Chuyển động doanh nghiệp tỷ USD năm 2019

Theo Ngọc Điểm/ndh.vn

Tính đến hết năm 2019, toàn thị trường (HoSE, HNX và UPCoM) có 23 doanh nghiệp tỷ USD – không xét lĩnh vực ngân hàng. Trong đó, Vingroup và Vinhomes là hai cái tên dẫn đầu với vốn hóa đạt lần lượt 387.386 tỷ đồng và 281.253 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo thống kê Người Đồng Hành, tính đến hết năm 2019, toàn thị trường (HoSE, HNX và UPCoM) có 23 doanh nghiệp tỷ USD – không xét lĩnh vực ngân hàng. Trong đó, Vingroup và Vinhomes là hai cái tên dẫn đầu với vốn hóa đạt lần lượt 387.386 tỷ đồng và 281.253 tỷ đồng.

Câu chuyện nổi bật về chuyển động doanh nghiệp tỷ USD năm qua không thể thiếu cái bắt tay của Vingroup (HoSE: VIC) và Masan Group trong việc chuyển giao mảng bán lẻ, chiến lược bán thứ chưa từng bán của Thế Giới Di Động (HoSE: MWG), Vinamilk chi hàng ngàn tỷ mua GTNFoods.

Vingroup và Masan, kẻ ra người vào lĩnh vực bán lẻ

Vào tháng cuối năm, Vingroup gây sóng gió trên thị trường với thông báo rút lui khỏi mảng bán lẻ trực tiếp để tập trung nguồn lực cho mảng công nghiệp – công nghệ (hiện có VinFast và VinSmart). Ngược lại Masan Group muốn chinh phục lại thị trường bán lẻ sau 2 thập kỷ cùng sự ra đời của MEATDeli – mảng sản xuất và bán lẻ thịt mát.

Nhằm thực hiện chiến lược của mình, Vingroup và Masan Group bắt tay nhau tiến hành sáp nhập Công ty VinCommerce (chuỗi siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+), Công ty VinEco với Công ty hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer Holdings) để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng và bán lẻ có tên Masan Blue. Sau khi hoán đổi cổ phần, quyền điều hành thuộc về Masan Group trong khi Vingroup đóng vai trò cổ đông.

Thương vụ M&A của năm.
Thương vụ M&A của năm.
 

Ngoài ra, Vingroup còn quyết định sáp nhập trang thương mại điện tử Adayroi vào VinID và giải thể hệ thống siêu thị điện máy VinPro. Ngược lại, tập đoàn dự kiến đầu tư hơn 97.408 tỷ đồng (4 tỷ USD) cho tổ hợp VinFast, liên tục tung ra các mẫu TV và điện thoại mới.

Về phần Masan Group, vừa tiếp nhận mảng bán lẻ của Vingroup để hoàn thiện khép kín lĩnh vực hàng tiêu dùng - bán lẻ, tập đoàn thông qua công ty thành viên mới thành lập Masan HPC thâu tóm Công ty bột giặt NET (HNX: NET). Đây là điểm khởi đầu cho chiến lược đa dạng hóa các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình – mảng kinh doanh mà tập đoàn đánh giá có nhiều cơ hội phát triển nhanh chóng.

MWG và chiến lược bán thứ chưa từng bán

Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) luôn đặt mục tiêu duy trì đà tăng liên tiếp nhiều năm (giai đoạn 2012-2018). Vì vậy, khi thị trường điện thoại, điện máy bước vào giai đoạn bão hòa, chuỗi Bách Hóa Xanh chưa đạt điểm hòa vốn thì câu hỏi MWG làm gì để duy trì tăng trưởng được giới đầu tư quan tâm.

Đơn vị tính: tỷ đồng
Đơn vị tính: tỷ đồng
 

Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra đầu năm, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT thừa nhận năm 2019 là năm đầu tiên ngành điện thoại, điện máy (chiếm khoảng 90% doanh thu) dự báo tăng trưởng thấp, khoảng 10-11%/năm.

Dù vậy, MWG vẫn đặt mục tiêu tăng lợi nhuận hơn 20% so năm 2018. Ông tài đưa ra hướng giải quyết là bán thứ chưa từng bán hoặc tiếp cận nhóm khách hàng chưa từng tiếp cận.

Trong năm qua, MWG quả thực đã bán thứ chưa từng bán là đồng hồ và thử nghiệm bán xe đạp điện hiệu Yadea. Lũy kế 11 tháng, bán đồng hồ đem lại cho đơn vị 630 tỷ đồng doanh thu. Ngoài ra, đơn vị cũng đẩy mạnh ngành hàng mới là laptop, doanh thu lũy kế tính đến hết thán 11 là 2.300 tỷ đồng.

Báo cáo 11 tháng cho thấy, doanh thu MWG đã thực hiện 86% kế hoạch năm và tăng 18% cùng kỳ với 93.086 tỷ đồng. Mảng điện thoại và điện máy đóng góp 88% tổng doanh thu. Doanh nghiệp cho biết mảng điện thoại ghi nhận mức tăng dương nhưng không công bố số liệu cụ thể, trong khi mảng điện lạnh – gia dụng tăng 30%, mảng thực phẩm và hàng tiêu dùng tăng 150%.

Về mặt lợi nhuận sau thuế, doanh nghiệp sắp cán đích kế hoạch năm với 3.542 tỷ đồng, tăng 34% cùng kỳ năm trước.

Năm 2020, MWG đề ra kế hoạch doanh thu 122.445 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.835 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 37% kế hoạch 2019. Trong kế hoạch này, chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh dự kiến đóng góp 80% doanh thu, giảm so với mức 90% năm vừa qua. Mảng thực phẩm và hàng tiêu dùng kỳ vọng ghi nhận tốc độ tăng 100% so với 2019 và chiếm tỷ trọng 20% tổng doanh thu.

Vinamilk thâu tóm GTNFoods

Vinamilk (HoSE: VNM) – gã khổng lồ ngành sữa Việt Nam vốn nổi tiếng với nguồn tiền mặt lớn và các thương vụ M&A nội địa lẫn bên ngoài. Trong những năm qua, Vinamilk liên tục tìm hiếm và mua cổ phần nhiều doanh nghiệp. Điển hình như năm 2013, Vinamilk mua Driftwood Dairy – một công ty chuyển sản xuất và phân phối sản phẩm từ sữa, nước hoa quả và đồ ăn nhẹ tại Mỹ. Năm 2017, Vinamilk mua Công ty Đường Việt Nam nhằm khép kín chuỗi cung ứng. Để tăng danh mục sản phẩm, Vinamilk còn đầu tư nắm 25% vốn Công ty Chế biến dừa Á Châu chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm làm từ dừa trong nước và xuất khẩu.

Thương vụ M&A đình đám trong năm 2019 là mua 75% vốn GTNFoods (HoSE: GTN) – đơn vị sở hữu thương hiệu sữa Mộc Châu. Ngày 18/12 vừa qua, Vinamilk vừa hoàn tất nâng sở hữu GTNFoods lên 75%, đủ quyền chi phối. Tổng số tiền công ty sữa chi ra cho thương vụ này là hơn 3.400 tỷ đồng.

Trang trại sữa Mộc Châu. Nguồn: GTNFoods
Trang trại sữa Mộc Châu. Nguồn: GTNFoods

 

Ngay sau đó, Vinamilk liền cử ba nhân sự vào ban diều hành GTN. Đó là ông ông Trịnh Quốc Dũng (Giám đốc điều hành phát triển vùng nguyên liệu của Vinamilk) giữ chức Tổng giám đốc, ông Trần Chí Sơn (Trưởng bộ phận quan hệ với nhà đầu tư Vinamilk) làm Phó tổng giám đốc và ông Lê Huy Bích làm Giám đốc tài chính GTN kể từ 1/1/2020.

Đồng thời, GTN cũng sẽ tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2 để bàn việc rút ngắn nhiệm kỳ hiện tại và bầu thành viên HĐQT, BKS cho nhiệm kỳ mới (2020-2024).

HVN, POW góp mặt câu lại bộ tỷ USD tại HoSE

Năm qua, Vietnam Airlines (HVN) và PV Power (POW) đã hoàn tất việc niêm yết lần lượt 1,4 tỷ và 2,3 tỷ cổ phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE).

Cả hai doanh nghiệp đều chịu cảnh giảm giá trị vốn hóa so mức định giá ban đầu. Vietnam Airlines niêm yết HoSE với mức định giá 56.000 tỷ đồng nhưng tính đến nay vốn hóa đã giảm về khoảng 48.000 tỷ đồng. Tương tự, giá trị vốn hóa PV Power cũng giảm về 27.000 tỷ đồng từ mức hơn 34.000 tỷ đồng.

Xét về kết quả kinh doanh, năm 2019, hãng hàng không ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng nhẹ lần lượt 4% và 2% so năm trước. Tuy nhiên, việc phân bổ lợi nhuận giữa các quý có sự chênh lệch rất lớn, quý I và III ghi nhận hàng nghìn tỷ đồng, còn quý II và IV chỉ vài chục tỷ đồng.

PV Power chưa công bố kết quả kinh doanh năm nhưng con số quý III (quý có số liệu so sánh cùng kỳ) khá ấn tượng. Doanh thu thuần đạt 7.923 tỷ đồng, tăng 14%; lợi nhuận sau thuế 793 tỷ đồng, gấp 4,3 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, doanh thu 26.238 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.491 tỷ đồng.

Năm 2020, HoSE sẽ nhận thêm 2 doanh nghiệp tỷ USD chuyển giao dịch từ UPCoM sang là Becamex (UPCoM: BCM) và Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (UPCoM: GVR).

HoSE thông báo nhận hồ sơ niêm yết của Becamex vào 29/11 với khối lượng hơn 1 tỷ cổ phiếu. Công ty dự kiến có thể được niêm yết vào đầu tháng 1/2020. Trong khi, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam được HoSE thông báo nhận hồ sơ niêm yết vào 22/10 với 4 tỷ cổ phiếu đăng ký niêm yết.