Chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản giúp tối ưu hóa việc kinh doanh
Cách mạng 4.0 đã khiến kinh doanh, quản lý bất động sản (BĐS) theo cách truyền thống bị lỗi thời, doanh nghiệp (DN) BĐS cần chuyển đổi số (CĐS) để thích ứng, tối ưu hóa hoạt động.
Ngày 2/12, Hội thảo Chuyển đổi số ngành BĐS đã diễn ra với sự tham gia của đại diện Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cùng các nhà khoa học, chuyên gia nhằm nhìn lại và đưa ra định hướng thúc đẩy chuyển đổi số cho ngành, một cách tích cực và hiệu quả hơn nữa trong năm 2022.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định về các hoạt động chuyển đổi số trong ngành BĐS: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành BĐS tại Việt Nam mới đang ở những bước đầu, với ngành BĐS việc áp dụng những công nghệ 4.0 là vô cùng cần thiết.
BĐS là ngành đặc thù, dịch chuyển chậm chạp, giao dịch rất phức tạp, dữ liệu thông tin nhiều, khối lượng lớn, kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng… mất rất nhiều công đoạn với các thủ tục phức tạp. Làm thế nào để rút ngắn được quy trình, thủ tục trong đầu tư, kinh doanh, quản lý BĐS là bài toán cả cơ quan nhà nước, các DN đều mong muốn.
Theo ông Đính, CĐS sẽ giúp nhà nước quản lý thông tin dữ liệu về bất động sản. Nghiên cứu, định hình BĐS, tích hợp dữ liệu để quản lý bằng các giải pháp công nghệ sẽ hiệu quả, chính xác, đơn giản hóa được rất nhiều quy trình và thủ tục giao dịch BĐS.
CĐS cũng sẽ giúp các nhà đầu tư dự án BĐS có thể xây đựng dự án, tổ chức thi công xây dựng, tiếp cận thị trường và khách hàng, bán hàng cũng như quản lý, vận hành hiệu quả, giảm chi phí.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính cho biết, trong giao dịch mua bán, phân phối BĐS, hiện các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số còn ít và đơn giản. Các sàn giao dịch BĐS hiện mới chỉ ứng dụng công nghệ phục vụ hội họp, chào bán sản phẩm trực tuyến, mà chưa ứng dụng chuyên sâu trong khi chúng ta có thể làm được nhiểu hơn bằng công nghệ số.
Sử dụng các hệ thống AI, Bloockchain (công ty công nghệ uy tín chia địa ốc của chủ đầu tư thành nhiều phần bằng nhau, sau đó mã hóa thành các token kỹ thuật số giao bán công khai, minh bạch trên các ứng dụng) vào BĐS sẽ thay thế được cả một hệ thống bộ máy vận hành, giúp chúng ta tối ưu hóa trong việc kinh doanh.
Ông Đính nhấn mạnh: "Ứng dụng công nghệ số chắc chắn sẽ là xu hướng được các chủ thể trong đó có nhà nước, chủ đầu tư, khách hàng tìm đến".
Ông Hà Tấn Khang - Giám đốc Công nghệ marketing Công ty Meey Land ở góc độ DN về công nghệ cho rằng: Thị trường BĐS ngày càng có sự cạnh tranh khốc liệt, các DN cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm khách hàng, mang lại những lợi ích cho khách hàng thì mới có cơ hội thành công.
Tại sự kiện, Meey Land giới thiệu thông tin về một số sản phẩm hữu ích mà công ty dày công phát triển phục vụ cho thị trường chuyển đổi số bất động sản như website meeyland.com và app Meey Land ( kết nối người mua và người bán), Meey CRM ( ứng dụng quản lý nguồn hàng và khách hàng), Meey Map ( bản đồ BĐS), Meey Ads ( trang web quảng cáo cho BĐS), Meey Page…
Với hệ sinh thái chuyển đổi số trong BĐS, Meey Land mong muốn giải quyết được tất cả những vướng mắc của cả người mua và người bán cũng như những đối tượng tham gia vào chuỗi cung ứng BĐS hiện tại.
Bàn về CĐS trong ngành BĐS, ông Hoàng Mai Chung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Meey Land cho biết: Thực hiện theo chủ trương của nhà nước về thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0, Meey Land cũng là một trong những công ty đi đầu về xu hướng CĐS trong lĩnh vực BĐS, Meey Land muốn sử dụng công nghệ để đơn giản hóa các quy trình giao dịch BĐS, tối ưu hóa việc thanh khoản và kinh doanh BĐS.
Ông Chung khẳng định: "Công nghệ tới thời điểm này đã rất chính muồi, sự cạnh tranh khiến cho doanh nghiệp phải đưa ra những ý tưởng, mô hình kinh doanh kiểu mới để đạt được những mục tiêu phát triển cho ngành chuyên môn của mình. Nếu chúng ta không chuyển đổi bây giờ, quốc tế sẽ chuyển đổi và chúng ta sẽ mất cơ hội".
Tuy còn tốc độ chuyển đổi số trong ngành BĐS còn chậm, mới đang ở giai đoạn 1.0 nhưng thị trường BĐS Việt Nam vẫn có những tín hiệu đáng mừng.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho biết: Thị trường BĐS Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Mặc dù đại dịch CoVID-19 tác động khó khăn, song thị trường BĐS vẫn có những tín hiệu tốt.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, đã có 201 dự án nhà ở thương mại, với 85.000 căn nhà được cơ quan chức năng cấp phép mới; trong đó, có 125 dự án, với 15.500 căn nhà đã hoàn thành. Cũng trong 9 tháng đầu năm, đã có 46 dự án với 10.000 căn hộ du lịch và khoảng 2.100 biệt thự du lịch được cấp phép mới.
Thống kê sơ bộ trong 11 tháng năm 2021, đã có 110.000 sản phẩm nhà ở đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai; khoảng 97.000 giao dịch BĐS thực hiện thành công.
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra một "cú hích" nhằm đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp BĐS. So với các lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng, thương mại, y tế thì BĐS bắt đầu xuất phát ở vạch sau nhưng BĐS sẽ đem lại tiềm năng lớn trong phát triển - ông Hưng nhận định.
Mọi nỗ lực về mặt chính sách, đầu tư từ các cơ quan chính phủ, bộ ngành sẽ là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực Proptech. Không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà còn cho cả các khách hàng cá nhân, nhà đầu tư.