Chuyển đổi, tái thiết di sản công nghiệp nhìn từ Lễ hội thiết kế sáng tạo
Trong quá trình phát triển của đô thị, nhiều cơ sở công nghiệp trở nên lạc hậu, mất đi công năng sử dụng, nhưng vẫn chứa đựng các giá trị về lịch sử, văn hóa, bối cảnh xã hội.
Tái thiết nhà máy, xí nghiệp, chuyển đổi chức năng một cách hợp lý, vừa đáp ứng nhu cầu của đời sống hiện đại, vừa tạo nên bề dày và bản sắc của đô thị.
Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 bế mạc ngày 26/11 sau 10 ngày diễn ra hàng chục sự kiện văn hóa, nghệ thuật sôi nổi. Được tổ chức tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm - di sản công nghiệp gần 120 năm tuổi, các kho xưởng với những khối máy móc cũ kỹ, hoen rỉ phủ bụi nằm im lìm được các kiến trúc sư, nhà điêu khắc, họa sĩ đánh thức, trở thành một phần trong các không gian sáng tạo kết nối giữa lịch sử và hiện tại.
Hệ thống đường ray, tháp nước, đầu máy, toa tàu, nhà xưởng, dây chuyền sản xuất hồi sinh, khơi dậy sức sáng tạo cho các hoạt động nghệ thuật, được sắp đặt trở thành không gian trưng bày triển lãm, thiết kế ánh sáng, biểu diễn âm nhạc, trình diễn thời trang, hội chợ thủ công...
Vậy là, bên cạnh hệ thống di tích đồ sộ, những công trình công nghiệp cũ của Hà Nội như Tháp nước Hàng Đậu, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm trở thành điểm nhấn thu hút du khách. Thông qua các hoạt động của lễ hội, khách tham quan phần nào đã được trải nghiệm mô hình các tổ hợp văn hóa, sáng tạo, khu phức hợp vui chơi giải trí được chuyển đổi từ các cơ sở công nghiệp, tạo thành không gian gắn kết cộng đồng trong lòng đô thị. Đây có thể coi là mô hình thí điểm cho việc tái thiết, chuyển đổi thích ứng song song với bảo tồn di sản công nghiệp.
Ở quy mô nhỏ và do tư nhân vận hành, Hà Nội đã có hai tổ hợp cộng đồng được tái thiết từ nhà máy cũ, đó là Complex 01 tái sử dụng nền Nhà máy in Công đoàn và 282 Factory trên nền một nhà máy sản xuất mũ cối. Tuy nhiên, do chưa có các chính sách hỗ trợ về thuế và địa điểm, các tổ hợp hoạt động khá khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn thu từ các kênh khác để có chi phí duy trì không gian văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo.
Việc chuyển đổi, tái thiết các di sản công nghiệp diễn ra tại châu Âu từ những năm 1980. Để giữ lại di sản công nghiệp, họ thực hiện chuyển đổi các công trình công nghiệp cũ thích ứng với sự phát triển đô thị. Nhà máy đường Eridania (Italia) chuyển đổi thành phòng hòa nhạc Niccolo Paganini. Nhà máy điện Bankside (Vương quốc Anh) được chuyển đổi thành Trung tâm trưng bày nghệ thuật Tate.
Tổ hợp văn hóa nghệ thuật 798 Art Zone (Trung Quốc) được tái thiết trên nền tảng một khu liên hợp nhà máy điện tử thuộc sở hữu nhà nước. Việc tái tạo này đã biến các bến tàu, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ... thành các bảo tàng và trung tâm văn hóa mới, địa chỉ hấp dẫn thu hút khách du lịch.
Thực tế từ các nước nêu trên cho thấy Việt Nam đang đi sau, song lại chưa quan tâm đến vấn đề tái thiết các công trình công nghiệp cũ. Nhiều di sản công nghiệp đang bị bỏ hoang, lãng phí quỹ không gian và tiềm năng kinh tế. Những cơ sở đầu tiên của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm được xây dựng từ năm 1905.
Đối với ngành đường sắt Việt Nam, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm có thể coi là nhà máy xe lửa đầu tiên với những sản phẩm mang tính biểu tượng như đầu máy xe lửa hơi nước Tự Lực gắn với công cuộc tái thiết đất nước, đầu máy diesel Đổi mới... Sau này, với quy hoạch mới, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm cũng nằm trong danh sách các cơ sở công nghiệp phải di dời khỏi khu vực nội đô.
Là nơi hội tụ nhiều nhà máy, xí nghiệp, công trình phục vụ sản xuất hàng đầu của cả nước, theo các chuyên gia, nếu loại bỏ các di sản công nghiệp, Hà Nội sẽ mất đi chuỗi liên tục của hình ảnh đô thị và rất khó để tạo ra những giá trị về mặt thời gian hay lịch sử. Hà Nội cần nhận diện, phân loại, đánh giá các công trình công nghiệp cũ, từ đó đề xuất cơ chế gìn giữ, tái thiết, tái sử dụng các nhà máy, công xưởng có giá trị về văn hóa.
Hạng mục nào là những công trình lưu giữ ký ức đô thị Hà Nội, cần giữ nguyên trạng hoặc một phần để bảo tồn, cải tạo thích ứng. Kiến trúc sư Vương Hoàng Long, Trưởng khoa Kiến trúc, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội nhìn nhận: Di sản công nghiệp là thể loại công trình cần có cách ứng xử chuyên nghiệp và văn hóa. Nếu chúng ta phá bỏ như Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy Công cụ số 1, Nhà máy Dệt 8/3 thì dần dần sẽ xóa sổ sạch sẽ các di sản công nghiệp. Trong quá trình phát triển, cần cân nhắc, lựa chọn vì các công trình công nghiệp tạo ra dòng chảy lịch sử xuyên suốt theo thời gian, bảo đảm cho đô thị có chiều dài mà không phải là một đô thị non trẻ với những công trình xây mới, không có ký ức.
Nhìn nhận về tiềm năng của di sản công nghiệp, kiến trúc sư Đinh Thị Hải Yến, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội chia sẻ, di sản công nghiệp luôn có sức sống ngay cả trong đời sống hiện đại. Việc chuyển đổi các công trình công nghiệp cũ thích ứng với sự phát triển đô thị là một nhu cầu tất yếu, cần có những khảo sát, đánh giá và nhận diện giá trị di sản của các công trình công nghiệp để có những biện pháp quản lý, ứng xử phù hợp với sự phát triển của đô thị hiện đại.
Với một diện tích rộng lớn, trong khuôn khổ một lễ hội diễn ra trong 10 ngày, Hà Nội chưa thể đánh thức hết tiềm năng hay chuyển đổi, biến hình Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thành một tổ hợp sáng tạo hoành tráng, cũng như chưa thể thỏa mãn nhu cầu của du khách về trải nghiệm sáng tạo. Mặc dù vậy, những bước đi đầu tiên này đang dần góp phần hồi sinh di sản, khai phá tiềm năng của các cơ sở công nghiệp trong lòng thành phố, cụ thể hơn là định hình và định danh di sản công nghiệp, trở thành yếu tố phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.