Thị trường chứng khoán: Hạn hẹp nguồn cung
Nguồn cung hạn hẹp là một trong những tác nhân quan trọng có thể khiến cổ phiếu (CP) tăng giá mạnh, nhưng kèm theo đó cũng là rất nhiều rủi ro. Vấn đề này đã được nhìn nhận từ khá lâu nhưng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trở lại.
Tiết cung sẽ khó tăng cung
Từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 11, YEG (Yeah1) đã tăng giá từ 20.0 lên đến 30.0, tương ứng với tỷ lệ 50%, suất sinh lời đáng mơ ước ngay cả khi thị trường thuận lợi chứ chưa nói đến việc có nhiều biến động như thời gian qua. Nhưng có bao nhiêu NĐT có thể tận dụng cơ hội từ việc YEG? Câu trả lời có lẽ là không nhiều, nếu không muốn nói là rất ít nếu nhìn vào thanh khoản của CP này.
Trong suốt giai đoạn tăng giá, số phiên YEG có giá trị giao dịch đạt trên 10 tỷ đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại đa phần vài tỷ đồng/phiên. Thanh khoản 1 phiên của YEG thậm chí còn thấp hơn giá trị tài sản hoặc tài khoản của các NĐT VIP, rõ ràng có muốn giải ngân cũng không dễ. Phiên 2-11, khi YEG tăng khá tốt từ 28.0 lên 28.6, KLGD chỉ đạt 370 CP, tương ứng 105 triệu đồng, mức thanh khoản quá thấp.
Tiền lớn khó hút, còn tiền nhỏ thì sao? Câu trả lời có lẽ cũng không khác là mấy vì bỏ ra khoảng 30 triệu để sở hữu 100 CP này thà mua một loạt CP khác có thanh khoản, thương hiệu tốt mà giá chỉ 2.0-3.0, chưa kể còn được sở hữu số lượng tính bằng “ngàn”, tạo cảm giác nhiều.
Nói đến đây ắt hẳn sẽ còn thắc mắc vậy còn ai đầu tư YEG? Tất nhiên có thanh khoản phải có giao dịch, nhưng có lẽ số NĐT YEG nằm ở 2 nhóm chính đó là những người có thể rất hiểu công ty, rất hiểu CP này và cả những người mạo hiểm, tất nhiên cũng rất ít. Giá cao, NĐT nhỏ lẻ ngại mua, thanh khoản lại thấp đã trở thành những trợ lực lý tưởng cho YEG tăng giá.
Thanh khoản thấp có thể từ việc bên bán không ra hàng hoặc bên mua không đặt lệnh hoặc cả 2. Trong trường hợp của YEG, ngay cả khi CP này tăng giá, thanh khoản tăng cũng không đáng kể là bao, điều này có thể khiến đường đi lên của CP thuận lợi.
Có lẽ khi trạng thái “tiết cung” của YEG kết thúc và chuyển sang tăng cung sẽ là những thử thách thực sự cho CP này. Thử làm một phép tính đơn giản, 1% số CP lưu hành của YEG hiện nay là 300.000 CP, trong 10 phiên giao dịch gần nhất thì 15-11 là phiên mà YEG đạt thanh khoản lớn nhất với hơn 30.000 CP được giao dịch khớp lệnh. Nghĩa là để “xả” chỉ 1% cổ phần của YEG hay tương ứng chỉ 300.000 CP, có thể mất đến hàng chục phiên.
Không dễ đẩy, xả
Có nhiều lý do dẫn đến trạng thái tiết cung của CP, chẳng hạn có những doanh nghiệp cơ cấu cổ đông quá cô đặc, đa phần các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ nắm giữ CP với tỷ lệ lớn, không muốn bán ra; cũng có trường hợp doanh nghiệp không đẩy mạnh các hoạt động giao tiếp, quan hệ với NĐT, cổ đông (IR) nên chẳng ai muốn ngó ngàng.
Nhưng các lý do này dù sao cũng “thuận tự nhiên” và khẳng định rõ ràng sự thiếu gắn kết giữa doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp với vấn đề cổ phần, CP. Nhưng còn một nguyên nhân nữa liên quan đến tiết cung thuần túy chỉ mang tính thời điểm đó là “găm hàng” để chờ thời cơ rồi bán.
Lấy đơn cử lên sàn vào ngày 18-10, FIR (First Real) đã có 15 phiên tăng trần liên tục để từ mức giá 1.2 lên đến gần 3.7, tức tăng gần gấp 3 lần trong vòng chưa đầy 1 tháng. Điều rất dễ thấy là trong những phiên trần của FIR, thanh khoản chỉ tầm vài ngàn đến chục ngàn CP. Chẳng hạn phiên 2-11 khi CP này vượt mốc 3.0, KLGD chỉ đạt 16.600 CP, xấp xỉ 500 triệu đồng.
Nhưng nguồn cung của FIR bắt đầu tăng nhanh khi phiên 6-11 có giá 34.400 đồng/CP, có 87.000 CP được giao dịch, đến 7-11 khi lên đến gần 37.000 đồng/CP, thanh khoản lên đến gần 360.000 CP. Sau khi kết thúc chuỗi ngày tăng trần, bắt đầu thanh khoản của FIR mới cải thiện khi các phiên có KLGD tính bằng chục ngàn CP hoặc trăm ngàn CP.
Thực ra hiện tượng này cũng rất bình thường, ngay cả có những CP thuộc vào hàng blue chips cũng có trạng thái tiết cung một số ngày đầu tiên rồi canh giá đỉnh ngắn hạn để xả, ai cũng hướng đến việc bán giá cao nhất. Nhưng đó là câu chuyện của hàng chất lượng cao, sau một đợt ra hàng lại xuất hiện các thông tin hỗ trợ để giúp giá CP tích lũy và chờ đợi thời cơ để xác lập những đỉnh mới. Trạng thái chuyển từ tiết cung sang tăng cung sẽ thuận lợi.
Còn với những doanh nghiệp thiếu nền tảng, việc tiết cung chỉ đơn thuần ém hàng rồi tìm thời cơ để xả xem chừng không dễ dụ được NĐT. FIR sẽ ở trạng thái nào cần thêm thời gian để trả lời, nhưng cũng cần nhìn vào thực lực của công ty này để phán đoán.
Niêm yết tại HOSE, nhưng vốn điều lệ của công ty này chỉ 130 tỷ đồng, tương ứng số lượng CP lưu hành 13 triệu CP, con số thuộc hàng “em út” tại sàn này. Ngành nghề của FIR là bất động sản, kể cả công ty này có đầu tư hay phân phối số vốn chỉ hơn trăm tỷ đồng cũng khá khiêm tốn.
Và cho dù mới đây công ty có báo lãi ròng trong quý gần nhất tăng 7 lần lên 78 tỷ đồng, liệu điều này có lặp lại trong thời gian tới hay không? Nếu có cũng không ai ngạc nhiên. Và trong lịch sử của thị trường, NĐT cũng quá quen với những trường hợp của FIR.