Đề phòng rủi ro trong cho vay trực tiếp của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Hình thức cho vay của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là hình thức cho vay trực tiếp. Đối tượng của Quỹ là doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành. Vì vậy, hoạt động cho vay trực tiếp cũng có rủi ro cần phòng ngừa và xử lý.
Ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN), với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, đồng thời Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ và phát triển DN, đặc biệt là đối tượng DN nhỏ và vừa (DNNVV). Song song với chủ trương của Chính phủ, trên cơ sở chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã đưa ra nhiều chương trình ưu đãi nhằm hỗ trợ các DNNVV có thể tiếp cận nguồn vốn.
Các DN cũng có thể vay vốn từ Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV là quỹ tài chính ngoài ngân sách do UBND tỉnh thành lập, với vai trò cấp bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, hoạt động độc lập theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn.
Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ DNNVV cũng có thể đến từ Quỹ phát triển DNNVV. Quỹ phát triển DNNVV thành lập theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, với vốn tối thiểu là 2.000 tỷ đồng. Đối tượng quan tâm của Quỹ là DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành được vay vốn tối đa 80% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh với lãi suất cho vay trực tiếp bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại, thời hạn cho vay không quá 7 năm.
Quỹ phát triển DNNVV cho vay trực tiếp thay vì việc cho vay gián tiếp thông qua các NHTM. Hoạt động cho vay trực tiếp là hình thức Quỹ trực tiếp tiếp nhận hồ sơ vay vốn của DNNVV, tiến hành thẩm định, đánh giá tính khả thi của dự án, phương án sản xuất kinh doanh và ra quyết định cho vay đối với dự án, phương án sản xuất kinh doanh đó.
Nguyên tắc hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV là phải bảo đảm an toàn vốn, tương tự như Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có thông tư hướng dẫn, hành lang pháp lý hỗ trợ việc thẩm định cho vay, nhận tài sản bảo đảm, trích lập dự phòng rủi ro…
Để ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý rủi ro trong cho vay trực tiếp của Quỹ Phát triển DNNVV, được biết mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ Phát triển DNNVV.
Theo đó, 4 trường hợp được xem xét xử lý rủi ro gồm: DNNVV bị thiệt hại về tài chính, tài sản do thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, hỏa hoạn, rủi ro chính trị, chiến tranh gây ra; DNNVV bị phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật hiện hành; Nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV; DNNVV không có khả năng hoặc không trả được nợ vay (gốc, lãi) theo đúng Hợp đồng đã ký, gây rủi ro hoạt động, có khả năng làm phát sinh nợ xấu cho Quỹ.
Các biện pháp xử lý rủi ro đối với hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ bao gồm: Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, số tiền trả nợ; gia hạn nợ vay; khoanh nợ; xóa nợ lãi; bán nợ; xử lý tài sản bảo đảm tiền vay; xóa nợ gốc; các biện pháp xử lý rủi ro khác theo quy định của pháp luật.
Về nguồn vốn xử lý nợ bị rủi ro, dự thảo đề xuất quỹ sử dụng dự phòng rủi ro và quỹ dự phòng tài chính theo quy định tại Nghị định số 39/2019/NĐ-CP để thực hiện các biện pháp xử lý rủi ro: xóa nợ gốc, bán nợ (trong trường hợp giá bán thấp hơn giá trị nợ gốc ghi trong sổ sách).
Trường hợp sau khi sử dụng hết dự phòng rủi ro và quỹ dự phòng tài chính, nhưng không đủ bù đắp rủi ro, Quỹ báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Nguồn vốn để thực hiện các biện pháp xử lý rủi ro khác được thực hiện theo quy định của pháp luật và các quy định có liên quan đến khoản nợ.