Cơ chế, chính sách tín dụng đối với doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 10/2020

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII của Đảng xác định mục tiêu “Đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công”, nhằm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Từ sự thay đổi nhận thức về vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách tín dụng đối với doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Bài viết đánh giá về việc triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng đối với các doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch cụ sự nghiệp công, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hỗ trợ tín dụng đối với doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công ở Việt Nam.

Chính sách tín dụng đối với doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công

Các chính sách tín dụng đối với doanh nghiệp (DN) tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công được triển khai trên nền tảng của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa (XHH) đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường. Nghị định 69/2008/NĐ-CP đã xác định đối tượng thực hiện xã hội hóa, bao gồm: Các cơ sở ngoài công lập được thành lập và có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các lĩnh vực xã hội hóa; Các tổ chức, cá nhân hoạt động theo Luật DN có các dự án đầu tư, liên doanh, liên kết hoặc thành lập các cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa có đủ điều kiện hoạt động theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Các cơ sở sự nghiệp công lập thực hiện góp vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật thành lập các cơ sở hạch toán độc lập hoặc DN hoạt động trong các lĩnh vực xã hội hóa theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 Các phương thức xã hội hóa hiện nay gồm: Một là, Nhà nước ủy quyền cho các tổ chức xã hội hay các công ty tư nhân cung ứng một số dịch vụ mà Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm và nguồn kinh phí thường do ngân sách cấp; Hai là, chuyển giao trách nhiệm cung ứng dịch vụ công cho một số tổ chức ngoài nhà nước có điều kiện thực hiện có hiệu quả; Ba là, tư nhân hóa một số dịch vụ công, Nhà nước giữ vai trò giám sát và đảm bảo lợi ích công cộng theo pháp luật.

Các bộ quản lý chuyên ngành ban hành các chính sách, chế độ khuyến khích xã hội hoá phù hợp với các hình thức hoạt động, phù hợp với yêu cầu phát triển của từng lĩnh vực trong từng thời kỳ và từng khu vực; UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, ban hành các chế độ ưu đãi cụ thể nhằm khuyến khích, thúc đẩy, mở rộng các hình thức xã hội hóa; thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa theo hướng dẫn của các bộ quản lý chuyên ngành.

Ngày 16/06/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2014/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, theo đó chính sách ưu đãi về tín dụng và chính sách huy động vốn đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa được quy định như sau:

- Đối với chính sách ưu đãi về tín dụng: Cơ sở thực hiện xã hội hóa thuộc phạm vi, đối tượng quy định Nghị định này thuộc danh mục vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước được vay vốn tín dụng đầu tư, hoặc hỗ trợ sau đầu tư theo quy định về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

- Đối với nội dung huy động vốn: Cơ sở thực hiện xã hội hóa được phép huy động vốn phù hợp với loại hình thành lập theo quy định của pháp luật, bao gồm: Vốn góp thành lập ban đầu; Huy động vốn từ lợi nhuận không chia; Huy động vốn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu; Huy động vốn từ việc hợp tác, liên kết liên doanh với các DN; Huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, tài chính, các tổ chức kinh tế và cá nhân và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, từ ngày 15/5/2017, các chính sách ưu đãi về tín dụng đối với DN tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thực hiện theo Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/03/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước. Đối tượng được vay là các DN, đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính và tổ chức kinh tế khác vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển có dự án đầu tư thuộc danh mục các dự án được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước ban hành. Ngoài ra, các tổ chức này có thể vay vốn từ các tổ chức tín dụng, tài chính, các tổ chức kinh tế và cá nhân khác theo quy định của pháp luật.

Kết quả hỗ trợ tín dụng đối với doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công

Nghị định số 69/2008/NĐ-CP bước đầu thay đổi nhận thức của xã hội trong việc sử dụng các dịch vụ sự nghiệp công do các đơn vị ngoài công lập cung ứng. Nhiều dự án xã hội hóa đã thu hút số lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, giảm bớt gánh nặng cho NSNN. Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW, số chi NSNN trực tiếp cho đơn vị sự nghiệp công lập sẽ giảm dần theo lộ trình (giai đoạn 2016-2021 giảm 10% so với 2011-2015; giai đoạn 2021-2025 giảm 10% so với giai đoạn 2016-2020; giai đoạn 2025-2030 giảm tiếp 15% so với 2021-2025).

Theo Thống kê của Bộ Tài chính, đến nay đã có trên 8.000 dự án xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công được cấp giấy phép đầu tư và đi vào hoạt động với tổng số vốn đầu tư lên đến 132.000 tỷ đồng. Trong đó, các dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề chiếm 40%; các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế chiếm 28%; còn lại là các dự án trong lĩnh vực môi trường, văn hóa, thể thao. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước. Hệ thống các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trên cả nước cũng đã có những chính sách cho vay thuộc lĩnh vực xã hội hóa, với tổng số vốn giải ngân lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Các tỉnh, địa phương trên cả nước cũng đã ban hành các chính sách ưu đãi về tín dụng đối với các cơ sở tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, đơn cử như tỉnh Thừa Thiên-Huế có chính sách ưu tiên cho các cơ sở thực hiện xã hội hóa vay vốn trung hạn và dài hạn từ Quỹ Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, với mức vốn cho vay và lãi suất ưu đãi theo quy định hiện hành. Trường hợp chỉ vay vốn thương mại, cơ sở thực hiện xã hội hóa được hỗ trợ tiền chênh lệch lãi vay thương mại, với lãi suất ưu đãi của Quỹ Đầu tư phát triển và bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên - Huế để đầu tư tài sản cố định thực hiện dự án với thời gian hỗ trợ không quá 5 năm kể từ ngày bắt đầu giải ngân của hợp đồng tín dụng.

Tại tỉnh Bến Tre, các dự án xã hội hóa đủ điều kiện theo quy định được vay vốn từ các Ngân hàng thương mại của Tỉnh, với mức hỗ trợ lãi suất vay vốn là 5%/năm tính trên số tiền vay và thời hạn cho vay thực tế. Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất bằng với mức cho vay thực tế của ngân hàng thương mại, nhưng tối đa không vượt quá 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án. Thời hạn hỗ trợ lãi suất tối đa là 5 năm năm đối với dự án đầu tư tại địa bàn TP. Bến Tre, 7 năm đối với dự án đầu tư tại các địa bàn còn lại.

Tỉnh Quảng Bình quy định các cơ sở thực hiện xã hội thuộc đối tượng theo quy định được vay vốn tín dụng đầu tư, hoặc hỗ trợ sau đầu tư theo quy định về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

UBND TP. Hà Nội đã ban hành các văn bản hướng dẫn thủ tuc, trình tự hồ sơ cho các cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao vay vốn để đầu tư xây dựng, tăng cường cơ sở vật chất tại Quỹ đầu tư phát triển TP. Hà Nội. Thực hiện cho vay, theo dõi sử dụng tình hình vốn vay, thu hồi tiền gốc và lãi vay theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố.

Tỉnh Đồng Tháp ban hành các chính sách ưu đãi tín dụng đầu tư đối với các dự án xã hội hóa, theo đó các dự án đủ điều kiện được Quỹ Đầu tư Phát triển Tỉnh ưu tiên cho vay với lãi suất ưu đãi và hỗ trợ tiền lãi vay từ ngân sách nhà nước theo mức lãi suất quy định của Quỹ Đầu tư Phát triển Tỉnh để đầu tư tài sản cố định thực hiện dự án XHH tại các địa bàn, mức hỗ trợ lãi suất tại một số địa bàn lên đến 40% tiền lãi vay trong 5 năm đầu thực hiện dự án… Tính đến năm 2019, tỉnh Đồng Tháp đã thu hút được 15 dự án xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường, với tổng số vốn là 1.987 tỷ đồng.

Nhìn chung, từ thay đổi nhận thức về vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc cung cấp các dịch vụ công cho xã hội, các chính sách, quy định làm cơ sở cho quá trình đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công đã được Chính phủ nghiên cứu, ban hành, nhằm thu hút sự tham gia của các nguồn lực ngoài Nhà nước. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các chính sách ưu đãi như hỗ trợ lãi suất, thời gian, hạn mức tín dụng… dựa vào nguồn lực từ các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư phát triển của địa phương cho các cơ sở tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, thu hút được nhiều dự án xã hội hóa đầu tư vào các lĩnh vực như: giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường… góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và trên cả nước.

Đánh giá việc triển khai các chính sách tín dụng đối với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ sự nghiệp công tại Việt Nam

Về tổng thể, các chính sách tín dụng nhằm khuyến khích các DN tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần thu hút các nguồn lực từ tư nhân, đẩy mạnh phát triển các dự án xã hội hóa, từng bước giảm bớt gánh nặng đối với ngân sách nhà nước. Ở nhiều địa phương nguồn ngân sách không có khả năng cân đối nguồn vốn để trực tiếp đầu tư vào các dự án trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, môi trường… việc sử dụng một phần ngân sách địa phương thông qua các Quỹ đầu tư phát triển, thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng để khuyến khích, thu hút các nguồn lực của xã hội tham gia vào các dự án là theo đúng định hướng của Nhà nước. Thực tế cho thấy, số kinh phí ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ chênh lệch lãi suất cho các dự án hiện nay chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng mức vốn đầu tư của các dự án, hệ thống các cơ sở cung ứng dịch vụ công ngoài công lập ngày càng phát triển. Điều này góp phần mang lại nhiều lợi ích, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện các chính sách tín dụng đối với DN tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như sau:

Thứ nhất, hệ thống chính sách tín dụng nhằm khuyến khích sự phát triển của hệ thống các tổ chức tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công vẫn còn chưa đầy đủ, việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng bộ, chặt chẽ.

Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ yêu cầu các Bộ quản lý chuyên ngành ban hành các chính sách, chế độ khuyến khích xã hội hoá phù hợp với các hình thức hoạt động, phù hợp với yêu cầu phát triển của từng lĩnh vực trong từng thời kỳ và từng khu vực. UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, ban hành các chế độ ưu đãi cụ thể nhằm khuyến khích, thúc đẩy, mở rộng các hình thức xã hội hóa; thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa theo hướng dẫn của các bộ quản lý chuyên ngành. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, hệ thống các chính sách, quy định, cơ chế nhằm thu hút và khuyến khích phát triển các dịch vụ công ngoài công lập chưa thật sự đầy đủ, đồng bộ; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ, nhiều địa phương vẫn còn chậm trễ trong việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Thứ hai, các chính sách, quy định, cơ chế để thu hút đầu tư của các DN để phát triển các dịch vụ công ngoài công lập chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư.

Hiện nay các chính sách ưu đãi về tín dụng đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa được thực hiện theo Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư Nhà nước, Nghị định này do Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện. Các yêu cầu về điều kiện cho vay theo Nghị định số 32/2017/NĐ-CP tương đối khắt khe so với khả năng thực tế và đặc thù của các DN cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, lãi suất cho vay cao so với mong đợi của các nhà đầu tư… Những chính sách này vẫn chưa thật sự tạo động lực, thu hút được nhiều DN tham gia cung ứng dịch vụ công. Do vậy, thời gian gia, Ngân hàng Phát triển Việt Nam chủ yếu cấp vốn tín dụng đầu tư cho các dự án thuộc các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, hạ tầng, nông lâm ngư nghiệp... số vốn giải ngân cho các dự án xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công còn nhiều hạn chế.

Thứ ba, năng lực của các nhà đầu tư tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế, chưa đáp ứng được các điều kiện được vay vốn theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Nhiều DN không đáp ứng được điều kiện vay vốn theo quy định hiện hành do không đủ tài sản thế chấp vay vốn, báo cáo tài chính không khả thi, hồ sơ vay vốn chưa thuyết phục, trình độ quản lý và khả năng chịu đựng rủi ro còn hạn chế. Tại một số địa phương, đã có nhiều đơn vị thực hiện xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công gửi hồ sơ đề nghị vay vốn ưu đãi tại các Quỹ đầu tư phát triển, tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan đến các quy định hiện hành về tín dụng.

Giải pháp đẩy mạnh hỗ trợ tín dụng đối với doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) yêu cầu: “Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo điều kiện đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường và thúc đẩy xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công”. Để góp phần nâng cao hiệu quả trong việc cung ứng các dịch vụ công cho xã hội trong giai đoạn phát triển mới, bài viết đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ tín dụng nhằm khai thác và huy động các DN và nguồn lực xã hội trong việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công như sau:

Thứ nhất, cần ban hành những chính sách hỗ trợ cụ thể và khuyến khích các cơ sở ngoài công lập đầu tư có hiệu quả các dịch vụ công lập, các đơn vị trợ giúp trong huy động vốn dưới nhiều hình thức đa dạng. Các bộ, ngành, địa phương cần có sự phối hợp trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính phủ; hoàn thiện và triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ tín dụng đối với các DN cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, đặc biệt là chính sách hỗ trợ vay vốn thông qua Quỹ Phát triển và các tổ chức tín dụng. Đối với các dự án xã hội hóa tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, Chính phủ nghiên cứu trao quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật đầu tư và Nghị định hướng dẫn nhằm tăng chính chủ động cho các địa phương, đồng thời thu hút nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Thứ hai, tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về chính sách ưu đãi, hỗ trợ tín dụng với hạn mức, lãi suất và thời hạn vay linh hoạt phù hợp với điều kiện của DN. Tiến hành rà soát, cải tiến quy trình, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay. Nghiên cứu thành lập và huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển quy mô các Quỹ hỗ trợ các DN thực hiện xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công. Khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, sản phẩm dịch vụ ngân hàng và phòng ngừa rủi ro phù hợp với khả năng và nhu cầu của DN.

Thứ ba, nâng cao năng lực của các DN nhằm tăng khả năng tiếp cận hiệu quả vốn tín dụng thực hiện các dự án cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Để tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, các DN vay vốn cần chuẩn bị về năng lực tài chính, phương án kinh doanh khả thi, tài sản.. nhằm đảm bảo các tiêu chí cần thiết về quy mô, tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định…

Thứ tư, thiết lập cơ chế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tín dụng, đảm bảo sự an toàn hoạt động các Quỹ hỗ trợ phát triển, các tổ chức tín dụng cung cấp vốn vay cho các DN cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Ngoài ra, mỗi ngành, lĩnh vực và địa phương cần ban hành và thực hiện quy định kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, thực hiện đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động của đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phòng ngừa rủi ro tín dụng.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2008), Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

2. Chính phủ (2014), Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 về sửa đổi Nghị định 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích XHH đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

3. Dương Xuân Thao (2017), Những điểm mới của tín dụng đầu tư nhà nước, Tạp chí Tài chính;

4. Đỗ Phú Hải (2018), Về giải pháp chính sách cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Tạp chí Tổ chức Nhà nước;

5. Đỗ Anh Đức, Lê Hùng Sơn (2020), Xã hội hóa dịch vụ công, Tạp chí Cộng sản.