Chuyển đổi số và những thay đổi đối với kế toán quản trị trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Hiện nay, chuyển đổi số đã và đang được đưa vào trong mọi hoạt động của doanh nghiệp từ việc số hóa dữ liệu, áp dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp… Với vai trò quan trọng của kế toán quản trị trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, kế toán quản trị sẽ giúp quản lý doanh nghiệp một cách có hiệu quả và linh hoạt. Bài viết này sử dụng phương pháp SWOT - phân tích những cơ hội và thách thức mà chuyển đổi số đem lại cho kế toán quản trị trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó, đưa ra một số đề xuất khuyến nghị.
Cơ sở lý luận và thực tiễn
Cơ sở lý luận
Kế toán quản trị
Dưới góc độ học thuật, kế toán quản trị (KTQT) là thuật ngữ được sử dụng để mô tả các phương pháp, hệ thống, các công cụ, kỹ thuật kế toán, cùng với kiến thức và khả năng thực hiện nhằm hỗ trợ nhà quản trị trong thực hiện các chức năng quản lý mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp (DN) (Gray H. Garrison, 2020).
Đối với các tổ chức nghề nghiệp, đứng dưới góc nhìn của nhà quản trị cho rằng, KTQT là một nghề tham gia vào quá trình ra quyết định quản lý, lập kế hoạch và đo lường hiệu suất, đồng thời cung cấp những báo cáo chuyên sâu về tài chính giúp nhà quản trị kiểm soát việc xây dựng và thực hiện chiến lược của DN (IMA, 2008).
Chuyển đổi số
Hiện nay, Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 với quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ đã và đang tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu. Hiểu một cách chung nhất, thì chuyển đổi số chính là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các chủ thể về các cách thức tổ chức quản lý và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Chuyển đổi số được xem là một xu thế hiệu quả cho phát triển bền vững của tất cả các lĩnh vực kinh tế.
Chuyển đổi số trong công tác kế toán được hiểu là quá trình thay đổi các tác nghiệp của hoạt động này dựa trên các ứng dụng công nghệ số, được khái quát lại thông qua 5 công nghệ nổi bật sau: (1) Internet vạn vật (IoT); (2) Trí tuệ nhân tạo (AI); (3) Dữ liệu lớn (Big data); (4) Điện toán đám mây (Cloud); (5) Chuỗi khối (Blockchain) (Thủy Lê, 2021).
Cơ sở thực tiễn
Thực trạng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam.
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đã, đang diễn ra ở nhiều ngành, lĩnh vực cùng với những nỗ lực của Chính phủ để xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và đã thể hiện được nhiều hiệu quả ưu việt.
Theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, hiện nay, các DNNVV đã nhận thức được việc áp dụng chuyển đổi số sẽ tối ưu hóa về vận hành; mô hình kinh doanh; tăng trải nghiệm, gắn kết quan hệ khách hàng. Kết quả khảo sát cho thấy, có hơn 80% lãnh đạo DN muốn chuyển đổi số và 65% DN sẵn sàng đầu tư mạnh vào chuyển đổi số đã cho thấy nhu cầu chuyển đổi mạnh mẽ và tinh thần chuyển mình theo xu thế của khối DN này. Báo cáo Thực trạng chuyển đổi số kinh doanh số của Tập đoàn IDG (Mỹ) cũng cho thấy, khoảng 55% số DN khởi nghiệp ở Việt Nam đã sử dụng công nghệ số để vận hành DN hiệu quả, trong đó, tỷ lệ DN truyền thống là 38%.
Bên cạnh đó, trong Báo cáo do Cisco thực hiện với chủ đề “Chỉ số phát triển kỹ thuật số của DNNVV khu vực châu Á - Thái Bình Dương” đã chỉ ra rằng, có đến 70% DN trong khu vực đang đẩy nhanh quá trình số hóa do tác động của đại dịch COVID-19 và 86% DN khảo sát tin rằng số hóa sẽ giúp phát triển khả năng phục hồi chống lại các cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số vẫn chủ yếu diễn ra ở các DN lớn, đa số DNNVV vẫn phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường và không thực sự nỗ lực chuyển đổi số. Đồng thời, các DN này đang phải đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi số.
Những tác động của chuyển đổi số đến kế toán quản trị trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo nghiên cứu của IGC (2011) về mô hình KTQT dưới tác động của chuyển đổi số và dữ liệu lớn (Big Data) chỉ ra rằng, chuyển đổi số ảnh hưởng lớn đến lập kế hoạch, lập dự toán, dự báo, báo cáo kế toán và quản lý rủi ro. Ngoài ra, có ảnh hưởng đến một số chức năng liên quan như kiểm soát, tư vấn kinh doanh. Tuy nhiên, nghiên cứu của Kirchberg và Müller (2016) lại cho rằng, chuyển đổi số ảnh hưởng nhiều nhất đến lập dự toán, báo cáo KTQT và KTQT chi phí. Trong đó, KTQT chi phí chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi đây là các phương pháp liên quan nhiều đến quản lý dữ liệu và báo cáo phân tích chênh lệch chi phí giúp nhà quản trị DN đưa ra các kế hoạch về giá và kế hoạch cụ thể về chi phí.
Bên cạnh những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại cho KTQT, có không ít thách thức mà nó đem lại. Theo Viện Nghiên cứu Foterest (IMA, 2019), trong số các ngành nghề chịu ảnh hưởng của công nghệ thì lĩnh vực tài chính, kế toán bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đó nguy cơ mất việc làm lên tới 72%. Đặc biệt, nghiên cứu của IMA còn cho thấy, 42% các nhà KTQT chuyên nghiệp lo lắng về sự đe dọa của công nghệ tới việc làm của họ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, sự thay đổi này cũng mở ra nhiều cơ hội trong lĩnh vực KTQT. Để nắm được cơ hội việc làm trong thời đại số, cần có sự thay đổi về vai trò của nhà KTQT.
Phương pháp nghiên cứu
Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, thông qua tổng hợp lý thuyết, tổng kết kinh nghiệm… từ các bài báo, công trình nghiên cứu khoa học, báo cáo hội thảo về CMCN 4.0, chuyển đổi số, KTQT và các chủ đề có liên quan nhằm hệ thống hóa lý luận và thực tiễn chuyển đổi số trong kế toán quản trị tại các DNNVV.
Đồng thời, sử dụng phương pháp SWOT phân tích những cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số trong KTQT để làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của các DNNVV.
Kết quả nghiên cứu
Cơ hội chuyển đổi số đối với kế toán quản trị trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Với đặc thù của các DNNVV là bộ máy điều hành gọn nhẹ, có tính linh hoạt cao với số lượng lao động không nhiều, nên phần lớn các DNNVV áp dụng mô hình KTQT kết hợp để tiết kiệm chi phí và do hạn chế về nguồn nhân lực nên kế toán tài chính kiêm nhiệm luôn vị trí của một KTQT. Vì vậy, hoạt động quản trị trong các DN này thường không hiệu quả.
Do đó, áp dụng chuyển đổi số sẽ đem lại rất nhiều thuận lợi cho các DNNVV. Cụ thể là, việc ứng dụng chuyển đổi số trong KTQT sẽ giúp cung cấp thông tin một cách khoa học, minh bạch hơn, hạn chế được sai sót và nâng cao hiệu quả làm việc, nhằm hỗ trợ nhà quản trị DN thực hiện tốt chức năng hoạch định, kiểm soát và ra quyết định trong quản lý. Điều này sẽ làm tăng hiệu quả hoạt động của DN. Áp dụng mô hình quản lý trực tiếp nên các quyết định thường đựa được đưa ra nhanh chóng, nhạy bén với những thay đổi trong môi trường kinh doanh như:
Một là, tự động hóa đẩy nhanh tốc độ một số quy trình như lập kế hoạch, dự báo, báo cáo. Người làm kế toán KTQT chỉ cần tiến hành “nhập liệu”, quy trình tự động sẽ “xử lý, chế biến” dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo để cho các thông tin đầu ra dưới dạng các báo cáo có thể so sánh được. Ngoài ra, tự động hóa giảm bớt các nguồn lực trong hoạt động có tính chất lặp đi lặp lại mà thay vào đó người làm KTQT có thể tập trung vào các phương pháp kế toán hỗ trợ ra quyết định và hỗ trợ cho mục tiêu chiến lược.
Hai là, chuyển đổi số cung cấp và phát hiện những thông tin có thể kiểm chứng thông qua quá trình phân tích thông tin KTQT tự động, việc phân tích tự động sẽ giúp DN giảm thiểu các sai sót trong quá trình phân tích, rút ngắn thời gian phân tích giúp cho các báo cáo dự toán được lập một cách chính xác hơn. Tạo điều kiện cho việc ra quyết định của các nhà quản lý DN.
Ba là, việc vận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Blockchain… cho phép thông tin và quy trình thực hiện KTQT được thiết kế và thu thập một cách khoa học, truy cập nhanh vào các dữ liệu, rút ngắn và nâng cao hiệu quả làm việc. Ngoài ra, cho phép bộ phận kế toán xử lý nhanh và đơn giản hóa các nghiệp vụ thuộc các phần hành kế toán, cũng như cho phép truy cập vào các dữ liệu với tính bảo mật cao nhất.
Bốn là, chuyển đổi số giúp KTQT lưu trữ và xử lý được khối lượng lớn dữ liệu (Big Data). Với việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, các thông tin dữ liệu của nhiều DN sẽ không lưu trong các máy chủ cồng kềnh mà chuyển sang lưu trong các máy chủ ảo khổng lồ trên mạng internet.
Các thách thức đối với kế toán quản trị trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Bên cạnh những cơ hội mà chuyển đổi số trong KTQT đem lại, thì các DNNVV gặp không ít thách thức khi thực hiện chuyển đổi số do hạn chế về nội lực DNNVV gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi số như:
- Việc quản lý dữ liệu hàng ngày trong DN rất phức tạp, bởi chuyển đổi số sẽ lưu trữ dữ liệu với lưu lượng rất lớn. Khi đó, cần phải tạo ra nhiều kho chứa dữ liệu, điều này ảnh hưởng lớn đến khả năng quản lý thông tin KTQT của các DNNVV.
- Để thực hiện chuyển đổi số, đòi hỏi các DNNVV phải có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn đáp ứng được quá trình thực hiện như: các sản phẩm công nghệ cao (điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, Blockchain....); cơ sở hạ tầng hiện đại. Điều này sẽ gây khó khăn trong công tác KTQT của DNNVV do bị hạn chế về năng lực tài chính.
- Chuyển đổi số trong các DNNVV sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, do khó có thể đảm bảo sự tương đồng giữa các phần cứng và phần mềm trong các máy móc với nhau khi thực hiện công tác KTQT. Trong khi đó, sự tương thích này có thể góp phần giúp DN phản ứng nhanh với những thay đổi của môi trường.
- Hạn chế về điều kiện vật chất và nguồn nhân lực có trình độ cao so với các DN lớn cũng trở thành một trở ngại lớn mà hầu hết các DNNVV ở Việt Nam vướng phải khi thực hiện chuyển đổi số.
Một số khuyến nghị
Trong bối cảnh CMCN 4.0 và chuyển đổi số, để có thể khai thác được tối đa sức mạnh của KTQT trong các DNNVV, tác giả đề xuất một số khuyến nghị sau:
Thứ nhất, cần thay đổi nhận thức về tác động của công nghệ số đến KTQT trong DNNVV. Theo đó, các DN cần căn cứ vào đặc điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh để sắp xếp, tổ chức và xây dựng mô hình KTQT cho phù hợp. Cần chủ động tạo ra một môi trường chuyển đổi số đối với công tác KTQT.
Thứ hai, các DN cần xây dựng cơ sở dữ liệu lớn để đáp ứng số liệu giao dịch; ứng dụng công nghệ Blockchain để phân tích, xử lý dữ liệu, đảm bảo an ninh, an toàn về bảo mật. Ngoài ra, cần phát triển các phần mềm online kế toán quản trị, nhằm đáp ứng đầy đủ thông tin kế toán hướng tới giải quyết bài toán xử lý dữ liệu KTQT nội bộ cho DN mọi lúc, mọi nơi và tiết kiệm thời gian tối đa cho người dùng.
Thứ ba, cần chú trọng việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ tương ứng để theo kịp được với xu hướng mới.
Thứ tư, cần chú trọng xây dựng hệ thống an ninh mạng, đảm bảo bảo mật cao thông tin dữ liệu KTQT. Chú trọng an toàn, bảo mật thông tin gắn với an ninh mạng trước sự đe dọa tấn công của tội phạm mạng để tránh các nguy cơ bị mất cắp các dữ liệu thông tin. Đồng thời, cần nhận thức được và chuẩn bị cho những vấn đề có thể xảy ra khi ứng dụng các công nghệ mới.
Thứ năm, phát triển đội ngũ kế toán có trình độ KTQT cao đáp ứng những thay đổi của KTQT dưới sự tác động của chuyển đổi số. Cùng với đó, nhà quản trị DN cần học hỏi kinh nghiệm KTQT hiện đại từ các DN ở các nước phát triển thông qua việc tăng cường, mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế.
Thứ sáu, các đơn vị đào tạo cần rà soát và điều chỉnh từng bước các chương trình đào tạo hiện có theo hướng cập nhật nội dung về khoa học kế toán đã được quốc tế thừa nhận kết hợp ứng dụng chuyển đổi số vào các chương trình đào tạo và các hoạt động bổ trợ cho sinh viên.
Tài liệu tham khảo:
- Lê Thị Thanh Huyền (2020), Đổi mới quy trình kế toán trong bối cảnh kinh tế số https://tapchitaichinh.vn/ke-toan-kiem-toan/doi-moi-quy-trinh-ke-toan-trong-boi-canh-kinh-te-so-317924.html/;
- Lê Duy Bình, Trần Thị Phương (2020), Kinh tế số và chuyển đổi số tại Việt Nam;
- ACCA – IMA (2013), Digital Darwinism: Thriving in the Face of Tech nologyChange November 2013, www.accaglobal.com/bigdata;
- Ahmad, K. (2012b), Factors Explaining the Extent of Use of Management Accounting Practices in Malaysian Medium Firms, Paper presented at the Asean entrepreneurship conference 2012;
- Gray H. Garrison & cộng sự (2020), Management accounting.