Cơ chế nào để Việt Nam phát triển công nghiệp đường sắt?
Đường sắt là một trong những lĩnh vực vận tải cần ưu tiên đầu tư. Đây là phương thức vận tải có nhiều ưu điểm, hài hòa giữa các phương thức vận tải (hàng không, đường thủy, hàng hải và đường bộ), vận tải khối lượng lớn, nhanh, chi phí rẻ, an toàn, bảo vệ môi trường có khả năng kết nối rộng và xuyên quốc gia…

Đến năm 2030-2045 phải phát triển được công nghiệp đường sắt
Vai trò và tầm quan trọng của ngành đường sắt được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị và các quy hoạch phát triển giao thông vận tải.
Vì vậy, Thông báo số 157/TB-VPCP ngày 5/4/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt đã khẳng định, phát triển hệ thống đường sắt có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội, kết nối vùng miền và thúc đẩy hội nhập quốc tế, đặc biệt là các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị, đường sắt kết nối với cảng biển, khu công nghiệp, các đô thị lớn và đường sắt liên vận quốc tế.
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030-2045 phải phát triển được công nghiệp đường sắt (làm chủ sản xuất toa xe, đầu máy và hệ sinh thái liên quan công nghiệp đường sắt…).
Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quyết tâm, quyết liệt triển khai các dự án đường sắt đã được Quốc hội, cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
“Phải quyết tâm cao, nỗ lực rất lớn, hành động phải quyết liệt; làm có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc ấy; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội; triển khai trước tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và nghiên cứu mở rộng để triển khai đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, kéo dài đến mũi Cà Mau các tuyến Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng”, thông báo của Văn phòng Chính phủ truyền đạt rõ chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Tạo cơ chế, chính sách tổng thể cho đường sắt
Để tạo cơ chế, chính sách cho phát triển ngành công nghiệp đường sắt, Thủ tướng Chính phủ đã giao chi tiết cho các bộ liên quan.
Cụ thể, Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội cho phép để kịp thời bổ sung thêm đầy đủ các cơ chế (như chỉ định thầu, huy động nguồn lực, phát triển công nghệ, công nghiệp đường sắt…) để báo cáo cấp có thẩm quyền (Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chỉnh phủ) quyết định trong tháng 5 năm nay.
Trước ngày 10/4, Bộ Xây dựng xây dựng tờ trình, báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết báo cáo Quốc hội đưa vào một trong Nghị quyết chung của kỳ họp hoặc Nghị quyết chung với một số Nghị quyết của Quốc hội ban hành do Chính phủ đề xuất.
Bộ Xây dựng cũng phải khẩn trương tiếp thu các ý kiến của các bộ, cơ quan để hoàn thành, trình Chính phủ ban hành các Nghị quyết của Chính phủ.
Thủ tương Phạm Minh Chính yêu cầu trong tháng 5 và tháng 6 tới, phải khẩn trương xây dựng Nghị định hướng dẫn lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) và hướng dẫn cho phép chủ đầu tư được triển khai thực hiện đồng thời việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; khẩn trương xây dựng nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt.
Trong tháng 6 năm nay, hai Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Bộ Khoa học và Công nghệ phải hoàn thành xây dựng Nghị định quy định việc tạm sử dụng rừng và hoàn trả rừng để thực hiện thi công công trình tạm phục vụ dự án và Nghị định quy định phát triển khoa học, công nghệ đường sắt…
Tại Hội thảo Phát triển công nghiệp đường sắt vừa được Bộ Xây dựng tổ chức, ông Hoàng Năng Khang, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chia sẻ về tỷ lệ nội địa hóa của ngành đường sắt trong nước hiện nay: Các đơn vị cơ khí đường sắt đã đóng mới toa xe hàng với tỷ lệ nội địa hóa 70%, toa xe khách đạt 80% giá trị. Riêng với đầu máy, các cụm thiết bị chính như động cơ, máy phát điện, hệ thống điện... Việt Nam vẫn phải nhập khẩu, chỉ sản xuất nội địa được các chi tiết như khung vỏ, thùng nhiên liệu, đường ống gió, thùng nước...
Theo ông Khang, khả năng làm chủ công nghệ của ngành Đường sắt sẽ tùy thuộc vào yêu cầu kỹ thuật của từng dự án. Đơn cử như đối với tuyến có tốc độ thiết kế dưới 200km/h, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ được hạng mục bảo trì hạ tầng, vận hành, bảo dưỡng phương tiện; duy trì hệ thống AFC (thu phí, soát vé tự động), thiết bị nhà ga; tham gia xây dựng, lắp đặt hệ thống tín hiệu, thông tin, cấp điện; sản xuất được tà vẹt bê tông dự ứng lực, tà vẹt tấm bản, linh kiện liên kết ray và các chi tiết cơ khí phục vụ bảo trì, sửa chữa.
Còn với các tuyến đường sắt có tốc độ thiết kế trên 200km/h, doanh nghiệp này chỉ đám đặt mục tiêu tham gia sâu vào chuỗi giá trị.
Chính vì vậy, để thực hiện được chiến lược phát triển ngành công nghiệp đường sắt như Chính phủ đặt ra, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị cần có cơ chế huy động tổng lực các nguồn vốn (vốn ODA, tín dụng trong nước, ngân sách nhà nước cho các dự án ưu tiên, thu hút vốn xã hội hóa); đồng thời có cơ chế ưu đãi lãi suất tín dụng cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ; miễn giảm thuế nhập khẩu dây chuyền, thiết bị phục vụ sản xuất công nghiệp đường sắt và có chính sách ưu đãi riêng cho các sản phẩm hỗ trợ công nghiệp đường sắt…/.
Thủ tướng yêu cầu trong tháng 6 năm nay, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đường sắt, Bộ Xây dựng xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực để trình Chính phủ ban hành.
Bộ Tài chính chỉ đạo, tổ chức lập Đề án tái cơ cấu Tổng công ty đường sắt Việt Nam.
Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu xem xét giao Tập đoàn Viettel và VNPT chủ trì đảm nhận trong việc tiếp nhận, phát triển, làm chủ công nghệ hệ thống thông tin, tín hiệu và hệ thống điều khiển của các dự án đường sắt…