Cơ hội đón dòng tiền 6.000 tỉ USD
Việt Nam đã tạo niềm tin mạnh mẽ cho các nhà đầu tư về chống dịch bệnh thành công và quay trở lại mở cửa nền kinh tế hiệu quả.
Từ lâu dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đổ vào Việt Nam (VN) được xem là biểu trưng cho sức hấp dẫn của thị trường VN. Nhưng dòng vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp (FII) thông qua đầu tư cổ phần, trái phiếu, cổ phiếu… cũng đem lại nhiều động lực tăng trưởng cho nền kinh tế VN, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.
Cú hích cho thị trường chứng khoán
Một điển hình cho dòng vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp có lẽ phải nhắc đến chuyện tỉ phú Thái Lan đã bỏ gần 5 tỉ USD để mua cổ phần Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Dòng tiền này đã đem lại tác động lan tỏa đến nhiều lĩnh vực nền kinh tế và bản thân Sabeco đã có cuộc tái cấu trúc khá hiệu quả.
Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital, VN đang có nhiều cơ hội thu hút dòng vốn gián tiếp hậu Covid-19. Theo đó, để khôi phục kinh tế sau giai đoạn dịch bệnh, các nước phát triển dự kiến sẽ bơm 6.000 tỉ USD ra thị trường. Số tiền này chắc chắn sẽ chảy vào các thị trường cận biên hay mới nổi để tìm kiếm lợi nhuận đầu tư hấp dẫn.
Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận được nguồn tiền đang được bơm vào các nền kinh tế cũng chú ý nhiều hơn đến thị trường nước ta. Lý do là VN mang lại lợi nhuận lớn hơn so với lựa chọn đầu tư tại quốc gia của họ, nơi mà trái phiếu có lãi suất âm, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn cũng dưới mức 0, lãi từ chia cổ tức chỉ 1%-2%, tức thấp hơn so với VN.
“Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra năm 2008, một khối lượng tiền được bơm vào nền kinh tế và một phần đó chảy vào thị trường chứng khoán toàn cầu. Từ thời điểm đó đến đầu năm 2020, giá cổ phiếu tại Mỹ tăng năm lần, dù lợi nhuận các công ty chỉ tăng hai lần trong giai đoạn này. Điều này minh chứng cho việc dòng tiền có tác động lớn đến cổ phiếu ra sao. Tại VN, chỉ số VN-Index cũng đã tăng đến 50% vào năm 2017. Một trong những nguyên nhân là do Ngân hàng trung ương châu Âu bơm 1.000 tỉ USD ra nền kinh tế và một nửa trong số đó đã rời châu Âu chạy vào các thị trường chứng khoán mới nổi, trong đó có VN” - ông Andy Ho dẫn chứng.
Thực tế, dòng tiền ngoại cũng ảnh hưởng nhiều đến thị trường chứng khoán VN thời gian qua. Khối ngoại đã đẩy mạnh bán ròng trong ba tháng đầu năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 ở giai đoạn căng thẳng nhất. Tuy nhiên, theo Bloomberg, hiện thị trường chứng khoán VN tăng trưởng 31% kể từ mức đáy vào cuối tháng 3/2020, nhờ vào khả năng chống dịch tốt của VN. Thị trường chứng khoán VN đã hoạt động rất tốt so với các thị trường khác tại châu Á. Bằng chứng là chỉ số VN-Index có lúc vượt mốc 900 điểm.
Vốn gián tiếp vẫn còn ngập ngừng trước cửa
Khi tiền đang đổ vào thị trường toàn cầu thì VN cần tìm cách thu hút để hỗ trợ thị trường chứng khoán. Mặt khác, giúp thị trường vốn VN bùng nổ để từ đó tạo lực đẩy cho các công ty Việt có nguồn lực đầu tư công nghệ, nhà máy nhằm tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Nhiều người lần đầu tiên đầu tư chứng khoán
Công ty chứng khoán SSI cho hay trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4/2020 đã có 87.000 tài khoản chứng khoán được mở. Con số này bằng một nửa tổng tài khoản chứng khoán được mở mới trong cả năm 2019. Rất nhiều người là nhà đầu tư lần đầu tiên tham gia thị trường chứng khoán. Tính đến tháng 4/2020 đã có 2,47 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, nhiều năm qua các nhà đầu tư nước ngoài bị “mê hoặc” bởi sức hấp dẫn về triển vọng tăng trưởng và nhiều nhân tố khác tại VN. Song dòng vốn ngoại gián tiếp chưa đổ vào mạnh mẽ vì thiếu các công ty có quy mô lớn, chất lượng và tốc độ tăng trưởng cao. Điều này có thể hóa giải được khi Nhà nước tích cực thoái vốn mạnh mẽ hơn nữa từ các công ty nhà nước đang có tiềm năng tăng trưởng lớn trong các lĩnh vực viễn thông, điện lực, y tế
“Dù ngay cả các công ty nhà nước đã được cổ phần hóa nhưng rất ít số lượng cổ phần giao dịch trên thị trường trong khi nhà đầu tư nước ngoài thích mua khối lượng cổ phần lớn và có tính thanh khoản cao. Tất cả điều này có thể khiến dòng vốn gián tiếp ngập ngừng đứng trước cửa VN mà chưa mạnh dạn đi vào” - ông Hiếu phân tích.
Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital Andy Ho nhấn mạnh để hút dòng vốn gián tiếp nước ngoài thì VN nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong 1-2 năm tới nhằm hấp dẫn nhà đầu tư đổ tiền mua cổ phiếu. Tiếp theo thực hiện các biện pháp giảm lãi tiền vốn huy động trong ngân hàng để khuyến khích nhà đầu tư nội địa chuyển qua mua cổ phiếu và đến lượt nó thu hút nhà đầu tư nước ngoài mua chứng khoán VN.
Ông Andy Ho cũng cho rằng VN cần xem xét nới room nước ngoài (tỉ lệ % cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu) để có thêm dòng vốn ngoại vì hiện chỉ có 82 công ty tăng room ngoại trong số 1.700 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Chính vì vậy, nếu nhà đầu tư nước ngoài muốn mua cổ phiếu thì chỉ còn cách mua lại từ nhà đầu tư nước ngoài trước đó với giá cao hơn 7%-15% so với giá niêm yết hiện hành.
“Khoản chi trả cao này cũng đồng nghĩa gánh khoản lỗ tương ứng. Những điều này đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải cân nhắc các quyết định đầu tư vốn vào VN” - vị chuyên gia của VinaCapital đánh giá.
Lợi nhuận tại Việt Nam hấp dẫn hơn nhiều nước
Quỹ đầu tư VinaCapital dự báo lãi suất ở nhiều nước phát triển có thể ở mức 0% trong vài thập niên tới. Nhiều quỹ hưu trí tại châu Âu và Mỹ thường định vị lãi suất 6%-7%. Điều này có nghĩa lãi suất tại VN đang rất hấp dẫn với họ, đặc biệt được hỗ trợ bởi lạm phát thấp, tỉ giá đồng USD và VN ổn định, không bị giảm lợi nhuận do đồng tiền mất giá.
Do đó, việc hút tiền ngoại vào thị trường trái phiếu VN là không quá khó. Tuy vậy, để thu hút được nguồn vốn này tốt hơn, các công ty Việt cần thực hiện các bước xếp hạng tín dụng được đánh giá bởi các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế lớn như S&P, Moody’s hay Fitch.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH&ĐT, tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào VN trong năm ngoái đạt gần 31,8 tỉ USD. Trong đó riêng vốn gián tiếp lên tới 11,24 tỉ USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 35,4% tổng vốn đăng ký.