Chuyển giá, trốn thuế: Có "bàn tay đen" giúp sức của kiểm toán?
(Tài chính) Qua công tác thanh tra thuế tại 25 doanh nghiệp FDI, đã điều chỉnh giảm số lỗ phát sinh theo kê khai của doanh nghiệp (DN) trong giai đoạn thanh tra giá chuyển nhượng trên 1.116 tỷ đồng; truy thu thuế Thu nhập DN (TNDN) trên 380,6 tỷ đồng; phạt vi phạm hành chính số tiền trên 15,6 tỷ đồng.
Điều đáng quan tâm là liệu có “thế lực” nào đủ mạnh, đủ khéo đứng sau các DN này để “làm phép” hợp thức hóa số liệu, giúp các DN “qua mặt” các cơ quan chức năng trước khi thanh tra thuế phát hiện hay không?
Thông tin về kết quả thanh tra thuế tại các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), ông Nguyễn Quang Tiến - Vụ trưởng, Phó trưởng ban Cải cách và hiện đại hóa (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) cho biết: Đến nay, cơ quan thuế đã ban hành Kết luận thanh tra tại 25 DN và 22 DN đang trong giai đoạn thảo luận để ký kết Biên bản thanh tra.
Đối với 25 DN đã hoàn thành thanh tra nêu trên, ông Nguyễn Quang Tiến cho biết cơ quan thuế đã điều chỉnh tăng doanh thu và điều chỉnh giảm chi phí do điều chỉnh giá sản phẩm trong giao dịch liên kết trên 6.488 tỷ đồng.
Theo ông Tiến, qua kết quả thanh tra đã dẫn đến các điều chỉnh như sau: Bù đắp số lỗ phát sinh trước giai đoạn thanh tra giá chuyển nhượng được chuyển vào giai đoạn thanh tra giá chuyển nhượng trên: 231 tỷ đồng; Điều chỉnh giảm số lỗ phát sinh theo kê khai của DN trong giai đoạn thanh tra giá chuyển nhượng trên 1.116 tỷ đồng; Truy thu thuế TNDN trên 380,6 tỷ đồng; Phạt vi phạm hành chính số tiền trên 15,6 tỷ đồng.
Từ thông tin trên cho thấy, việc 25 DN FDI vừa được thanh tra thuế “lật tẩy” với số tiền rất lớn như trên đã “trơn tru” qua mặt các bước kiểm soát của các cơ quan chức năng trước đó.
Điều này cũng đặt ra câu hỏi: Liệu có sự giúp sức hay là có “bàn tay” nào đủ mạnh, đủ khéo để giúp cho các DN này có thể “phù phép”, hợp thức hóa số liệu cho những số tiền lớn như vậy?
Đã có ý kiến cho rằng, điều trước tiên cần phải đặt dấu hỏi về tính chân thực, khách quan của số liệu kiểm toán. Bởi số liệu kiểm toán được công bố thường được coi là “chứng thực” để DN công bố thông tin, cũng đồng nghĩa rằng: kết quả kiểm toán công bố là yếu tố niềm tin cho người tiếp nhận thông tin qua công bố của DN.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Tiến khẳng định: “Đối với các DN FDI, theo quy định của pháp luật thì báo cáo tài chỉnh gửi cơ quan thuế phải được kiểm toán. Theo chuẩn mực kiểm toán và kế toán yêu cầu phải trình bày và thể hiện đầy đủ thông tin quan hệ giao dịch liên kết trong phần thuyết minh tài chính và báo cáo kiểm toán”.
Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng: Hiện nay quy định của pháp luật chưa ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức kiểm toán đối với báo cáo kiểm toán của các DN, dẫn đến chất lượng báo cáo kiểm toán chưa nghiêm túc.
“Thậm chí có trường hợp tổ chức kiểm toán chính là người tư vấn cho DN không phản ánh thông tin, hoặc né tránh không phản ánh giao dịch liên kết trên báo cáo kiểm toán”, ông Tiến nói.
Cũng qua công tác thanh tra của cơ quan thuế đã cho thấy có dấu hiệu vi phạm của một số công ty kiểm toán. Ông Tiến cho biết: "Trong khi chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của công tác kiểm toán là phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, trung thực, song qua công tác thanh tra hoạt động chuyển giá trong thời gian qua, chúng tôi đã phát hiện được một số dấu hiệu vi phạm pháp luật của một số Công ty kiểm toán lớn".
Ông Tiến cho biết, những dấu hiệu về hành vi vi phạm của một số công ty kiểm toán được thể hiện cụ thể như sau:
Thứ nhất, hồ sơ xác định giá thị trường được lập và tư vấn bởi một số Công ty kiểm toán quốc tế lớn sau khi DN đã hoàn thành công tác kê khai thông tin giao dịch liên kết với cơ quan thuế. Như vậy, theo quy định của pháp luật thanh tra và pháp luật về quản lý thuế thì các hồ sơ nêu trên, không gắn với công tác kê khai thông tin giao dịch liên kết, không phải là căn cứ chứng minh số liệu kê khai trên Tờ khai thông tin giao dịch liên kết, nên phải xác định là tài liệu giúp DN che giấu hành vi chuyển giá, tránh thuế TNDN.
Thứ hai, hồ sơ xác định giá thị trường được lập thành nhiều phiên bản khác nhau và lập trong thời gian thanh tra hoặc sau khi đã kết thúc thanh tra tuỳ thuộc vào diễn biến và kết quả thực tế thanh tra đã vi phạm nghiêm trọng về chuẩn mực kiểm toán và đạo đức hành nghề kiểm toán.
Thứ ba, có dấu hiệu một số thành viên của Công ty kiểm toán đã tư vấn và giúp sức cho DN cản trở quá trình thanh tra: không cung cấp kịp thời hồ sơ, tài liệu phục vụ cho công tác thanh tra; không bố trí thành phần làm việc phù hợp với yêu cầu của Đoàn thanh tra; không làm việc trực tiếp với đoàn thanh tra để làm rõ về các ý kiến khác nhau mà làm các văn bản báo cáo lên cấp trên của Đoàn thanh tra để trông chờ vào sự can thiệp vào kết quả thanh tra, thậm chí có trường hợp báo cáo không đúng sự thật...
Ông Nguyễn Quang Tiến nhận định: Các hành vi sai trái nêu trên là nguyên nhân cản trở quá trình quản lý hoạt động chuyển giá của cơ quan thuế và là nguyên nhân gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các DN làm ăn chân chính.
Vì vậy, ông Tiến cho biết, trong thời gian tới, Tổ Quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá sẽ tiếp tục thu thập thông tin để làm sáng tỏ những hành vi sai trái nêu trên của một số Công ty kiểm toán và trường hợp xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sẽ tham mưu cho Tổng cục Thuế chuyển giao cho cơ quan Công an điều tra để điều tra,truy tố và xử lý nghiêm theo pháp luật hình sự.