Cơ chế đột phá phải gắn với đặc thù của Thủ đô
Tiếp tục phiên họp sáng nay, 27/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, TP. Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh.
Chủ động tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng và thu hút nhân tài
Đánh giá cao dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có nhiều điểm mới so với Luật hiện hành, Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) nhấn mạnh, dự thảo Luật có khoảng 10 nội dung quản lý ngành, lĩnh vực có quy định vượt trội so với quy định chung dành cho cả nước thuộc các lĩnh vực thiết yếu đối với sự phát triển của Thủ đô như: đầu tư công nghệ, y tế, nhân sự…
"Những quy định này về cơ bản sát với nhu cầu của Hà Nội để có thêm sức bật về thể chế". Nhấn mạnh như vậy, song đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy cũng chỉ rõ, một số nội dung được xem là vượt trội thực chất là quy định có tính tháo gỡ những bất cập của các quy định chung mà địa phương nào cũng cần chứ không chỉ riêng Hà Nội. Đơn cử như quy định về: ký hợp đồng có thời hạn với người có điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm tại Điều 16 dự thảo Luật; quy định về thu hút nhân tài tại Điều 17 dự thảo Luật...
Bên cạnh đó, các quy định về liên kết giáo dục công lập - nước ngoài hay mô hình các cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học tại Điều 24 dự thảo Luật được coi là mang tính vượt trội dành cho Hà Nội vì cả nước không được áp dụng. Tuy nhiên, quy định này có thể được áp dụng ở hầu hết các địa phương.
Từ những phân tích trên, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy đề nghị, cần nghiên cứu thêm các quy định mang tính đột phá gắn với đặc thù của Thủ đô Hà Nội. Đại biểu cũng chỉ rõ, dự thảo Luật có một số nội dung được thể chế từ Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
"Việc áp dụng các quy định này cho Hà Nội cần phải xem xét thêm vì mặc dù đều là những đô thị đặc biệt nhưng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có sự khác biệt về nhu cầu quản trị, điều hành. Bản thân các quy định của Nghị quyết số 98 cũng được ban hành trên cơ sở đề xuất giải quyết những điểm nghẽn tại chỗ của TP. Hồ Chí Minh và đến nay, các quy định này cũng chưa được sơ kết, tổng kết. Do đó, cần đánh giá kĩ lưỡng trước khi luật hoá", đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý lưu ý.
Góp ý về quy định thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Điều 17 dự thảo Luật, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (TP. Cần Thơ) nhấn mạnh, đây là một nội dung đặc biệt quan trọng, nếu làm tốt sẽ giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ, đột phá để đạt được các mục tiêu đề ra. Thực tế kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy, các nước đã vượt qua được bẫy thu nhập trung bình thành công và trở thành các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… đều chủ yếu dựa vào thu hút nhân tài.
Tuy nhiên, theo đại biểu, quy định tại Điều 17 chưa rõ, chưa đầy đủ, cần hoàn thiện để việc triển khai được khả thi. Thực tiễn cũng cho thấy, không thể chỉ đưa ra một số ưu đãi, chờ người tài đến mà cần phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó thu hút nhân tài. Cho rằng, thu hút và trọng dụng nhân tài là chưa đủ mà cần phải có chính sách tìm kiếm và phát hiện nhân tài, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị, cần làm rõ hơn khái niệm “nhân tài”, thiết kế một chương riêng về nội dung “Đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Cân đối, hài hòa các mục tiêu
Một trong những mục tiêu sửa đổi Luật Thủ đô lần này là nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô hiện hành, đồng thời có các cơ chế đặc thù, vượt trội cho sự phát triển của Thủ đô. Đại biểu Quốc hội Trương Thị Ngọc Ánh (TP. Cần Thơ) cho rằng, quy định tại dự thảo Luật lần này cần giải quyết được ba nhóm vấn đề lớn: thứ nhất, về xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính của cả nước, là “trái tim” của cả nước và cả nước vì Thủ đô; thứ hai, về xây dựng và phát triển một địa phương có những vấn đề đặc thù của một đô thị đặc biệt; thứ ba, xây dựng và phát triển Thủ đô là hạt nhân liên kết vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Trên cơ sở đó, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh nhận thấy, dự thảo Luật mới tập trung cho nhóm vấn đề thứ hai, các nhóm vấn đề thứ nhất và thứ ba chưa thực sự rõ nét và chưa có nhiều biện pháp hữu hiệu để thực hiện. Do đó, đại biểu đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm cân đối, hài hòa các mục tiêu được đề ra khi xây dựng dự thảo Luật.
Về quy hoạch Thủ đô, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh nêu vấn đề, Hà Nội phát triển qua nhiều thời kỳ, nhất là từ khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội để mở rộng phạm vi không gian, có đủ điều kiện cho quy hoạch xây dựng và phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, từ thực tiễn 15 năm qua cho thấy, quy hoạch Thủ đô chưa đạt được mục tiêu kỳ vọng. Trong đó, lộ trình thực hiện quy hoạch chưa phù hợp dẫn tới mỗi thời kỳ lại điều chỉnh, thay đổi, phát sinh nhiều vấn đề và tiềm ẩn rủi ro cho đời sống nhân dân tại các khu vực “làng trong phố” ở nội đô, như vấn đề phòng cháy chữa cháy, quản lý dân cư, không gian môi trường sống, cơ sở vật chất cho giáo dục và y tế...
Để phù hợp với mục tiêu Thủ đô của cả nước là hình ảnh của đất nước và nhằm phát triển Thủ đô thực sự đúng tầm, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, quy hoạch và lộ trình thực hiện quy hoạch Thủ đô phải được phê duyệt và kiểm soát chặt chẽ. "Quy hoạch tổng thể Thủ đô với tầm nhìn chiến lược và lộ trình thực hiện phải do Trung ương chỉ đạo việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện", đại biểu đề xuất.