Chuyên gia khuyến nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá để bảo vệ sức khỏe người dân
Trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 đề xuất tăng thuế suất với mặt hàng thuốc lá để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đề xuất này của cơ quan soạn thảo dự án Luật này được các chuyên gia đồng tình, đánh giá cao và khuyến nghị cần phải tăng thuế suất cao hơn với mặt hàng thuốc lá để bảo vệ sức khỏe người dân.
Đã đến thời điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, trong đó, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế suất với mặt hàng thuốc lá để góp phần điều tiết tiêu dùng và thực hiện cam kết quốc tế.
Theo đề xuất sửa đổi mới nhất của Bộ Tài chính, mặt hàng thuốc lá sẽ có mức tăng thuế liên tục theo lộ trình từ năm 2026 đến năm 2030. Trong đó, phương án 1: Năm 2026 vẫn giữ nguyên mức 75% và bổ sung 2.000 đồng/bao. Từ năm 2027 - 2030, mỗi năm thuế tăng thêm 2.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối là 10.000 đồng/bao.
Phương án 2: Năm 2026 giữ nguyên tỷ lệ tính thuế 75%, mức thuế tuyệt đối là 5.000 đồng/bao, mỗi năm sau tăng thêm 1.000 đồng/bao. Đến năm 2030, thuế tăng lên 10.000 đồng/bao.
Thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá hiện hành áp mức thuế suất cao nhất là 75%. Các chuyên gia cho rằng, việc sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cần đảm bảo hài hòa các yếu tố sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội, điều tiết thu ngân sách nhà nước, ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kiểm soát sản phẩm nhập lậu, sản xuất lậu.
Chia sẻ về mức thuế suất áp dụng với mặt hàng thuốc lá qua các năm, bà Hoàng Thị Thu Hương - Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam lần đầu tiên áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá là vào năm 1999 với mức thuế suất 45%. Trong giai đoạn 2006 - 2007 tăng lên là 55%. Từ năm 2008 đến năm 2019, Việt Nam đã thực hiện 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Năm 2008, tăng mức thuế suất từ 55% lên 65%; năm 2016, tăng từ 65% lên 70%; năm 2019, tăng từ 70% lên 75%.
Theo đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), các mức tăng thuế thuốc lá giai đoạn 2006 - 2008 và 2016 - 2019 là rất thấp; cùng với đó, khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài nên không tạo ra tác động đủ để giảm sức mua và giảm tiêu dùng, do thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng đều đặn hàng năm nên giá thuốc lá ngày càng rẻ và dễ tiếp cận.
Sau một thời gian thực hiện Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, đến nay, Luật này đã trải qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2014 (2 lần), năm 2016 và năm 2022 để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế của từng giai đoạn.
Dữ liệu nghiên cứu của Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá vừa công bố cho thấy, Việt Nam nằm trong 10 nước có số người sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Trong đó, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở người trên 15 tuổi tại Việt Nam cao thứ 4 trong khu vực ASEAN; tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người từ 15 tuổi trở lên gia tăng. Trẻ em không có khả năng bảo vệ mình khỏi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động đặc biệt là ở trẻ nhỏ nên cần những giải pháp chính sách để bảo vệ.
Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giá thuốc lá tại Việt Nam hiện nay còn rất thấp so với giá sản phẩm thuốc lá của các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới, vì vậy chưa đáp ứng được mục tiêu giảm tiêu dùng các sản phẩm thuốc lá.
Ước tính mỗi năm thuốc lá gây ra hàng trăm nghìn ca bệnh mãn tính và cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người; Tổn thất kinh tế do các bệnh do thuốc lá gây ra lên tới 1,14% GDP năm 2022. Gánh nặng lên hệ thống y tế quá tải; Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN.
WHO cho biết thêm, tăng thuế và giá thuốc lá là giải pháp quan trọng, đóng góp khoảng 60% hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. WHO và Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ phải ở mức cao, đạt tối thiểu 75% giá bán lẻ mới thực sự có tác động làm giảm tiêu dùng hiệu quả. Đồng thời, tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 70-75% giá bán lẻ như khuyến cáo của WHO.
Áp mức tăng thuế là cần thiết, đúng hướng
Các chuyên gia cho rằng, để bảo vệ sức khỏe Nhân dân, việc đề xuất tăng thuế suất cao hơn với mặt hàng thuốc lá của Bộ Tài chính là cần thiết, đúng hướng và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Phương án thuế tiêu thụ đặc biệt hướng tới mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030” mới đây, bà Lê Thị Thu - Chuyên gia Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá tại Việt Nam cho rằng, đánh thuế với mặt hàng thuốc lá là giải pháp quan trọng nhằm giảm tiêu dùng mặt hàng này.
“Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) là bước đi đúng hướng, song để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 cần phải có thêm những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa”, bà Lê Thị Thu khuyến nghị.
Đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, thì nhu cầu sản xuất theo đó sẽ giảm đi, kéo theo nguyên liệu đầu vào phải giảm theo.
Do đó, vị chuyên gia này cho rằng, cần phải tính đến tác động của những người nông dân đang sản xuất tại vùng nguyên liệu. Đồng thời, phải có phương án để thay đổi, chuyển dịch hoạt động sản xuất, giúp người dân đảm bảo được sinh kế, góp đảm bảo đời sống kinh tế - xã hội.
Ở góc nhìn khác, bà Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá cao cơ quan soạn thảo dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã có các phương án tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá. Đây là bước đi đúng hướng, nhưng cần tăng thuế cao hơn nữa để đạt được các mục tiêu giảm hút thuốc và bảo vệ sự phát triển kinh tế của Đất nước trong dài hạn.
Đưa ra khuyến nghị cụ thể về mức thuế, bà Angela Pratt khuyến nghị, việc áp thuế tuyệt đối với lộ trình để đạt 15.000 đồng/1 bao vào năm 2030, cộng với mức thuế theo tỷ lệ hiện hành, sẽ giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới xuống còn 35,8% (vào năm 2030). Điều này cũng sẽ làm tăng đáng kể nguồn thu thuế hàng năm và mang lại thêm 29,3 nghìn tỷ đồng cho ngân sách mỗi năm vào năm 2030, so với năm 2020. Giảm tỷ lệ hút thuốc xuống mức này sẽ làm giảm chi phí kinh tế đáng kể, do tỷ lệ sử dụng thuốc lá gây ra.