Chuyển nguồn kinh phí năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan sang năm 2023

Việt Hoàng

Tiếp tục Phiên họp thứ 18, chiều ngày 13/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung Phiên họp 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung Phiên họp 

Phát biểu điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về các vấn đề: Sự cần thiết phải điều chỉnh kinh phí chi thường xuyên sang chi đầu tư của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, căn cứ thẩm quyền điều chỉnh, thời gian giải ngân kinh phí điều chỉnh đến hết 31/12/2024.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh một số nội dung Chính phủ đã trình tại Tờ trình số 444/TTr-CP ngày 02/11/2022, Thường vụ Quốc hội Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra.

Ông Nguyễn Phú Cường cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ. Theo đó, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh dự toán chi thường xuyên sang chi đầu tư của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan là đúng thẩm quyền.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách kiến nghị cho phép trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh dự toán kinh phí chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2021 của 02 Tổng cục để bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 và năm 2023 của Bộ Tài chính.

Đồng thời, thực hiện chuyển nguồn sang năm 2023 theo quy định của Luật Đầu tư công để triển khai 95 dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan theo Tờ trình số 444/TTr-CP ngày 02/11/2022 và Tờ trình số 478/TTr-CP ngày 7/12/2022 của Chính phủ.

Cụ thể, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc để Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan tiếp tục được hưởng cơ chế tài chính đặc thù trong khi chưa thực hiện được cải cách tiền lương.

Ông Nguyễn Phú Cường nêu rõ, đề nghị của Chính phủ về điều chỉnh kinh phí chi thường xuyên năm 2021 để bổ sung dự toán chi đầu tư năm 2022 thực hiện 95 dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, cho 42 dự án đã hoàn thành, 41 dự án chuyển tiếp, 12 dự án khởi công.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng nêu rõ, do Chính phủ trình điều chỉnh vốn chậm nên đến thời điểm trình Quốc hội quyết định, dự kiến là tháng 01/2023 thì đã hết năm ngân sách 2022.

Vì vậy, đề nghị được thực hiện chuyển nguồn sang năm 2023 theo quy định của Luật Đầu tư công sau khi đã điều chỉnh từ nguồn kinh phí chi thường xuyên sang chi đầu tư để thực hiện 95 dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc chuyển nguồn kinh phí năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan sang năm 2023 là đúng quy định.

Để bảo đảm tính khả thi trong giải ngân vốn đối với các dự án khởi công mới vào năm 2023, có thể cho phép quy định thời hạn giải ngân, hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2024.

Tại phiên làm việc chiều ngày 13/12, để bảo đảm tính liên thông trong các nội dung xem xét, quyết định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành cho ý kiến ngay trong phiên làm việc này về xem xét, quyết định việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia.

Đồng thời, xem xét việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021.

 

Ngày 7/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 157/NQ-CP quyết nghị thống nhất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội điều chỉnh một số nội dung Tờ trình số 444/TTr-CP ngày 02/11/2022 của Chính phủ về việc điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung, số liệu báo cáo, đề xuất, bảo đảm đúng quy định.