Thuế bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững tại một số nước
Xu hướng toàn cầu hóa cùng với phát triển kinh tế kéo theo quá trình công nghiệp hoá và phát triển đô thị tăng nhanh tại các quốc gia, dẫn đến một số tác động có hại đến môi trường sinh thái như sự gia tăng chất thải, nước thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt; gia tăng số lượng chất thải rắn trong sinh hoạt và trong công nghiệp; gia tăng phát thải các chất gây ô nhiễm không khí từ cả quá trình sản xuất công nghiệp và sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm...
Chính vì thế, việc đặt ra các biện pháp bảo vệ môi trường là hoàn toàn cần thiết, đặc biệt khi các nước đang hướng đến xây dựng một nền kinh tế xanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
Thuế bảo vệ môi trường tại một số nước
Từ những năm 2000 trở lại đây, các công cụ của chính sách môi trường (như hệ thống các loại thuế, phí môi trường, giấy phép phát thải chuyển nhượng được), đặc biệt là các loại thuế và lệ phí đã được các nước sử dụng ngày càng nhiều. Các công cụ này nhằm hai mục tiêu chủ yếu là để người gây ô nhiễm giảm lượng chất thải ra môi trường và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) thông qua việc đưa chi phí môi trường vào trong giá thành sản phẩm theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.
Ở các nước phát triển, tỷ lệ thu thuế bảo vệ môi trường/GDP khá cao. Những nước có tỷ lệ thu thuế bảo vệ môi trường trên GDP cao nhất là Đan Mạch (đạt tỷ lệ 4,1% GDP vào năm 2012; 4,24% GDP năm 2013 và 4,11% GDP năm 2014), Phần Lan (đạt tỷ lệ 3% GDP năm 2012; 2,96% GDP năm 2013 và 2,88% GDP năm 2014) và Ý (đạt tỷ lệ 3,8% GDP năm 2012; 3,68% GDP năm 2013 và 3,85% GDP năm 2014).
Trong khi đó, tỷ lệ thu tại các nước đang phát triển còn khá thấp và ở dưới mức 0,5% GDP, cụ thể là Malaysia (đạt tỷ lệ 0,24% GDP năm 2012; 0,24% GDP năm 2013); Philippines (0,24% GDP năm 2012; 0,21% GDP năm 2013).
Nếu xét về tỷ lệ thu từ thuế môi trường cho ngân sách tại các nước thì Ấn Độ, Hàn Quốc và Đan Mạch là các quốc gia có nguồn thu từ thuế môi trường đóng góp cho ngân sách tương đối lớn, chiếm trên 10% tổng thu ngân sách, trong khi đó Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 7% tổng thu ngân sách, Philippines và Malaysia chiếm khoảng 2% tổng thu ngân sách.
Kể từ đầu những năm 1990, một số nước trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thực hiện cải cách đối với các khoản thuế môi trưởng, trong đó những nước Bắc Âu là những nước đầu tiên thực hiện, sau đó là các quốc gia phát triển khác như: Anh, Ý, Đức, Pháp...
Nhìn chung, sự phát triển của thuế bảo vệ môi trường ở các nước diễn ra theo 3 cách tiếp cận sau:
Thứ nhất, đưa vào áp dụng một số loại thuế mới liên quan đến môi trường, đối với các sản phẩm gây hại tới môi trường.
Thứ hai, tái cấu trúc một số loại thuế đang tồn tại để mang các yếu tố môi trường vào trong thuế đó (ví dụ như thuế carbon trên các sản phẩm năng lượng áp dụng ở các nước: Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Hà Lan, Ý và Anh).
Thứ ba, giảm dần hoặc loại bỏ một số ưu đãi thuế và trợ cấp có khả năng gây hại cho môi trường.
Các loại thuế bảo vệ môi trường mà các nước áp dụng
Thuế BVMT là loại thuế đánh vào các đối tượng có tác động xấu đến môi trường. Thuế BVMT được phân theo các đối tượng khác nhau liên quan đến năng lượng, giao thông vận tải, ô nhiễm môi trường và nguồn tài nguyên, trong đó có chia nhỏ các khoản thuế được đặt tên riêng theo đối tượng như thuế carbon, thuế nhiên liệu…
Thuế carbon: Thuế carbon áp dụng đối với lượng khí carbon phát thải của quá trình đốt cháy nhiên liệu tạo ra khí CO2 - một trong những tác nhân làm trái đất nóng lên và gây ảnh hưởng biến đổi khí hậu toàn cầu. Mức thuế suất thuế carbon dao động trong khoảng 1 - 130 USD/tấn CO2.
Phần Lan là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng thuế carbon như một công cụ để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Phần Lan tính thuế dựa trên hàm lượng carbon của các loại nhiên liệu hóa thạch, với mức phí là 1,2 EUR/tấn CO2 cho lần đầu thực hiện. Năm 2011, Phần Lan kết hợp thuế carbon với thuế năng lượng, với mức phí là 66,2 EUR/tấn CO2 và 18,05 EUR/tấn CO2.
Tại Thụy Điển, thuế carbon được bắt đầu áp dụng từ năm 1991, đánh vào nhiên liệu đốt và nhiên liệu sử dụng cho phương tiện cơ giới, với mức thuế có xu hướng ngày càng tăng, ở mức 27 EUR (31 USD)/tấn CO2 vào năm 1991, sau đó tăng lên 114 EUR (130 USD)/tấn CO2 từ năm 2011.
Tại Pháp, thuế carbon có hiệu lực vào ngày 01/4/2014, với mức thuế suất là 7 EUR (8 USD)/tấn CO2, tăng lên 24 EUR (27 USD)/tấn CO2 vào năm 2016. Ngày 22/7/2015, Pháp chính thức thông qua Luật Năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh, bổ sung mức thuế carbon cho năm 2020 và 2030 lần lượt là 56 EUR (62 USD)/tấn CO2 vào và 100 EUR/tấn CO2 (110 USD/tấn CO2).
Anh áp dụng thuế carbon từ năm 2013, với mức thuế suất 4,94 bảng Anh - GBP (7 USD)/tấn CO2, tăng lên 18,08 GBP (26 USD)/tấn CO2 vào tháng 01/2015. Đến năm 2016 - 2017 và 2017 - 2018, mức thuế tăng lên lần lượt là 21,2 GBP (30 USD) và 24,62 GBP (35 USD)/tấn CO2.
Tại Nhật Bản, thuế carbon bắt đầu được sử dụng từ ngày 01/10/2012 đối với việc sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, khí tự nhiên và than tùy thuộc vào lượng khí thải CO2. Theo đó, tỷ lệ thuế được áp dụng tính đến tháng 5/2014 là 2 USD/tấn CO2 và tăng lên mức 3,7 USD/tấn CO2 đến tháng 4/2016.
Đối với nhiên liệu hóa thạch: Mức thuế đối với nhiên liệu hóa thạch sẽ theo mức tuyệt đối hoặc theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán.
Phương thức thu theo mức thu tuyệt đối (tính trên khối lượng, thể tích của sản phẩm) áp dụng tại một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Mexico. Cụ thể là, Nhật Bản thu 48,6 yên-JPY/lít xăng; thuế dầu và khí ga là 17,5 JPY/kg; thuế dầu Diesel là 32,1 JPY/lít. Hàn Quốc cũng thu theo mức tuyệt đối, trong đó: Xăng và dầu thay thế tương tự: 475 won-KRW/lít; Dầu diesel và dầu thay thế tương tự: 340 KRW/lít.
Phương thức thu theo tỷ lệ phần trăm tính trên giá bán, tùy theo tính chất loại xăng, dầu như Campuchia, Myanmar. Ở Myanmar, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu diesel là 10%. Ở Campuchia, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng là 10%, dầu diesel là 4%.
Đối với túi ni lông: Túi ni lông được nhiều nước trên thế giới áp dụng mức thuế suất khá cao, thậm chí, một số nước còn cấm sản xuất, bán và sử dụng túi ni lông và chủ yếu đánh vào người tiêu dùng.
Tại Anh, mức thuế suất đối với túi vận chuyển bao gồm túi ni lông hoặc túi nhựa có tính chất sử dụng một lần và túi nhựa phân hủy sinh học là 5 penny/túi và áp dụng bắt buộc tại các cửa hàng lớn (nhà bán lẻ lớn) còn các cửa hàng có quy mô nhỏ và vừa có thể áp dụng theo cách tự nguyện (hiệu lực từ 05/10/2015).
Mỹ thực hiện cấm hoàn toàn sử dụng túi ni lông ở hầu hết các bang, riêng tại Bang California nếu khách hàng muốn sử dụng túi ni lông thì phải trả mức thuế tối thiểu là 10 cent/túi. Hồng Kông thực hiện thu 50 cent/túi (áp dụng từ 1/4/2015) còn Estonia thu thuế đối với túi ni lông ở mức 2 kroons/túi. Tại Malaysia, việc cấm hoàn toàn việc sử dụng túi ni lông (túi nhựa) đã được áp dụng ở một số khu vực (năm 2009 ở Penang, năm 2010 ở Selangor…).Một số nước khác còn cấm sản xuất, bán, sử dụng túi ni lông mỏng như ở Trung Quốc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi ni lông có độ dày nhỏ hơn 0,025 mm từ tháng 1/2008; Ấn Độ cấm sử dụng túi nhựa mỏng dưới 50 micro từ năm 2000; ở Đài Loan cấm sử dụng túi nhựa mua sắm mỏng hơn 0,06 mm.
Ngoài việc thu thuế từ túi ni lông đối với người tiêu dùng, thuế BVMT cũng áp dụng đối với nhà sản xuất, nhập khẩu túi ni lông (túi nhựa).
Đối với thuốc trừ sâu: Các nước đánh thuế đối với thuốc từ sâu chủ yếu dựa trên 2 phương thức: (i) đánh thuế trên một số tiền cố định/kg hóa chất (Thụy Điển đánh thuế 3,64 EUR/kg); (ii) đánh thuế trên mức độ độc hại và tỷ lệ thành phẩm của chất gây hại với môi trường trong từng sản phẩm (Na Uy: đánh thuế dựa vào sự ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của mỗi sản phẩm khác nhau).
Đối với các thiết bị, hàng hóa sử dụng hỗn hợp có chứa dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC): Tại Macedonia, nhằm hạn chế các nhà nhập khẩu các thiết bị có chứa các hợp chất gây suy giảm tầng ô dôn, theo quy định tại Chương 18 Luật Môi trường, tất cả những cá nhân, doanh nghiệp nhập khẩu các sản phẩm làm từ các hợp chất có hại cho môi trường có nghĩa vụ nộp thuế môi trường theo quy định của Bộ Môi trường và Kế hoạch Vật chất.
Để từng bước xóa bỏ việc sử dụng các chất gây hại cho tầng ô dôn, Mỹ áp đặt mức thuế môi trường phải chi trả đối với các hợp chất gây suy giảm tầng ô dôn từ ngày 1/1/1990. Mức thuế môi trường phải chi trả tăng vào các năm tiếp theo (do tăng mức thuế suất cơ sở), cụ thể tăng mức thuế suất cơ sở từ 1,37 USD/pound năm 1990 lên 3,35 USD/pound năm 1993; 4,35 USD/pound năm 1994 và 5,35 USD/pound năm 1995. Từ năm 1996 trở đi, mức thuế suất cơ sở tăng khoảng 0,45 USD/pound/năm.
Trường hợp miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường
Tại Mỹ, thuế đối với xăng thường là 0,184 USD/lít thì xăng sinh học là 0,052 USD/lít trong những năm 1970 và năm 1980. Sau đó, Mỹ đưa ra ưu đãi thuế đối với hỗn hợp xăng pha cồn nhằm khuyến khích sản xuất sản phẩm ethanol theo Luật Thuế sử dụng nhiên liệu. Để đáp ứng điều kiện được miễn thuế thì hỗn hợp phải chứa ít nhất là 10% cồn.
Đức thực hiện miễn hoàn toàn thuế môi trường đối với nhiên liệu sinh học cho đến hết năm 2006 (so với mức thuế ban đầu áp dụng là 0,63 EUR/lít), sau đó từ năm 2007 đến 2012 miễn thuế một phần, cụ thể mức thuế năm 2007 là 0,09 EUR/lít, sau đó tăng lên 0,45 EUR/lít năm 2012.
Những điểm đáng lưu ý trong chính sách thuế bảo vệ môi trường của các quốc gia
Nghiên cứu thực tế chính sách thuế BVMT tại các quốc gia cho thấy những điểm đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, quan điểm, mục tiêu chủ yếu của hầu hết các nước khi thu thuế cho mục đích BVMT: (i) Thuế BVMT là giải pháp kinh tế tài chính chủ yếu để giảm ô nhiễm môi trường; giảm phát thải khí thải; (ii) Góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững; (iii) Giảm tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị tăng trưởng GDP; (iv) Ngân sách có nguồn tài chính để thực hiện phát triển kinh tế, xã hội.
Thứ hai, tùy điều kiện, từng quốc gia đã áp dụng các công cụ khác nhau để đạt mục tiêu BVMT và phát triển bền vững, trong đó có các loại công cụ được sử dụng phổ biến ở các nước trên thế giới, đặc biệt là tại các nước trong khối OECD như: (i) Phí ô nhiễm không khí; (ii) Phí ô nhiễm nước; (iii) Phí rác thải; (iv) Phí gây ồn; (v) Phí sử dụng môi trường; (vi) Phí sản phẩm; (vii) Lệ phí; (viii) Thuế môi trường; (ix) Trợ giá; (x) Hoàn trả ủy thác.
Thứ ba, thuế cho mục đích môi trường (như thuế năng lượng/nhiên liệu, thuế môi trường hoặc thuế xanh, thuế phương tiện…) là một trong những biện pháp kinh tế thường được các quốc gia sử dụng nhằm tạo nguồn thu trực tiếp cho NSNN. Số thu từ nhóm thuế này dao động từ 0,2% - 4,1% GDP tùy thuộc vào từng quốc gia, đặc biệt số thu từ thuế BVMT thường cao hơn mức chi cho BVMT (chi NSNN cho BVMT nằm trong khoảng từ 0,02-1,35% GDP).
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Thuế Bảo vệ môi trường năm 2010;
2. Nguyễn Thị Kim Chi & Nguyễn Minh Hằng: Bài học kinh nghiệm một số nước tổ chức và thực hiện chính sách thuế bảo vệ môi trường;
3. Vương Thu Hiền, Kinh nghiệm quốc tế về thuế bảo vệ môi trường và khuyến nghị với Việt Nam;
4. Lingyan. L. V, “The Legal Analysis of China’s Environmental Tax System Reform”, 2010;
5. Cottrell. J, Schlegelmilch. K, Runkel. M, Mahler. A, “Environmental Tax Reform in Developing, Emerging and Transition Economies”, 2016, German Development Institute;
6. European Environment Agency, “Environmental taxation and EU environmental policies”, No 17/2016.