (CBM). Công tác này được thực hiện dựa trên việc phân tích các điều kiện thực tế về thiết bị, sớm phát hiện các nguy cơ gây sự cố, nhằm đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.
Để phát huy hiệu quả công tác này, đơn vị đã sử dụng các thiết bị hiện đại như: Camera nhiệt, flycam, thiết bị phóng điện cục bộ (PD)... để theo dõi nhiệt độ mối nối dây dẫn, mối nối lèo, các điểm dễ phát nhiệt trên đường dây và TBA 110kV; kiểm tra định kỳ cũng như đột xuất các tuyến đường dây, phục vụ hiệu quả cho công tác kiểm tra sự cố mà mắt thường không nhìn thấy được; theo dõi tình trạng của các thiết bị từ tủ trung thế, chống sét van, cách điện, đầu cáp, TU, TI...
Nhờ những nỗ lực trong việc đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng trong quản lý, đến nay hệ thống lưới điện cao thế được vận hành an toàn, ổn định, tin cậy; tỷ lệ tổn thất điện năng giảm dần theo từng năm; năng suất lao động được nâng cao, hiệu quả sử dụng nguồn lực được tiết kiệm. Cùng với Công ty, Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Thanh Hóa sẽ tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, từ đó góp phần hoàn thành mục tiêu chung của ngành điện là phấn đấu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025.