CNBC: Tại sao kinh tế châu Á có thể vượt qua khủng hoảng sau Covid-19 nhanh hơn phương Tây?

Theo Hoàng An/toquoc.ttvn.vn

CNBC đã tham khảo ý kiến một số nhà phân tích và nhận được ý kiến phản hồi rằng, sau khi Covid-19 đi qua kinh tế châu Á sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn các nước phương Tây.

Mỹ và các nước châu Âu đang vật lộn để ngăn chặn đại dịch, với nhiều vùng và thành phố đang bị phong tỏa. Nguồn: internet
Mỹ và các nước châu Âu đang vật lộn để ngăn chặn đại dịch, với nhiều vùng và thành phố đang bị phong tỏa. Nguồn: internet

Mỹ và các nước châu Âu đang vật lộn để ngăn chặn đại dịch, với nhiều vùng và thành phố đang bị phong tỏa. Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ở châu Âu, như Italy và Tây Ban Nha - nơi đã có hàng chục nghìn người dương tính với Covid-19. Trong khi đó, số ca nhiễm bệnh được xác nhận ở Mỹ tăng gấp 10 lần trong một tuần, vượt qua mốc 50.000.

"Nói chung, điều này hàm ý rằng danh mục đầu tư của quý vị có thể nghiêng về phía Trung Quốc hoặc châu Á, vì virus đang di chuyển từ khu vực đó sang phương Tây, nơi không may là virus chưa được ngăn chặn", ông Andrew Harmstone, nhà quản lý danh mục đầu tư cao cấp tại Morgan Stanley nhận định.

Tuy nhiên, ông Harmstone cũng chỉ ra rằng, các quốc gia phương Tây vẫn là khách hàng lớn nhất của Trung Quốc. Do đó, sự phục hồi toàn cầu là điều cần thiết để khôi phục nền kinh tế Trung Quốc một cách đầy đủ nhất. 

Theo vị chuyên gia, tác động kinh tế của đại dịch đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ở Mỹ và nhiều doanh nghiệp nhỏ. Những doanh nghiệp này sử dụng khoảng 60% lực lượng lao động của đất nước, nhưng dòng tiền mặt chỉ đủ duy trì 1 tháng.

Dưới đây là một số lý do các nhà phân tích nghĩ rằng các nước châu Á có khả năng chuẩn bị tốt hơn để vượt qua khủng hoảng kinh tế so với phương Tây.

Kinh nghiệm chống dịch

Dịch bệnh nghiêm trọng không phải quá mới mẻ với các nước châu Á. Covid-19 thường được so sánh với đại dịch SARS năm 2003, đã tấn công Trung Quốc, Hong Kong và Singapore. Những nền kinh tế này cũng từng chịu suy thoái vì nó. Điều đó giúp các chính phủ có tâm thế tốt khi đối mặt với những thảm họa tiếp theo.

"Các nền kinh tế châu Á đã học được bài học từ các khủng hoảng trong quá khứ, và xây dựng các bảng cân đối ngân sách bền vững, vốn được triển khai để nâng đỡ nền kinh tế của họ trước những cú sốc bên ngoài", bà Lin Jing Leong, chuyên gia của Aberdeen Standard Investments, đánh giá. "Điều này tạo cho họ vị thế tốt khi đối phó với đại dịch này".

Dòng tiền mặt lớn

CNBC: Tại sao kinh tế châu Á có thể vượt qua khủng hoảng sau Covid-19 nhanh hơn phương Tây? - Ảnh 1

 

 

"Các công ty châu Á có rất nhiều tiền mặt", Siddhartha Singh, Giám đốc đầu tư chứng khoán châu Á tại PineBridge nhận xét. Theo chuyên gia này, hầu hết doanh nghiệp ở châu Á mà ông theo dõi đã phản ứng với môi trường kinh doanh khó khăn trong hai năm qua bằng cách kiểm soát chi phí và kỷ luật trong chi tiêu vốn, cùng các biện pháp khác.

"Không có gì đáng ngạc nhiên khi so sánh 100 công ty hàng đầu ở các thị trường lớn tại châu Á và phương Tây để thấy nhiều công ty châu Á có vị thế tiền mặt. Điều này có nghĩa họ có khả năng tái đầu tư và giành thị phần một khi khủng hoảng đi qua", ông Siddhartha Singh phân tích.

 

 

CNBC: Tại sao kinh tế châu Á có thể vượt qua khủng hoảng sau Covid-19 nhanh hơn phương Tây? - Ảnh 2

Các ngân hàng trung ương châu Á vẫn còn khả năng giảm lãi suất

Lãi suất toàn cầu nhìn chung đã ở mức thấp, với một số quốc gia đã có lãi suất âm. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương ở châu Á nhìn chung sẽ còn nhiều "vũ khí" để hỗ trợ nền kinh tế của họ hơn so với Mỹ hay châu Âu. Nói cách khác, các ngân hàng trung ương châu Á còn nhiều room để cắt giảm lãi suất nhằm thúc đẩy nền kinh tế.

"Các nhà đầu tư đừng nên quên rằng lãi suất thực vẫn duy trì ở mức dương và lãi suất danh nghĩa thậm chí còn cao hơn ở nhiều thị trường châu Á và mới nổi, trái ngược hoàn toàn với các thị trường phát triển", bà Leong lưu ý.

Đây là một vấn đề quan trọng. Nó có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách châu Á còn khoảng trống để điều chỉnh. Đồng thời, cho phép các ngân hàng trung ương chủ động trong việc nới lỏng lãi suất, cung cấp thêm thanh khoản.

Theo các nhà phân tích, các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu có thể đang cạn kiệt các công cụ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã giảm lãi suất cơ bản 3 lần trong năm 2019, với tổng số 75 điểm cơ bản. Sau đó, họ đã đưa lãi suất cơ bản về 0 vào tháng 3/2020, sau 2 lần cắt giảm khẩn cấp. Lãi suất cơ bản tại Ngân hàng Trung ương châu Âu hiện cũng đã âm.