Cơ hội ngắn hạn cho cổ phiếu ngân hàng?
VDSC cho rằng, cổ phiếu ngân hàng có thể được xem là cơ hội tốt khi mùa công bố kết quả kinh doanh quý II diễn ra.
Trong một báo cáo mới ra, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, với những tín hiệu tích cực như khối ngoại có thể đang tạm ngừng bán ròng, dư nợ vay margin đã giảm, cùng tâm lý của nhà đầu tư bắt đầu lạc quan hơn thì một sự phục hồi trong ngắn hạn rất có thể sẽ xảy ra.
Mặc dù vậy, VDSC cũng cho rằng, thị trường sẽ dao động nhiều hơn trong tháng Sáu.
“Điều chỉnh càng sâu, cơ hội phục hồi càng đến gần. Chúng tôi cho rằng nhóm ngân hàng là những ứng cử viên có thể xem xét cho mục tiêu giao dịch ngắn hạn (theo các nhịp dao động của thị trường), khi mà nhóm này đã giảm đến 11% trong tháng Năm và 14% trong tháng Tư”, VDSC nhận định.
Cụ thể, yếu tố hỗ trợ cho nhóm này sẽ đến từ tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng trong năm 2018. Kết quả kinh doanh quý I đã phần nào chỉ báo sớm cho điều này.
Tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế của 14 ngân hàng niêm yết (trên HSX, HNX, Upcom) đạt lần lượt 56,34 nghìn tỷ đồng (tăng 35% so với cùng kỳ) và 20,13 nghìn tỷ đồng (tăng 52% o với cùng kỳ).
Kết quả này tương đương với 23%-27% kế hoạch năm 2018, trong khi quý I thường là mùa thấp điểm của các ngân hàng. Do đó, nhiều khả năng nhiều ngân hàng sẽ sớm đạt được kế hoạch đề ra trước thời điểm kết thúc năm tài chính.
VDSC cho rằng, cổ phiếu ngân hàng có thể được xem là cơ hội tốt khi mùa công bố kết quả kinh doanh quý II diễn ra.
Đối với mục tiêu đầu tư dài hạn hơn, VDSC cho rằng, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn với mức định giá còn tương đối hấp dẫn.
Trong nhóm này, chuyên gia VDSC cho rằng nhà đầu tư có thể xem xét nhóm cổ phiếu thuộc ngành dịch vụ hàng không.
Lý giải điều này, VDSC cho biết, theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ là một trong năm thị trường phát triển nhanh nhất về số lượng hành khách hàng không từ 2016- 2035. Lưu lượng hành khách hàng đạt mức kỷ lục 94 triệu người trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 19,3% trong giai đoạn 2005-2016.
Ngoài ra, du lịch ra quốc tế của người dân Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào thu nhập tăng nhanh, sự bùng nổ của các hãng hàng không giá rẻ.
Để đáp ứng nhu cầu này, nhiều đường bay mới (cả trong nước và quốc tế) đã được mở, tần suất các chuyến bay cũng tăng lên và đội bay của các hãng hàng không trong nước cũng đã tăng mạnh trong thời gian qua.
Chính phủ cũng đã nỗ lực để thúc đẩy ngành du lịch bằng cách miễn thị thực đối với công dân đến từ Anh, Pháp, Đức và một số nước khác gần đây. Điều này dẫn đến hơn 10,9 triệu du khách quốc tế trong nước bằng đường hàng không vào năm 2017, tăng 32% so với năm trước.
Trong quý I năm 2018, du khách nước ngoài đến Việt Nam bằng đường hàng không đạt 3,4 triệu lượt người, tăng 28% so với cùng kỳ.
Theo ước tính của Chính phủ trong quy hoạch tổng thể cho phát triển vận tải hàng không, lưu lượng hành khách hàng không sẽ đạt 131 triệu vào năm 2020 với tốc độ tăng trưởng trung bình 12% mỗi năm trong giai đoạn 2017-2020.
Nhiều dự án mở rộng sân bay đã được lên kế hoạch và thực hiện để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của đi lại bằng đường hàng không. Tổng công suất đáp ứng của các sân bay sẽ tăng lên 144 triệu lượt hành khách mỗi năm vào năm 2020, cũng theo quy hoạch hoạch tổng thể của Chính phủ.
Điều này sẽ tăng khả năng đáp ứng cho các tuyến quốc tế mới đến các thành phố lớn, hiện đang trong tình trạng quá tải.
Theo đó, VDSC cho rằng, hàng không và dịch vụ hàng không sẽ là những ngành được hưởng lợi từ sự tăng trưởng nhanh này.