Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó: Cần thêm các giải pháp hỗ trợ tín dụng?
Để ứng phó với tác động của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã áp dụng các giải pháp quyết liệt về lãi suất điều hành và vận động các tổ chức tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Một số ý kiến cho rằng, cần tăng cường thực hiện các giải pháp mạnh mẽ hơn để cứu doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Theo số liệu từ NHNN, để hỗ trợ tín dụng cho các khách hàng gặp khó khăn, từ 23/1 - 28/3, các tổ chức tín dụng đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 12.000 khách hàng với dư nợ 13.500 tỷ đồng; đã và đang xem xét miễn, giảm lãi cho gần 36.000 khách hàng với dư nợ trên 91.000 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng cũng tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường từ 0,5 - 3%/năm (khoảng 285.000 tỷ đồng, chủ yếu cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa...). Kết quả, đến nay các tổ chức tín dụng đã cho vay mới đối với 47.000 khách hàng với doanh số cho vay đạt gần 80.000 tỷ đồng.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, cơ quan này vừa có cuộc họp với 20 tổ chức tín dụng (cho vay chiếm khoảng 75% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế) về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Tất cả các tổ chức tín dụng đều đồng thuận rất cao là giảm tối thiểu 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi có dịch. NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cũng như giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Các chính sách trên được các doanh nghiệp đánh giá là cần thiết theo Báo cáo “Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách” vừa được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân công bố. Tại báo cáo này, các chuyên gia cũng khuyến nghị, trong thời gian tới, NHNN cần sẵn sàng bơm thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, xem xét tiếp tục hạ lãi suất điều hành thêm từ 0,1 - 0,2% trong 1 - 2 tháng tới.
Chia sẻ quan điểm về đề xuất này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành trong thời gian tới sẽ góp phần cải thiện thanh khoản cho các tổ chức tín dụng. Qua đó, các tổ chức tín dụng có thể tăng cường cung cấp các gói cho vay lãi suất thấp hơn để hỗ trợ doanh nghiệp cầm cự, khôi phục sản xuất hoặc chuyển hướng kinh doanh phù hợp với diễn biến của dịch bệnh.
Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn, nhu cầu vay mới rất thấp. Tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm nay chỉ ở mức 0,06%. Con số này nhích lên mức 0,68% trong 3 tháng đầu năm song vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 1,9% của cùng kỳ năm ngoái.
Do đó, ông Hiếu cho rằng, giảm lãi suất là giải pháp hỗ trợ chứ không hẳn là giải pháp mang tính cấp cứu để nhiều doanh nghiệp có cơ hội thoát khỏi nguy cơ dừng hoạt động. “Để áp dụng chính sách hỗ trợ này, các tổ chức tín dụng phải tính toán rất chi li về khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp yếu hoặc không chứng minh được khả năng trả nợ ngắn hạn thì chắc chắn không thể tiếp cận được”, ông Hiếu nói.
Vì vậy, vị chuyên gia này đề xuất, đã đến lúc cần tính toán và thực hiện càng nhanh càng tốt một gói cứu trợ dành cho cả những doanh nghiệp yếu hơn với tiêu chuẩn dễ hơn chương trình đang được các ngân hàng thương mại áp dụng. Theo đó, có thể cho họ được vay trong thời hạn 6 tháng đến 1 năm mà không trả lãi.
“Nếu dịch còn kéo dài, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phá sản. Do đó, vấn đề quan trọng hiện nay là cần có tiền để họ duy trì sự sống, giúp họ trả được tiền hàng, trả một phần tiền mặt bằng sản xuất, tiền lương cho nhân công... Đồng thời, cần có các giải pháp giám sát và thanh kiểm tra để tránh tình trạng chính sách đến không đúng đối tượng”, ông Hiếu nhấn mạnh.