Những vấn đề đặt ra trong triển khai thuế bảo vệ môi trường

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 11/2020

Bảo vệ môi trường luôn được xác định là chủ trương, chính sách lớn, nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong những năm vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế và đô thị hóa, mức độ ô nhiễm môi trường tại Việt Nam ngày càng tăng. Để duy trì phát triển bền vững, Việt Nam đã nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp, chính sách góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường cũng như thay đổi nhận thức của các cá nhân, tổ chức trong xã hội, trong đó chính sách thuế bảo vệ môi trường được xác định là một trong những công cụ kinh tế hiệu quả trong thời gian qua.

Kết quả đạt được trong thực hiện chính sách thuế bảo vệ môi trường

Qua 08 năm triển khai thực hiện, chính thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đã đạt được những kết quả tích cực, cụ thể:

Một là, góp phần nâng cao trách nhiệm và nhận thức của xã hội đối với môi trường; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường; qua đó, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường.

Thuế BVMT là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường; mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hóa chịu thuế được quy định dựa trên nguyên tắc: (i) Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ; (ii) Theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa.

Thuế BVMT giúp thực hiện nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả”. Theo đó, thuế BVMT được coi là công cụ tài chính để điều chỉnh hành vi sản xuất và tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường. Đối với cả người tiêu dùng (muốn mua với giá thấp hơn) và nhà sản xuất (muốn bán được nhiều sản phẩm, lợi nhuận cao hơn) thì thuế BVMT sẽ có tác dụng khuyến khích, điều chỉnh, định hướng sản xuất và tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường hơn.

Thuế BVMT góp phần hạn chế sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm gây ô nhiễm của các tổ chức, cá nhân; khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm bớt các tác động tiêu cực đến môi trường (khí cacbon, lưu huỳnh thải ra khi sử dụng xăng, dầu, than, dung dịch hydro-chloro-fluoro-cacbon (HCFC) ảnh hưởng tới môi trường không khí và tầng ôzôn, tăng hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, gây hiệu quả nghiêm trọng đối với con người và thiên nhiên cũng như tổn thất về kinh tế). Từ đó, hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững, phát triển kinh tế gắn với BVMT.

Hai là, thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về BVMT.

Việt Nam đã và đang tích cực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực môi trường bằng việc tham gia vào nhiều cam kết quốc tế về BVMT. Chính sách thuế BVMT được ban hành đã thể hiện nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện cam kết quốc tế trong vấn đề BVMT.

Nghị định thư Kyoto về kiểm soát khí thải nhà kính mà Việt Nam là thành viên, có hiệu lực từ ngày 16/2/2005, trong đó Việt Nam cam kết thực hiện “Cơ chế phát triển sạch” (CDM) trong các lĩnh vực: năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp, lâm nghiệp và quản lý chất thải... Với việc đưa các sản phẩm như xăng, dầu, mỡ nhờn, than, dung dịch HCFC vào đối tượng chịu thuế BVMT đã thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết CDM, từ đó nâng cao hiệu quả trong việc tiếp nhận hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ mới từ các nước phát triển tham gia Nghị định thư Kyoto thông qua các dự án CDM, cũng như hướng tới phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon, là một hiệp ước quốc tế của Công ước Vienna được thiết kế để bảo vệ tầng ozon bằng cách loại bỏ dần việc sản xuất các chất, trong đó có dung dịch HCFC, được cho là chịu trách nhiệm về sự suy giảm tầng ozon. Việt Nam cam kết hoàn thành loại bỏ dung dịch HCFC vào năm 2030. Việc đưa dung dịch HCFC vào đối tượng chịu thuế BVMT sẽ góp phần tích cực để Việt Nam hoàn thành loại bỏ HCFC theo đúng cam kết.

Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đã tham gia tích cực vào các công ước và hiệp ước đa phương khác về BVMT như Công ước Ramsar về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (1989), Tuyên bố Rio về BVMT và phát triển; Chương trình Nghị sự toàn cầu 21; Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (1992); Công ước Liên hợp quốc về Luật biển; Công ước về Đa dạng sinh học (1994); Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn (1999)... Việc ban hành chính sách thuế BVMT đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, thúc đẩy tuân thủ và thực thi pháp luật về môi trường, thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc thực thi đầy đủ các cam kết về môi trường với cộng đồng quốc tế.

Ba là, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có nhiệm vụ chi cho BVMT

Số thu từ thuế BVMT liên tục tăng ổn định từ năm 2012 đến nay. Thống kê cho thấy, số thu thuế BVMT năm 2012 là khoảng 11.676 tỷ đồng; năm 2013 là khoảng 11.849 tỷ đồng; năm 2014 là khoảng 12.087 tỷ đồng; năm 2015 là khoảng 27.020 tỷ đồng; năm 2016 là khoảng 43.142 tỷ đồng; năm 2017 là khoảng 44.825 tỷ đồng; năm 2018 là 47.050 tỷ đồng và năm 2019 là 63.079 tỷ đồng. Tỷ lệ thu thuế BVMT so với tổng thu NSNN đã tăng từ hơn 1% lên hơn 4% (năm 2019 là 4,07%).

Thuế BVMT không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể mà để thực hiện các nhiệm vụ chi chung theo quy định của Luật NSNN và được Quốc hội phê duyệt hàng năm. Với số thu thuế BVMT bình quân trong giai đoạn 2012-2019 đạt khoảng 32.600 tỷ đồng/năm đã góp phần làm tăng thu NSNN để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội của đất nước, trong đó có nhiệm vụ chi cho BVMT (Tổng chi NSNN cho các nhiệm vụ BVMT bình quân năm cao hơn số thu thuế BVMT).

Vấn đề đặt ra trong triển khai thực hiện chính sách thuế bảo vệ môi trường

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện chính sách thuế BVMT vẫn còn khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn, cụ thể như sau:

Thứ nhất, một số quy định của Luật Thuế BVMT chưa phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan như Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; chưa đảm bảo nguyên tắc thu thuế BVMT đối với hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường tại Việt Nam. Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ban hành sau Luật Thuế BVMT đã có một số quy định mới liên quan đến hàng hóa kinh doanh tạm nhập và hàng hóa tạm nhập khẩu.

Ngoài ra, quy định thu thuế đối với trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế là nguyên liệu, vật tư được nhập khẩu để trực tiếp sản xuất hàng hóa xuất khẩu là chưa đảm bảo nguyên tắc thu thuế BVMT đối với hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường tại Việt Nam.

Thứ hai, có ý kiến cho rằng, quy định về khung và mức thuế BVMT đối với các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế chưa đảm bảo phù hợp với mức độ gây ô nhiễm môi trường của các hàng hóa

Theo quy định của Luật Thuế BVMT, các nguyên tắc xác định khung, mức thuế BVMT đối với các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế là mức độ gây tác động xấu đến môi trường của các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế và chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.

Biểu khung và mức thuế BVMT đối với các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế như dung dịch HCFC, túi ni lông cần được xem xét điều chỉnh để đảm bảo mục tiêu giảm dần việc sử dụng sản phẩm, hàng hóa. Việc điều chỉnh khung và mức thuế BVMT đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế phải đảm bảo được nguyên tắc phân biệt theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của từng nhóm hàng hóa; nhưng vẫn phải đảm bảo phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.

Thứ ba, có nhiều ý kiến cho rằng, thực tế có nhiều hàng hóa khi sử dụng, thải bỏ gây ô nhiễm môi trường với các mức độ khác nhau cần được nghiên cứu, rà soát kỹ để bổ sung vào đối tượng chịu thuế BVMT. Cụ thể:

- Các chất tẩy rửa: được sử dụng rất nhiều trong vệ sinh và được sử dụng rộng rãi, phổ biến tại nhiều nơi. Trong chất tẩy rửa đều có chứa các hóa chất tổng hợp và các hóa chất này đều có thể gây hại cho sức khỏe con người, cũng như gây ô nhiêm không khí khi sử dụng. Mức độ gây hại nhiều hay ít tùy theo hàm lượng nồng độ của hóa chất trong dung dịch hóa chất. Hàm lượng, nồng độ càng cao thì tác hại đến sức khỏe con người cùng như môi trường càng nguy hiểm.

Tuy nhiên, chất tẩy rửa gồm rất nhiều các sản phẩm như bột giặt, nước làm mềm vải, nước rửa chén, xà bông tắm, kem đánh răng... với thành phần cấu tạo và tính chất lý, hóa khác nhau; chất tẩy rửa công nghiệp gây tác động xấu đến môi trường thông qua việc xả nước thải công nghiệp đang thuộc đối tượng chịu phí đối với nước thải công nghiệp. Do đó, để bổ sung chất tẩy rửa vào đối tượng chịu thuế BVMT cần phải định danh và phân loại rõ ràng và tránh thuế chồng thuế.

Phân bón hóa học: Tại Việt Nam, phân vô cơ được sử dụng phổ biến trong thực tiễn sản xuất gây tiềm ẩn lớn về nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, đất và không khí. Phân hữu cơ chưa qua xử lý cũng gây ô nhiễm đất nghiêm trọng, vì trong phân có chứa lượng lớn các vi sinh vật gây bệnh như E.Coli gây bệnh đường ruột, các ấu trùng sán lá, thương hàn,... Phân hữu cơ sau khi gây ô nhiễm cho môi trường đất sẽ dễ dàng làm thay đổi tính chất của các hệ mạch nước ngầm và có thể gây đột biến gen đối với một số loại cây trồng. Tuy nhiên, đây cũng là sản phẩm có rất nhiều loại khác nhau (khoảng hơn 13.000 sản phẩm), vậy việc lựa chọn các sản phẩm nào để đánh thuế cũng cần phải định danh cụ thể.

Những vấn đề đặt ra trong triển khai thuế bảo vệ môi trường - Ảnh 1

- Thuốc lá: Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên thế giới. Việc sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch… Sản xuất thuốc lá gây ảnh hưởng đến môi trường thông qua rác thải, khí thải và hiện đang phải chịu phí BVMT đối với nước thải, rác thải rắn. Sản phẩm thuốc lá thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất cao do hút thuốc lá có hại tới sức khỏe con người.

- Sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần: do quá trình sử dụng không đúng chức năng, nhiệt độ cao kết hợp với hàm lượng acid cao làm tăng nguy cơ nhiễm styrene (hóa chất sử dụng để sản xuất vật liệu làm nên hộp xốp) gây hại đến sức khỏe hoặc trong nhựa tái chế có lẫn tạp chất, trong đó có kim loại nặng, khi vào cơ thể tích tụ trong cơ thể người, ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiện  nay, việc sản xuất các mặt hàng nhựa sử dụng 1 lần chủ yếu do các cơ sở nhỏ, lẻ sản xuất, các cơ sở này hiện đang thực hiện nộp thuế khoán, do đó nếu bổ sung sản phẩm này vào đối tượng chịu thuế thì cũng khó thu được thuế.

- Chất kích thích tăng trưởng: Chất kích thích tăng trưởng dùng cho thực vật bao gồm các hoạt chất như NAA, Gibberellin, Xytokinin dưới nhiều tên gọi thương mại khác nhau được sử dụng trong nông nghiệp làm biến đổi gen giúp cây tăng tỷ lệ nảy mầm, đổi màu hoa, tạo trái không hạt, kích thích cây mọc khỏe và nhanh. Chất kích thích tăng trưởng gây ra những biến đổi không bình thường cho cơ thể con người. Các chất kích thích tăng trưởng được sử dụng trong chăn nuôi, phổ biến nhất là Clenbuterol và Salbutamol có khả năng làm tăng nhanh trọng lượng của gia súc, gia cầm. Các chất này còn là nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, liệt cơ, run cơ, phù nề, thậm chí dẫn đến ung thư cho người sử dụng thực phẩm có chứa chất kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, cần phải định danh rõ ràng từng loại chất kích thích trưởng mới đảm bảo khả thi trong việc đánh thuế.

Thứ tư, quy định về thời điểm tính thuế BVMT đối với xăng dầu nhập khẩu để bán là thời điểm đầu mối kinh doanh xăng dầu bán ra, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý cũng như trong việc kê khai, nộp thuế

Quy định nêu trên dễ dẫn đến việc các đơn vị lợi dụng việc nhập khẩu xăng dầu nhưng không bán ra mà chỉ dùng cho sản xuất, có thể dẫn đến thất thu ngân sách. Ngoài ra, quy định nêu trên chưa đồng nhất với quy định về khai thuế, nộp thuế BVMT đối với hàng hóa khác thuộc đối tượng chịu thuế BVMT nhập khẩu; và chưa thuận lợi để triển khai thực hiện quy định tại Luật NSNN năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017) là thuế BVMT thu từ hàng hóa nhập khẩu là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%. Do đó, cần sửa đổi quy định về thời điểm tính thuế BVMT đối với xăng dầu cho phù hợp.

Giải pháp hoàn thiện chính sách thuế bảo vệ môi trường

Một trong những nguyên tắc cần đảm bảo khi hoàn thiện chính sách thuế BVMT là nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả” và nguyên tắc “người được hưởng lợi phải trả”. Thuế BVMT nhằm góp phần hạn chế việc sản xuất và sử dụng các hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích sản xuất và sử dụng các hàng hóa thân thiện với môi trường, vì vậy, các chủ thể gây thiệt hại cho môi trường thông qua việc sử dụng những sản phẩm, hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường phải có nghĩa vụ nộp thuế. Nguyên tắc này được Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) đề ra vào năm 1972.

Việc hoàn thiện chính sách thuế BVMT cần đảm bảo nguyên tắc khuyến khích hơn nữa việc BVMT, định hướng hành vi xã hội để đảm bảo môi trường ngày càng trong sạch hơn. Là một công cụ kinh tế, cách ưu việt nhất là quy định mức thuế sao cho chủ thể nộp thuế thấy có lợi hơn khi thực hiện các biện pháp BVMT. Do vậy, các nội dung hoàn thiện chính sách thuế BVMT phải đảm bảo khả thi, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện để các chủ thể nộp thuế nhận thức và lựa chọn được ưu đãi thuế khi sử dụng công nghệ sạch, sản phẩm thân thiện hơn với môi trường, hơn là việc nộp thuế với mức cao để sửa dụng những sản phẩm, hàng hóa gây ô nhiễm.

Việc lựa chọn thêm hàng hóa khi sử dụng, thải bỏ gây ô nhiễm môi trường để bổ sung vào đối tượng chịu thuế BVMT cần phải đáp ứng các nguyên tắc sau: (i) Phải là những hàng hóa được sản xuất, nhập khẩu mà khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường; (ii) Phải định danh rõ ràng được hàng hóa đưa vào đối tượng chịu thuế để đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện (iii) Tránh đánh thuế trùng.

Hệ thống chính sách thuế, phí hiện nay đã tương đối bao quát hết các trường hợp. Cụ thể: Khi sản xuất hoặc sử dụng các hàng hóa trên thải ra môi trường dưới dạng nước thải thì phải nộp phí BVMT. Đối với hoạt động khai thác khoáng sản thì phải nộp phí BVMT đối với khai thác khoáng sản; Khi sản xuất hoặc sử dụng các hàng hóa trên thải ra môi trường dưới dạng khí thì đang nghiên cứu để thu phí BVMT đối với khí thải.

Ngoài ra, trường hợp sản xuất và sử dụng các hàng hóa trên thải ra môi trường dưới dạng chất thải rắn thì phải nộp giá dịch vụ xử lý chất thải rắn; (iv) Phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam từng thời kỳ và phù hợp với thông lệ quốc tế, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia; (v) Đảm bảo phù hợp với mức độ gây ô nhiễm môi trường của các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế. Để bổ sung các  hàng hóa gây ô nhiễm môi trường vào đối tượng chịu thuế cần phải đánh giá cụ thể mức độ gây ô nhiễm môi trường cụ thể của từng loại hàng hóa, từ đó đề xuất khung và mức thuế suất thuế BVMT cho phù hợp.

Bên cạnh các nguyên tắc về BVMT thì việc hoàn thiện chính sách thuế BVMT cũng phải cân đối hợp lý, có lộ trình rõ ràng để tránh tác động lớn cho sản xuất và tiêu dùng. Trong những năm qua, Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua việc ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do. Vì vậy, việc sử dụng ở mức độ tối đa các nguồn tài nguyên là khó tránh khỏi; ngoài ra, trình độ công nghệ trong nước mặc dù có tiến bộ nhưng nhìn chung còn khá lạc hậu, không thể ngay lập tức hiện đại hóa hoàn toàn bằng những công nghệ tiên tiến và ít ảnh hưởng đến môi trường.

Với thực tiễn đó, nhiệm vụ của thuế BVMT là từng bước điều chỉnh hành vi xã hội, dần dần đưa nhận thức BVMT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cần tránh tình trạng áp dụng ngay mức thuế cao dẫn đến gia tăng mạnh chi phí sản xuất, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong giai đoạn cạnh tranh kinh tế toàn cầu hiện nay.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội, Luật thuế Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành;

2. Quốc hội, Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành;

3. Quốc hội, Luật phí, lệ phí và các văn bản hướng dẫn thi hành;

4. Quốc hội, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và các văn bản hướng dẫn thi hành;

5. Quốc hội, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành;

6. Chính phủ, Tờ trình số 371/TTr-CP ngày 5/9/2017 của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường;

7. Environmental Fiscal Reform for Poverty Reduction, Organization for Economic Cooperation and Development - OECD, 2005;

8. Environmental Policy: How to apply Economic Instruments - OECD, 1991.