Có hay không nguy cơ EC phạt "thẻ đỏ" với thủy sản Việt Nam?
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, nguy cơ thủy sản bị EC nâng lên "thẻ đỏ" là ít xảy ra do Việt Nam thời gian qua đã rất nỗ lực trong việc đáp ứng yêu cầu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Theo đó, ngành thủy sản sẽ cố gắng gỡ được "thẻ vàng" trong năm 2022.
Tại họp báo thường kỳ của Bộ NN&PTNT diễn ra sáng 5/10, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, còn 15 ngày nữa là đúng 4 năm Việt Nam triển khai gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC). Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Theo thông tin mới nhất, EC sẽ không sang Việt Nam kiểm tra trực tiếp do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ngày 27/10 tới, EC sẽ làm việc trực tuyến với Tổng cục Thủy sản về vấn đề này. Về cơ bản, thời gian qua, phía EC cũng đánh giá nỗ lực của Việt Nam trong việc gỡ "thẻ vàng".
Trước sự nỗ lực của Việt Nam, đến thời điểm hiện nay, ông Hùng cho biết, nguy cơ EC nâng từ "thẻ vàng" lên thành "thẻ đỏ" là ít xảy ra, theo đó nhiệm vụ của Việt Nam là cố gắng gỡ "thẻ vàng" trong thời gian sớm nhất.
"Theo yêu cầu của Thủ tướng, vừa qua, lãnh đạo các tỉnh, huyện, xã cam kết chấm dứt vi phạm tàu cá ở vùng biển nước ngoài trước 31/12/2021. Đây là tiêu chí quan trọng để phía EC gỡ thẻ vàng", ông Hùng nói.
Theo đó, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết, nếu "lời hứa" này được các cấp cơ sở thực hiện tốt thì năm 2022, cùng với việc triển khai các giải pháp mà phía EC khuyến cáo, Việt Nam sẽ gỡ được "thẻ vàng".
Còn theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, việc thủy sản xuất sang EU bị "thẻ vàng" ảnh hưởng tới uy tín, đồng thời thủ tục kéo dài, chi phí tăng cao. "Thậm chí, đây cũng là lý do để nhiều thị trường đưa Việt Nam vào diện theo dõi đặc biệt. Bằng chứng là chúng ta vẫn đang trong cuộc điều trần với Mỹ về ngành thủy sản", ông Tiến nói và nhấn mạnh cần nhanh chóng gỡ được "thẻ vàng" cho thủy sản.