Chế độ tiền lương trong thời gian cách ly, giãn cách xã hội
Thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, của Thủ tướng Chính phủ như: cách ly y tế, giãn cách xã hội bắt buộc, tạm dừng các hoạt động du lịch, thương mại… khiến nhiều lao động phải nghỉ việc hoặc không có việc làm. Vậy việc thực hiện tiền lương trong bối cảnh COVID-19 cho người lao động như thế nào
Đại dịch Covid-19 gây nhiều tác động tiêu cực, không chỉ đe dọa sức khỏe, tính mạng của người dân mà còn tác động nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế- xã hội, ảnh hưởng lớn đến việc làm và thu nhập của người lao động. Bài viết này đề cập đến khía cạnh về tiền lương trong mùa dịch COVID-19.
Các đối tượng trong các diện cách ly y tế để phòng, chống, dập dịch và làm việc tại nhà sẽ được hưởng lương như thế nào?
Theo quy định tại Điều 95 Bộ luật Lao động 2019 về việc trả lương cho người lao động thì người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc chứ không căn cứ vào địa điểm làm việc.
Do đó, làm việc tại doanh nghiệp hay làm việc tại nhà, làm việc online người lao động đảm bảo năng suất và chất lượng công việc theo yêu cầu thì vẫn được trả đủ lương theo thỏa thuận.
Thực tế, trong gần 2 năm đối mặt với nạn dịch COVID-19 trên diện rộng gần như cả nước’; các tổ chức, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp… đã nhanh chóng áp dụng cách thức làm việc online, dạy và học online, giải quyết thủ tục hành chính online, giao dịch thương mại online… Với sự hỗ trợ từ các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại đã cho kết quả tích cực, đảm bảo ổn định các hoạt động quản lý nhà nước cũng như một phần các hoạt động thương mại góp phần ổn định tăng trưởng nền kinh tế và đời sống của người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trường hợp ngừng việc vì giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly tập trung người lao động thì được trả lương như thế nào?
Căn cứ theo Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương ngừng việc như sau:
“Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
- Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
- Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;
- Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc...”
Như vậy, đối với trường hợp người lao động ngừng việc do phải đi cách ly tập trung, giãn cách xã hội hoặc bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc sẽ do thỏa thuận theo quy định như trên.
Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Mức lương tối thiểu vùng năm 2021 áp dụng theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP, ngày 15/11/2019 của Chính phủ, quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động: vùng I: 4.420.000 đồng/tháng; vùng I: 4.420.000 đồng/tháng; vùng III: 3.430.000 đồng/tháng; vùng IV: 3.070.000 đồng/tháng.