Chuyên gia hiến kế “về đích” mục tiêu lạm phát dưới 4,5%
Để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát đạt dưới 4,5% năm 2024, TS. Lê Quốc Phương - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp - Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, bên cạnh các biện pháp khôi phục đời sống người dân, sản xuất kinh doanh sau bão số 3 và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần đồng thời thực hiện các chính sách kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn
Phóng viên: Sau bão số 3, ông đánh giá thế nào về tinh thần chủ động, kịp thời vào cuộc của các cấp có thẩm quyền trong quản lý, điều hành giá cả hàng hóa, không để tác động đến đời sống người dân?
TS. Lê Quốc Phương: Bão số 3 không chỉ gây tổn thất lớn về tính mạng và tài sản của Nhân dân, mà bão còn ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa thiết yếu, trong đó có lương thực, thực phẩm, xăng dầu. Nguồn cung hàng hóa có nơi, có lúc bị gián đoạn trước hết do nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa bị thiệt hại nghiêm trọng, phải tạm ngừng sản xuất.
Việc vận chuyển hàng hóa khó khăn do nhiều tuyến giao thông bị bão lũ cắt đứt trong nhiều ngày. Nhiều hàng hóa bị hư hỏng do bão lũ. Nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng thiết yếu tăng cao đột biến trước, trong, sau bão.
Trong tình hình đó, các cơ quan quản lý đã tích cực, chủ động, kịp thời vào cuộc để đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn, thiếu hụt, giúp ổn định giá cả thị trường, không để xảy ra biến động lớn về giá ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có các chỉ đạo quyết liệt kịp thời về cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân. Cụ thể, ngày 9/9/2024, Chính phủ có Công điện số 90/CĐ-TTg về việc khẩn trương cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số. Tiếp đó, ngày 13/9/2024, Chính phủ có Công điện số 95/CĐ-TTg về tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Ngày 17/9/2024, Chính phủ ra Nghị quyết số 143/NQ-CP về khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Bộ Tài chính đã khẳng định vai trò quan trọng trong thực hiện công tác quản lý giá khi kịp thời có Công điện số 03/CĐ-BTC ngày 14/9/2024 về triển khai các biện pháp quản lý, điều hành giá sau bão số 3, góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo hoạt động cung ứng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Trong đó, Bộ Tài chính đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Bộ Công Thương có 2 công điện: số 6969/CĐ-BCT ngày 11/9/2024; số 7086/CĐ-BCT ngày 14/9/2024 về tổ chức triển khai Tổ công tác tiền phương về cung ứng, điều tiết hàng hóa thiết yếu tại các địa phương bị ảnh hưởng của bão; tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3. Sở Công thương các tỉnh thành yêu cầu các doanh nghiệp và nhà phân phối tăng lượng dự trữ các mặt hàng thiết yếu. Các doanh nghiệp bán lẻ có nhiều giải pháp dự trữ, cung ứng hàng hóa liên tục cho nhân dân trước, trong và sau bão.
Chủ động cung ứng, đảm bảo lưu thông hàng hóa
Phóng viên: Như ông phân tích ở trên, sau bão, nguồn cung hàng hóa tại các địa phương khan hiếm do bị ảnh hưởng của cơn bão số 3, nên đã dẫn tới hiện tượng tăng giá cục bộ tại một số địa phương. Vậy, phải làm gì để đảm bảo ổn định cung - cầu, tránh tác động đến mặt bằng giá, thưa ông?
Lê Quốc Phương: Sau bão, nguồn cung hàng hóa có nơi, có lúc khan hiếm hoặc gián đoạn, dẫn tới hiện tượng tăng giá cục bộ tại một số địa phương. Để đảm bảo ổn định cung cầu, tránh tác động đến mặt bằng giá, các bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng khôi phục và đảm bảo giao thông thông suốt, tạo điều kiện để hàng hóa lưu thông bình thường trở lại.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường và cung - cầu hàng hóa trong lĩnh vực và trên địa bàn để đưa ra các giải pháp phù hợp; chủ động cung ứng, đảm bảo lưu thông hàng hóa trong lĩnh vực và địa bàn của mình. Đồng thời, tăng cường giám sát chặt chẽ các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn, tránh để xảy ra tình trạng gom hàng, trục lợi.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về diễn biến giá các vật tư quan trọng và các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất, đời sống, góp phần hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng sau bão.
Tuyệt đối không để tăng giá bất hợp lý
Phóng viên: Việc duy trì giá cả ổn định sau bão không thể không nhắc tới vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
TS. Lê Quốc Phương: Để hạn chế tác động của bão lên giá cả làm ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ngoài việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa đầy đủ, kịp thời, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát giá các mặt hàng là rất quan trọng.
Thời gian qua, các bộ, ngành đã tích cực tham gia vào công tác này, trong đó ngành Công Thương chịu trách nhiệm chính đồng thời phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường. Ngành Tài chính phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong kiểm tra, kiểm soát giá cả.
Trước và sau bão số 3, hai ngành Công Thương và Tài chính đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời phối hợp với nhau để làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra thị trường và giá cả. Hai ngành đã thực hiện tốt công tác giám sát việc kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin giá cả hàng hóa.
Đồng thời, đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng ảnh hưởng của bão số 3 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Với những biện pháp triển khai đồng bộ trên, nên đã hạn chế tối đa tình trạng lợi dụng bão lũ để tăng giá bất hợp lý hoặc đầu cơ, găm hàng.
Phóng viên: Nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống người dân, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?
TS. Lê Quốc Phương: Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, Nhà nước giữ vai trò quản lý và định giá một số mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Chính vì vậy, việc quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tập trung vào việc nâng cao năng lực thu thập và tổng hợp thông tin về diễn biến giá cả trên thị trường trong nước và thế giới, đặc biệt các mặt hàng có tác động lớn đến chỉ số CPI. Từ đó, phân tích và đưa ra dự báo, cảnh báo có giá trị về các nguy cơ tác động đến giá cả trong nước, để tham mưu cấp có thẩm quyền đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Cùng với đó, cần nâng cao năng lực phân tích, dự báo đối với các mặt hàng thiết yếu mà Nhà nước vẫn giữ vai trò quản lý hoặc định giá, để tham mưu cấp có thẩm quyền điều hành giá các mặt hàng này xét cả về thời điểm, biên độ và tần suất thay đổi.
Với mặt hàng điện và các dịch vụ công thực hiện điều chỉnh giá theo lộ trình (y tế, giáo dục), cần chủ động đánh giá kỹ tác động đến lạm phát; phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan và hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố để đưa ra biên độ, thời điểm điều chỉnh phù hợp, tránh hiện tượng cộng hưởng giá (khi nhiều địa phương cùng tăng giá vào một thời điểm) hoặc tạo ra lạm phát kỳ vọng.
Nhiều yếu tố thuận lợi giúp kiềm chế lạm phát
Phóng viên: Ngoài các nhiệm vụ ông khuyến nghị ở trên, chúng ta cần lưu ý các biện pháp nào để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra, thưa ông?
TS. Lê Quốc Phương: Bão số 3 có tác động nhất định đến giả cả hàng hóa, nhưng về cơ bản chỉ mang tính ngắn hạn, cục bộ và không tác động nhiều đến mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay. Đó là bởi hiện chúng ta có nhiều yếu tố thuận lợi giúp kiềm chế lạm phát.
Thứ nhất, các chỉ số kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, như dự trữ ngoại hối khá cao, nợ công và nợ nước ngoài nằm trong tầm kiểm soát, ngân sách nhà nước không bị thâm hụt. Các yếu tố này tạo dư địa cho việc kiềm chế lạm phát.
Thứ hai, trong 8 tháng năm 2024, tuy lạm phát đã vượt mốc 4% song lạm phát cơ bản hạ nhiệt và xuống dưới 3%. Đây là yếu tố thuận lợi giúp giảm áp lực lên lạm phát.
Thứ ba, tỷ giá USD trên VND bắt đầu giảm và dự báo sẽ tiếp tục giảm (sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ngày 18/9/2024 cắt giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên từ 2020 và có thể sẽ hạ tiếp lãi suất trong những tháng tới). Điều đó giúp giảm áp lực lạm phát.
Tuy nhiên, chúng ta không được lơ là, chủ quan, bởi hiện đang tồn tại một số yếu tố gây áp lực lên lạm phát trong những tháng cuối năm 2024. Đó là, việc đồng loạt tăng lương từ ngày 01/7/2024; việc tiếp tục tăng giá dịch vụ y tế, học phí theo lộ trình và tăng giá điện.
Một yếu tố tác động khác là kinh tế thế giới đang có xu hướng phục hồi sau khi ngân hàng trung ương nhiều nền kinh tế lớn bắt đầu hạ lãi suất cơ bản. Điều đó sẽ đẩy giá hàng hóa thế giới tăng, từ đó gây sức ép lạm phát lên Việt Nam là nền kinh tế có độ mở với thế giới rất cao.
Từ các yếu tố phân tích trên, để đạt mục tiêu lạm phát đã đề ra ở mức dưới 4,5%, bên cạnh các biện pháp khôi phục đời sống, sản xuất kinh doanh sau bão và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần đồng thời thực hiện các chính sách kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!