Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động cùng chia sẻ khó khăn trong đại dịch
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ hiểu và trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp (DN) không kể ít hay nhiều, đều xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim, từ trách nhiệm với cộng đồng, từ sự chia sẻ với Nhà nước. Đồng thời, Chính phủ cũng làm hết sức mình để bảo đảm đời sống của người dân, để đồng bào có đủ điều kiện vật chất, tinh thần, sự yên tâm, tin tưởng cùng vượt qua đại dịch.
Đảm bảo duy trì hoạt động của DN
Trước tính chất phức tạp cuộc chiến chống COVID-19 và khả năng bước ra khỏi cuộc chiến này không thể nhanh chóng, thời gian qua, Chính phủ đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ DN, người dân đối phó với dịch bệnh, như: giảm, giãn nộp thuế, bảo hiểm xã hội; miễn, giảm phí một số dịch vụ công, giảm, giãn nộp tiền thuê đất; giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ; đưa ra các gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng của năm 2020 và 26.000 tỷ đồng cho năm 2021...
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng và cần thiết hàng đầu là sự đồng lòng, thấu hiểu và cùng nhau chia sẻ những khó khăn của ba bên gồm Nhà nước, DN và người lao động. Chính phủ đã đứng ra gánh vác khó khăn cùng cộng đồng DN và đưa ra những quyết sách để hỗ trợ người dân, DN như việc miễn, giảm thuế, các gói hỗ trợ…
GS., TS. Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định, bên cạnh ưu tiên số một là phòng chống dịch, thì những chính sách, biện pháp về cứu trợ người dân và DN khó khăn như các chính sách về tài khóa như hoãn, giãn, miễn các khoản thuế, các khoản đóng góp, giãn trả nợ của ngân hàng đã giúp DN bớt đi khó khăn và trụ lại qua mùa dịch.
Đồng quan điểm này, PGS.,TS. Nguyễn Anh Phong - Chuyên gia kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng đánh giá rất cao về các gói giải pháp hỗ trợ cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong năm 2020 và năm 2021, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong khi đó, DN là thành phần duy trì và tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, trong mọi tình huống, luôn cần cân nhắc đến việc đảm bảo duy trì hoạt động của DN. Theo TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, mặc dù diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, phải thực hiện giãn cách tại nhiều địa phương nhưng tổng số vốn đăng ký bổ sung của các DN vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt 2.432,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, cùng với đó, những khó khăn do tác động bởi làn sóng thứ 4 của dịch bệnh COVID-19 đã bắt đầu hiện hữu trong tháng 7/2021. Cụ thể, số DN thành lập mới trong tháng 7 đã giảm 22,8% so với tháng trước và giảm 33,8% so với cùng kỳ năm 2020, đồng thời số vốn đăng ký của DN thành lập mới cũng giảm tương ứng 25,3% và giảm 48,7%; tốc độ tăng DN giải thể trong tháng 7 là 17%... Bên cạnh đó, là những vướng mắc về đứt gãy chuỗi cung ứng, không vận chuyển được hàng, thiếu công nhân, lao động, các nhà máy phải giảm công suất.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, vấn đề của DN bây giờ là giữ được thị trường và giảm lỗ hết mức, chứ không phải là giữ được thị trường và bảo đảm lợi nhuận trong sản xuất nữa. DN phải đặt bài toán khó khăn như vậy là một cách để vẫn sản xuất, vẫn tồn tại, chờ thời cơ phục hồi sau dịch, mặt khác cũng là chia sẻ, đồng hành với Nhà nước, người lao động, góp phần duy trì sự ổn định của nền kinh tế và xã hội.
Đối với người lao động, có thể phải chấp nhận giảm lương hay giảm thưởng trong đợt cuối năm và cố gắng tiếp tục sản xuất, chung vai sát cánh cùng chủ DN. Sự thấu hiểu, đồng lòng của ba bên sẽ tạo nên quyết tâm và động lực mạnh mẽ hơn để giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn, giữ vững nền tảng, chuẩn bị cho sự hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch.
Chia sẻ quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, chỉ số 7 tháng đầu năm về kinh tế khá tốt, trong đó có số lượng DN thành lập mới tăng, số vốn đăng ký tăng… phản ánh thực tế là 4 tháng đầu năm nay tình hình kinh tế tích cực, chúng ta chưa bị tác động nặng nề bởi đợt dịch bệnh lần thứ 4. Điều này cũng phản ánh những nỗ lực rất lớn của Chính phủ và bộ máy chính quyền các cấp trong việc thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế.
Chung tay, chung sức, chung lòng để kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh
Thực tế thời gian qua cho thấy, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì cộng đồng DN, doanh nhân vẫn phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm, vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động. Đồng thời, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng cộng đồng DN đã nêu cao tinh thần chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, đồng hành, đóng góp với các địa phương trong phòng, chống dịch bệnh.
Chẳng hạn, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ trong chỉ đạo giảm giá điện, nước, viễn thông cho người dân gặp khó khăn do giãn cách xã hội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã triển khai ngay hướng dẫn về mức hỗ trợ giảm giá điện. Với giá cước viễn thông, các DN cũng đã công bố gói hỗ trợ viễn thông khoảng 10.000 tỷ đồng...
Trong bối cảnh hiện nay, theo các chuyên gia kinh tế, chính sách hỗ trợ DN, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh "đều rất quý, rất đáng trân trọng". DN đã thể hiện sự chia sẻ khó khăn với người dân, nhất là trong lúc này. Có thể nói, qua những đợt tấn công liên tiếp của đại dịch COVID-19, là cơ hội để hiểu hơn về trách nhiệm của DN với đất nước. Bởi DN là một trong những đối tượng hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, song cũng chính họ đã tạo nên những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng với những dấu ấn đóng góp, cống hiến tiêu biểu và rõ rệt, trong đó, có có thể kể tới nỗ lực, chung tay của các DN điện, nước, viễn thông.
Đợt bùng phát dịch thứ 4 đã kéo dài hơn 100 ngày tại Việt Nam với tốc độ lây lan nhanh, khó lường, nguy hiểm. Trong 100 ngày đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành hầu hết thời gian, tâm sức thời gian này để lo cho công tác chống dịch với mục tiêu: Dập dịch thành công vì sức khỏe và tính mạng của nhân dân là quan trọng nhất, là trên hết và trước hết. Chính phủ mong muốn, hơn bao giờ hết, trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi mọi cấp, mọi ngành và tất cả cộng đồng DN, người dân Việt Nam phát huy tinh thần trách nhiệm, chung tay, chung sức, chung lòng để kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Theo VCCI, trong bối cảnh khó khăn, dù ngân sách Nhà nước đang eo hẹp nhưng Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN chịu tác động bởi COVID-19. Các chính sách hỗ trợ về thuế, nhất là giảm thuế, được các DN đánh giá là hữu ích nhất, như: Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19…