Tăng thuế đối với thuốc lá đảm bảo hài hòa thúc đẩy sản xuất kinh doanh và định hướng, hạn chế tiêu dùng

PV. (t/h)

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhưng cần cân nhắc ở mức tăng và lộ trình phù hợp nhằm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá hợp pháp, người lao động, người nông dân và các bên tham gia chuỗi cung ứng trong ngành, đồng thời, đảm bảo hài hòa mục tiêu vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh vừa định hướng, hạn chế tiêu dùng nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Chính sách thuế TTĐB là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong việc quản lý, điều tiết sản xuất, tiêu dùng, động viên nguồn lực phục vụ cho nền kinh tế tăng trưởng chất lượng, hiệu quả, bền vững.

Tại dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) đang được lấy ý kiến các bộ, ban ngành, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án tăng thuế TTĐB với mặt hàng thuốc lá gồm: Phương án 1 đối với thuốc lá điếu tăng 2.000 đồng/bao mỗi năm. Với phương án 2, năm 2026 tăng 5.000 đồng/năm, mỗi năm sau tăng 1.000 đồng/bao. Việc tăng thuế TTĐB với sản phẩm thuốc lá để giảm tiêu thụ mặt hàng không có lợi cho sức khỏe người dân đang nhận được sự đồng thuận cao, đúng với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ hôm 20/8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh các chính sách thuế TTĐB phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, Nhà nước không thất thu thuế; hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu định hướng tiêu dùng, hạn chế tiêu dùng. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh các quy định về thuế cần có lộ trình áp dụng phù hợp để các chủ thể liên quan có sự chuẩn bị.

 Cuộc họp của Thường trực Chính phủ về 3 dự án luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, liên quan tới thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế TTĐB và quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Sáng 20/8).
 Cuộc họp của Thường trực Chính phủ về 3 dự án luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, liên quan tới thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế TTĐB và quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Sáng 20/8).

 

Theo số liệu của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), ngành thuốc lá hợp pháp đang tạo ra khoảng 1,1 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, bao gồm khoảng 10.000 nhân viên nhà sản xuất, 8.000 nhân viên nhà phân phối, 110.000 đến 120.000 nông dân trồng thuốc lá và khoảng 1 triệu điểm bán lẻ. Ông Nguyễn Chí Nhân - Tổng thư ký VTA cho biết trong giai đoạn 2019-2023, các hội viên Hiệp hội đã nộp ngân sách nhà nước với tổng số tiền là 103.108,9 tỷ đồng, tăng 15,1% so với giai đoạn 2014-2018. Riêng trong năm 2023, ngành đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước 26.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đóng góp vào các khoản thu khác cho nhà nước. Đặc biệt, với Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, các doanh nghiệp hội viên đã đóng góp tổng số tiền 3.366,8 tỷ đồng trong 10 năm qua.

Tại Hội thảo “Thuế TTĐB đối với sản phẩm thuốc lá” diễn ra mới tại Hà Nội, bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Chủ tịch của PwC Việt Nam cũng cho rằng, khi thuế TTĐB thuốc lá tăng quá nhanh, sản lượng thuốc lá hợp pháp có thể sẽ giảm hơn 70% vào năm 2030 so với hiện tại, từ đó có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa, kéo theo việc làm của người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh thuốc lá, nông dân ở các vùng trồng nguyên liệu và các nhà bán lẻ, bán buôn bị ảnh hưởng.

Thu nhập của một hộ nông dân nhờ vào việc trồng thuốc lá chiếm tỷ lệ khá cao tại các vùng khó khăn.  
Thu nhập của một hộ nông dân nhờ vào việc trồng thuốc lá chiếm tỷ lệ khá cao tại các vùng khó khăn.  

Tại Việt Nam, cây thuốc lá thường được trồng nhiều ở một số vùng như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Gia Lai, Đắk Lắk, Đồng Nai, Tây Ninh… với tổng diện tích 12.000 hecta. Cây thuốc lá được đánh giá là một trong những cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân vùng núi vươn lên thoát nghèo, tận dụng được tối đa lao động dôi dư ở những vùng khó khăn. Ông Vi Nông Trường - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) cho biết, tổng diện tích gieo trồng cây thuốc lá năm 2023 tại địa phương này đạt 920 ha, sản lượng đạt khoảng 2.018 tấn, doanh thu đạt trên 111,8 tỷ đồng (giá trị đạt 121,5 triệu đồng/ha). Còn trong năm 2024, tổng diện tích gieo trồng cây thuốc lá tăng nhẹ đạt 948 ha, sản lượng ước đạt 2.158 tấn, doanh thu ước đạt trên 114,3 tỷ đồng (giá trị ước đạt 120,5 triệu đồng/ha).

Trong nhiều năm qua, cây thuốc lá mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Chi Lăng, được các nhà đầu tư thu mua giá cả rất ổn định trong các năm vừa qua; như trong niên vụ 2023-2024, giá thu mua từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng/kg. Ngoài ra, nhiều người dân khác tại địa phương cũng có thêm công ăn việc làm khi tham gia các công đoạn phân loại và ép kiện cũng như các nguồn thu nhập phụ trợ kèm theo.

Ông Vi Nông Trường- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ tại Hội thảo.
Ông Vi Nông Trường- Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ tại Hội thảo.

 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc sửa đổi Luật Thuế TTĐB đối với thuốc lá là cần thiết nhằm thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, phù hợp với thông lệ quốc tế, ổn định nguồn thu NSNN. Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, việc lựa chọn phương án, lộ trình tăng thuế, cần đảm bảo hài hòa giữa lợi ích sức khỏe cộng đồng, ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và NSNN. Ông Nguyễn Chí Nhân cho rằng, việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá nên được thực hiện từng bước, với mức tăng và lộ trình hợp lý, để đảm bảo tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Do đó, chuyên gia này đề xuất áp dụng mức thuế tuyệt đối là 1.000 đồng/bao 20 điếu vào năm 2026 và tăng 500 đồng/năm hoặc 1.000 đồng/bao mỗi 2 năm vào những năm tiếp theo và đến năm 2030 đạt mức tăng 3.000 đồng/bao. Phương án đề xuất này được đánh giá sẽ tạo ra mức tăng thuế hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp thuốc lá hợp pháp có thời gian thích nghi và ổn định sản xuất, từ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực việc làm của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, phương án này cũng giúp hạn chế tốc độ tăng trưởng của thuốc lá lậu, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ngân sách bền vững trong dài hạn với mức thu ngân sách ước tính đạt khoảng 29,5-30 nghìn tỷ vào năm 2030, tăng trưởng 7%-9%/năm. Bên cạnh đó, đến năm 2030 sản lượng thuốc lá nội địa hợp pháp dự kiến sẽ giảm gần 1 tỷ bao, và ước tính tỷ lệ hút thuốc sẽ còn 37,4%.

Điều này sẽ hỗ trợ tốt hơn các mục tiêu về hạn chế tiêu dùng, hạn chế sự gia tăng đột biến của thuốc lá lậu, bảo vệ và hỗ trợ ngành thuốc lá nội địa chuyển đổi sang cơ cấu sản phẩm có giá bán cao hơn, giảm thiểu các tác động tiêu cực tới doanh nghiệp hợp pháp, hạn chế ảnh hưởng đến người lao động trong ngành và vấn đề an sinh xã hội, đồng thời giúp đảm bảo sự ổn định trong thu ngân sách Nhà nước trong lâu dài.