Chuyên gia nhận định về trật tự kinh tế thế giới mới trước tác động của COVID-19
Cụ thể là dòng lưu chuyển một số hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, có lẽ là quá sớm để kết luận xu thế toàn cầu hóa bị đảo ngược.
Kinh tế thế giới đang chứng kiến sự suy yếu của toàn cầu hóa do tác động của đại dịch COVID-19. PGS., TS. Chu Hoàng Long từ Đại học Quốc gia Australia (ANU) đã có cuộc trao đổi với phóng viên về những yếu tố ảnh hưởng đến tiến trình toàn cầu hóa cũng như nền kinh tế thế giới và Việt Nam hiện nay.
Thúc đẩy một trật tự kinh tế thế giới mới
Nhận xét về xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, PGS., TS. Chu Hoàng Long nhận định: “Nhìn những diễn biến nổi bật gần đây, cụ thể là sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và đại dịch COVID-19, chúng ta có thể nhận xét xu hướng toàn cầu hóa đang chậm lại.
Cụ thể là dòng lưu chuyển một số hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, có lẽ là quá sớm để kết luận xu thế toàn cầu hóa bị đảo ngược, nếu đánh giá bức tranh tổng thể và xem xét quá trình toàn cầu hóa trong một khoảng thời gian đủ dài”.
Bắt đầu từ thế kỷ XVI khi các quốc gia châu Âu phát minh ra các phương tiện hàng hải và chiếm lĩnh thuộc địa thì quá trình toàn cầu hóa đã bắt đầu và phát triển rất nhanh sau đó.
Đến thế kỷ XX, xu thế này bị đình trệ bởi hai cuộc chiến tranh thế giới. Sau đó, ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, dòng lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ giữa các nước của mỗi bên cũng vẫn tăng. Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, xu hướng toàn cầu hóa bùng nổ với vai trò nổi bật của Tổ chức Thương mại Quốc tế và các hiệp định thương mại tự do.
Những năm gần đây, một số quốc gia nhận thấy mặt trái của quá trình toàn cầu hóa như nhập cư trái phép, vi phạm bản quyền, biến đổi khí hậu.
Những nước này đã có những bước điều chỉnh chính sách phục vụ cho lợi ích của mình như Mỹ với chính sách "Nước Mỹ trước tiên" hay Vương Quốc Anh với phong trào rời Liên minh châu Âu (Brexit).
Theo PGS., TS. Chu Hoàng Long, có thể thấy rằng quá trình toàn cầu hóa vốn đã tạo nên một trật tự kinh tế từ những năm 1990 trở lại đây đã được xem xét trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Hay nói cách khác, COVID-19 chỉ là một nhân tố đẩy nhanh việc sắp đặt một trật tự kinh tế thế giới mới, và quá trình toàn cầu hóa hiểu theo nghĩa là sự trao đổi thương mại và giao kết giữa các nước sẽ vẫn tiếp tục phát triển trong trật tự kinh tế mới đó.
Thế giới đang bước vào một giai đoạn mới với một tương lai đầy bất định và nhiều rủi ro khó dự đoán. Tuy nhiên, một xu thế gần như chắc chắn là khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ số sẽ vẫn là động lực lớn cho sự phát triển ở cấp độ toàn cầu.
Ở cấp độ quốc gia, có thể có những thay đổi quan trọng trong tư duy phát triển kinh tế. Xu hướng trong thời gian tới là các quốc gia sẽ giao kết kinh tế nhiều hơn với những đối tác mà mình tin tưởng, trong trường hợp phải đối mặt với sự bất ổn từ đại dịch, thiên tai, hoặc rủi ro chiến tranh.
Nói cách khác, các quốc gia có thể gắn quan hệ kinh tế với những giá trị phát triển nền tảng của mình.
Các giá trị nền tảng sẽ được đặt ở vị trí cao hơn trước đây mỗi khi các quốc gia xem xét lựa chọn các đối tác kinh tế quan trọng cho mình, bao gồm sự chia sẻ các giá trị như: Thế nào là thương mại công bằng, thế nào là tôn trọng luật pháp quốc tế, thế nào là chung sống hòa bình và thế nào là phát triển bền vững.
PGS., TS. Chu Hoàng Long đánh giá: “Thế giới có thể trở thành những câu lạc bộ kinh tế mà thành viên mỗi câu lạc bộ chia sẻ những giá trị phát triển chung. Thành viên trong mỗi câu lạc bộ sẽ dễ thông cảm và giúp đỡ nhau về sự khác biệt trong trình độ phát triển kinh tế hơn là chia sẻ và thông cảm về những khác biệt trong các giá trị nền tảng”.
Tác động đối với Việt Nam
Đại dịch COVID-19 có nhiều tác động đến kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Việt Nam. Các dự báo tế về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch là tiêu cực.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP toàn cầu năm 2020 sẽ giảm khoảng 5,2%, và đây có thể là mức giảm sâu nhất kể từ năm 1870. Các dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng khá tiêu cực, với nhóm các nước thành viên OECD giảm trung bình trên 9%.
Mặc dù chưa có con số chính xác, song kinh tế toàn cầu suy giảm sẽ tác động đến các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam.
Về thương mại, sẽ có những ảnh hưởng nghiêm trọng trong xuất nhập khi các bạn hàng lớn hiện nay của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, ASEAN, Trung Đông và châu Phi có sức mua giảm sút. Đầu vào sản xuất như máy móc, thiết bị, phân bón, thức ăn chăn nuôi Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc và EU và cũng chịu ảnh hưởng hoặc gián đoạn.
Về FDI, các quốc gia đang có xu hướng ưu tiên đầu tư trở lại nước mình để rút ngắn chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn về y tế và công ăn việc làm cho người dân trong nước. Điều này có thể làm giảm khả năng thu hút FDI và tạo công ăn việc làm trong khu vực FDI của Việt Nam.
Để giảm thiểu các tác động tiêu cực trong thời gian tới đây, Việt Nam cần chủ động xây dựng các kịch bản chính sách kinh tế ứng phó khác nhau tùy theo thời gian kéo dài và mức độ nghiêm trọng của bệnh dịch.
Trong điều kiện hiện tại, ưu tiên hàng đầu là đảm an ninh lương thực và các hàng hóa thiết yếu cho người dân trong bất kỳ tình huống nào. Các doanh nghiệp cung ứng các hàng hóa này cần phải được khuyến khích và hỗ trợ để tránh không xảy ra thiếu hụt trong sản xuất và cung ứng.
Các hộ gia đình mất thu nhập không có khả năng thích ứng cần được trợ cấp đủ để duy trì cuộc sống tối thiểu. Bên cạnh đó, việc gia tăng sản xuất và cung ứng các thiết bị y tế như khẩu trang, máy trợ thở, thuốc men hay giường bệnh cũng cần được ưu tiên trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Theo PGS., TS. Chu Hoàng Long, các giải pháp ngắn hạn và trung hạn có thể tính tới bao gồm:
Một là, hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch bằng cách cần nới lỏng các điều kiện tín dụng, hoãn chi trả nợ, tái cơ cấu lại nợ… để cải thiện tính thanh khoản và khả năng chịu đựng của doanh nghiệp.
Hai là, tăng cường phát triển thị trường nội địa, xây dựng các chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cho thị trường nội địa.
Ba là, ưu tiên đầu tư công và thu hút đầu tư tư nhân để phát triển hệ thống logistics hỗ trợ chuỗi cung ứng trong nước đặc biệt trong lĩnh vực nông lâm sản, gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu.
Bốn là, rà soát và đổi mới chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt của các đối tác lớn, vào cơ giới hóa, chế biến và kho vận cho chuỗi giá trị các mặt hàng chủ chốt như nông sản, hướng các đối tác có trình độ phát triển cao như Mỹ, EU, Australia, NewZealand và các thị trường tiềm năng như Ấn Độ.
Theo PGS., TS. Chu Hoàng Long, nhìn về dài hạn, Việt Nam cần nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế với rủi ro, tận dụng tốt sức mạnh của khoa học công nghệ để đảm bảo tăng trưởng tốt và lành mạnh.
Trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách đang chuẩn bị cho giai đoạn 2021-2030, việc cân nhắc về tư duy và đường lối sẽ là yếu tố quyết định đối với sự phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.
Đây là thời điểm quan trọng để có những phân tích sâu sắc về thực chất nguồn lực cho tăng trưởng những năm qua cũng như những động lực cho sự phát triển trong thập kỷ tới, phù hợp với trật tự kinh tế quốc tế mới.