Cơ hội bán hàng xuyên biên giới
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam dự báo đạt doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2020. Thế nhưng, điều đáng ghi nhận, nhờ TMĐT, các doanh nghiệp (DN) dù có quy mô nhỏ vẫn có thể xuất khẩu đi bất cứ nước nào trên thế giới với chi phí tiết kiệm. Đây cũng là cơ hội để các DN Việt tìm hướng bán hàng xuyên biên giới.
Cánh cửa lớn cho DN Việt
Cùng với xuất khẩu hàng hóa truyền thống, TMĐT đã trở thành kênh quan trọng cho các nhà xuất khẩu quốc tế với mức tăng trưởng 20% - 30%/năm, doanh số hàng ngàn tỷ USD. Nhiều DN Việt Nam cũng không đứng ngoài xu hướng này. Chia sẻ kinh nghiệm bán hàng thành công trên Amazon, bà Hân Nguyễn - đồng sáng lập và là CEO Andre Gift Shop - cho biết, thị trường cho sản phẩm của công ty ở nước ngoài lớn hơn rất nhiều so với ở Việt Nam và doanh số từ Amazon đóng góp khoảng 70% vào doanh số bán hàng trực tuyến của công ty trong năm 2018.
Bán hàng qua kênh TMĐT giúp công ty tiếp cận lượng khách hàng khổng lồ trên toàn thế giới, cũng như tiết kiệm được chi phí bán hàng và tiếp thị. Không chỉ thế, công ty cũng học được nhiều hơn về cách thức vận hành DN chuyên nghiệp thông qua những phản hồi từ khách hàng. Chị Võ Thanh Huyền, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty DH Food (chuyên sản xuất các sản phẩm muối, gia vị, hạt tiêu...), cũng đã gửi đơn đăng ký tham gia ngay khi biết Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Amazon hỗ trợ DN xuất khẩu trực tuyến.
Theo chị Huyền, kênh bán hàng trực tuyến, đặc biệt là những kênh như Amazon hay Alibaba... là những trang tìm kiếm khách hàng nhập khẩu hàng đầu, giúp hỗ trợ DN nhỏ và vừa bán hàng. Công ty đã đưa hàng lên bán trên trang Alibaba từ cuối năm 2018 và ghi nhận những dấu hiệu tích cực khi xuất khẩu được hàng sang Nhật, Mỹ, Anh, Australia...
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, hiện cả nước có gần 700.000 DN, trong đó DN nhỏ và vừa chiếm đến 98%. Mặc dù các DN nhỏ và vừa ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế của Việt Nam, nhưng nhiều DN vẫn đang gặp khó khăn trong việc vươn ra thị trường quốc tế hay việc thiết lập sự hiện diện trên các kênh bán hàng trực tuyến. Khó khăn lớn nhất trong hoạt động bán hàng xuyên biên giới thông qua các kênh TMĐT là khâu logistics quốc tế và việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Bởi chỉ với một lời đánh giá tiêu cực có thể khiến sản phẩm mất uy tín, tuột dốc và mất giá, thậm chí không thể phục hồi.
Để bán hàng thành công trên các kênh TMĐT, DN Việt cần tuân thủ nghiêm ngặt nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm. DN muốn tham gia vào TMĐT xuyên biên giới cần phải quan tâm dịch vụ sau bán hàng. Với lĩnh vực này, thương hiệu được định vị bằng dịch vụ sau bán hàng chứ không chỉ trước bán hàng. Đồng thời, các DN cần nâng cao trình độ ngoại ngữ, khả năng xây dựng thương hiệu để có thể tận dụng tối đa những lợi thế bán hàng.
Bộ Công thương vào cuộc
Theo bà Bùi Thị Thanh An, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), đơn vị đã tìm hiểu, kết nối với Amazon Global Selling (chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon) nhằm hỗ trợ DN Việt Nam tăng cường xuất khẩu sản phẩm qua kênh TMĐT.
Trong năm 2019, Cục Xúc tiến thương mại và Amazon Global Selling dự kiến sẽ tổ chức các chương trình hỗ trợ DN tăng cường năng lực xuất khẩu thông qua bán sản phẩm trên hệ thống bán lẻ trực tuyến Amazon.com, như cung cấp thông tin về cơ hội xuất khẩu, kết nối đến các DN phù hợp và hướng dẫn họ bắt đầu bán hàng trên hệ thống bán lẻ trực tuyến quốc tế…
Với kế hoạch trên, Bộ Công thương kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu lớn, đặc biệt với các sản phẩm như thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giày, sản phẩm tiêu dùng. Với những đặc trưng riêng của các DN và hàng hóa tại Việt Nam, khi kết hợp với hệ thống phân phối TMĐT sẽ giúp được nhiều DN mở rộng kinh doanh ra thị trường quốc tế.
Trao đổi về lĩnh vực này, ông Gijae Song, Giám đốc Phát triển bán hàng toàn cầu của Amazon Global Selling, cũng cho biết thông qua chương trình Amazon Global Selling, nhà bán hàng thuộc nhiều loại hình và quy mô khác nhau có thể trực tiếp tiếp cận hơn 300 triệu tài khoản người mua trên toàn cầu, trong đó có hơn 100 triệu khách hàng Prime (khách hàng thành viên cao cấp) tại nhiều thị trường khác nhau, cũng như hàng triệu đại lý mua hàng sỉ ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Song song đó, Amazon Global Selling cũng có những hỗ trợ của nền tảng TMĐT cho các nhà bán hàng bằng cơ sở hạ tầng logistics hàng đầu cùng những giải pháp xuất khẩu toàn diện, giúp cho việc mở rộng kinh doanh quốc tế trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn thông qua 175 trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên thế giới, hỗ trợ người bán vận chuyển sản phẩm đến người mua tại 185 quốc gia và khu vực.