Cơ chế cho vay phức tạp làm giảm khả năng tiếp cận vốn lãi suất thấp của doanh nghiệp
Mặc dù lãi suất cho vay đã giảm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho phép cơ cấu giãn hoãn nợ nhưng vẫn không giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận tín dụng, bởi cơ chế cho vay phức tạp. Trong bối cảnh này, ngân hàng cũng kiên quyết không hạ chuẩn tín dụng bởi lo nợ xấu dềnh lên.
Tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội trong hai ngày 1-2/11, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét, đánh giá lại cơ chế, thủ tục, điều kiện cho vay cũng như việc quản lý định hướng tín dụng.
Doanh nghiệp cần thủ tục thông thoáng hơn
Báo cáo của NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 10/2023 chỉ tăng 7,1% so với cuối năm 2022. Nền kinh tế đang khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, dù NHNN đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành, đưa mặt bằng lãi suất các khoản cho vay mới giảm 2% so với năm ngoái. Nếu tính cả những khoản dư nợ của khoản vay cũ và mới thì lãi suất vay giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022.
"Hiện, lãi suất cho vay đã về bằng so với trước dịch Covid-19, thậm chí thấp hơn 0,3%", Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thông tin.
Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh đang đối mặt với nhiều khó khăn, đồng thời khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại.
Đề cập tới những khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các đại biểu cho biết rào cản lớn trong tiếp cận vốn vay là ngân hàng không chấp nhận hàng tồn kho là tài sản đảm bảo, trong khi doanh nghiệp ghi nhận doanh thu, đơn hàng giảm. Vì thế, hầu hết doanh nghiệp chỉ tiếp cận khoản vay ngắn hạn, còn điều kiện vay trung, dài hạn ngặt nghèo, thủ tục phức tạp.
Bà Mai Thị Phương Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng NHNN đã yêu cầu các nhà băng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng, nhưng vẫn cần thủ tục thông thoáng hơn. Đồng thời đề nghị ngành ngân hàng nên nghiên cứu thêm sản phẩm tín dụng đặc thù, linh hoạt hơn với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường thì đề nghị Chính phủ chỉ đạo NHNN đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay và cân nhắc nới lỏng điều kiện vay. Các cơ quan hữu quan cũng cần đưa ra giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ động lực tăng trưởng và kiểm soát tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho rằng để tháo điểm nghẽn về tăng trưởng tín dụng, ngoài các giải pháp tạo điều kiện của ngành ngân hàng, vẫn cần tìm cách tăng bơm vốn cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa qua Quỹ hỗ trợ.
"Chính phủ xem xét mở rộng bảo lãnh tín dụng cho ngân hàng, giảm điều kiện cho vay với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo đặc thù của Việt Nam", ông Thân kiến nghị.
Ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn cho vay
Vấn đề doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng luôn trở thành chủ đề “nóng” tại các cuộc đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp. Lãnh đạo NHNN khẳng định sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, mở rộng tín dụng nhưng đi kèm với nguyên tắc không hạ chuẩn cho vay, bởi nếu không sẽ rất rủi ro.
“Hạ chuẩn sẽ đi cùng rủi ro, nợ xấu. Nếu không giữ chuẩn tín dụng, nợ xấu sẽ tăng cao. Hiện, nợ xấu bắt đầu nhen nhóm ở một số ngân hàng. Trong nội bảng chưa cao nhưng nợ tiềm ẩn, nguy cơ ở một số ngân hàng có biểu hiện. Câu chuyện nợ xấu luôn được đặt ra để kiểm soát an toàn”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Theo quy định, hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận; khách hàng vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp, có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ; TCTD quyết định xem xét cho vay phù hợp tình hình hoạt động và khẩu vị rủi ro của TCTD.
Thực tế, lãnh đạo các ngân hàng thương mại cũng khẳng định trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngân hàng cẩn trọng hơn cho vay đối với doanh nghiệp có hàng tồn kho cao, không có phương án kinh doanh tốt để giảm thiểu rủi ro về nợ xấu trong tương lai.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho hay, trong bối cảnh nợ xấu dềnh lên, các ngân hàng sẽ cân nhắc việc cơ cấu nợ, giãn nợ, cũng như hạ chuẩn cho vay, bởi có thể nợ xấu vượt mức kiểm soát. Thực tế, năm nay, nhiều ngân hàng có xu hướng tăng trưởng thận trọng, không đặt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận lên hàng đầu, thay vào đó là tăng cường thu hồi nợ và bảo toàn vốn.
Hiện nay, nợ xấu của nhiều ngân hàng tăng cao so với thời điểm đầu năm. Điển hình như: LPBank có tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,46% hồi đầu năm lên 2,79% tính đến ngày 30/9 - mức cao nhất trong 5 năm qua. Tương tự, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của TPBank tăng vọt từ mức 0,84% hồi đầu năm lên mức 2,97% vào cuối quý III; nợ xấu nội bảng của Saigonbank cuối quý III/2023 là 435 tỷ đồng, tăng 9,4% so với đầu năm, kéo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 2,12% lên 2,23%...
Trước việc doanh nghiệp tiếp cận vốn còn khó, mới đây, Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, điều kiện cho vay.
Theo lãnh đạo NHNN, để khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp, ngoài giải pháp từ phía ngân hàng, cần kích cầu tiêu dùng nội địa, xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp tăng đơn hàng xuất khẩu. "Doanh nghiệp có đầu ra, có dự án khả thi và thị trường bất động sản được tháo gỡ thì tín dụng sẽ tăng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Đồng thời, NHNN cũng yêu cầu các nhà băng rà soát, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn quá trình xem xét hồ sơ vay, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ về tín dụng với doanh nghiệp và người dân.