Cơ hội mới cho các nhà đầu tư cổ phiếu bất động sản
Ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán để huy động vốn do ngân hàng siết tín dụng, điều này đã hút dòng tiền lớn và mở ra cơ hội đầu tư mới.
Cổ phiếu bất động sản hút nhà đầu tư
TS.Luật sư Bùi Quang Tín - chuyên gia Kinh tế Tài chính thuộc Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho hay, các ngân hàng đang có xu hướng siết chặt tín dụng vào lĩnh vực BĐS, thị trường chứng khoán hiện được xem là kênh tìm vốn hợp lý cho các DN BĐS vì nguồn vốn cho BĐS thường lớn và dài hạn. Từ đây xuất hiện cơ hội đầu tư mới cho các nhà đầu tư.
Từ cuối 2017 đến nay, có khoảng 65 doanh nghiệp BĐS, trong đó có nhiều DN lớn đã chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán như: Công ty CP Vincom Retail (VRE), Công ty CP Đầu tư Văn Phú - invest (VPI), Công ty CP Bất động sản Thế kỷ (CRE) Công ty CP Hưng Thịnh Incons (HTN)…
Theo thông kê, trong 5 năm (giai đoạn năm 2014 - 2018), cổ phiếu hai ngành ngân hàng và BĐS đã đạt mức tăng trưởng 3 con số, trong khi đó VN-Index chỉ dừng ở mức hai con số.
Phân tích về nguồn vốn cũng như tiềm năng và cơ hội đầu tư từ cổ phiếu BĐS, TS.LS Bùi Quang Tín - cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2018, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào bất động sản đã chiếm hơn 1/4 tổng vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam. Với lượng vốn này, bất động sản là lĩnh vực hút vốn ngoại lớn thứ 2, chỉ sau công nghiệp chế biến, chế tạo.
So với cả năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào BĐS chỉ ở mức 3 tỷ USD thì năm 2018, chỉ trong 6 tháng nguồn vốn này đổ vào Việt Nam đã đạt hơn 5,5 tỷ USD. Đáng chú ý, lĩnh vực này cũng bắt đầu xuất hiện những dự án tỷ USD. Trong đó, các dự án bất động sản được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm không chỉ dồn vào các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng như trước đây mà còn phát triển cả các dự án nhà ở và hạ tầng đô thị.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn và thiếu các cơ hội đầu tư an toàn, tiềm năng cao thì kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản (TTBĐS) nói riêng trở thành một trong những điểm đến thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư thế giới nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô tích cực và ổn định.
Ghi nhận trên thị trường, các yếu tố về chính sách và pháp lý đã hỗ trợ rất nhiều trong việc thu hút các nhà đầu tư. TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư, Savills Việt Nam nhìn nhận, thời gian qua, nguồn vốn đổ vào TTBĐS dồi dào, bởi sự gia tăng của các chủ đầu tư nước ngoài và những chính sách vĩ mô phù hợp.
TS. Sử Ngọc Khương dẫn chứng, trong quý 3, GDP của Việt Nam tăng 6,88%, giúp nền kinh tế giữ vững vị trí trong nhưng quốc gia có chỉ số tốt nhất thế giới. Trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch tăng 5,89% và từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành khách sạn nghỉ dưỡng.
Vốn FDI đầu tư vào BĐS có chiều hướng tăng cao
Các chuyên gia kinh tế và BĐS cho rằng, trong năm 2019 và thời gian tới, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục lên kế hoạch với chiến lược đầu tư lâu dài để củng cố vị thế và tối đa hóa giá trị tại TTBĐS Việt Nam thông qua các hoạt động đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp bằng hình thức mua bán sáp nhập (M&A). Đặc biệt, các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài sau khi tích lũy đầy đủ kinh nghiệm, sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam với hy vọng nới rộng biên lợi nhuận.
Đối với chính sách vốn từ thị trường chứng khoán, TS.Bùi Quang Tín tin rằng, vị thế của thị trường tài chính Việt Nam đối với công chúng, nhà đầu tư, hứa hẹn sẽ tác động tích cực lên khả năng hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như cải thiện thanh khoản của thị trường, do mới đây thị trường chứng khoán Việt Nam đã được FTSE Russell - một trong những tổ chức cung cấp chỉ số uy tín toàn cầu chính thức đưa vào danh sách xem xét để nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier) lên thị trường mới nổi hạng hai (Secondary Emerging).
Về xu hướng bất động sản hình thành từ dòng các Quỹ đầu tư ngoại, TS.Bùi Quang Tín cho rằng, nguồn vốn FDI cam kết vào lĩnh vực bất động sản tiếp tục có chiều hướng tăng cao trong thời gian tới và khá đa dạng, từ phát triển nhà ở đến sản xuất công nghiệp, bán lẻ, văn phòng và du lịch.
Xuất hiện xu hướng mở rộng dòng vốn FDI vào các phân khúc nhà ở trung cấp và bình dân. Đơn cử những thương vụ giao dịch được công bố trong 3 năm trở lại đây như: Nhà đầu tư Nhật Bản Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad hợp tác cùng Nam Long, hoặc Sanyo Homes và Tiến Phát, gần đây nhất là liên doanh giữa Mitsubishi Corporation và Phúc Khang.
Phân khúc đầu tư của các liên doanh đa dạng nhắm đến phân khúc căn hộ trung cấp và bình dân. Theo xu hướng này, có rất nhiều nhà đầu tư đang cân nhắc và sẵn sàng tham gia liên doanh, góp vốn với các chủ đầu tư Việt Nam có uy tín tốt.
Dù lạc quan vậy nhưng TS. Sử Ngọc Khương cũng đưa ra lời khuyên cho các DN cần phải thận trọng hơn trong hoạt động kinh doanh BĐS. Bởi hoạt động BĐS luôn tiềm ẩn những rủi ro lớn, nhất là khi điều kiện nguồn cung hạn chế vì thủ tục kéo dài hoặc quỹ đất sạch ngày càng thu nhỏ, hay việc kiểm soát chất lượng sản phẩm sau bàn giao… đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ của thị trường.