Cơ hội thu hút FDI

PV.

(Tài chính) Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có những bước chuyển mới. Liệu có cơ hội nào cho Việt Nam trong thu hút FDI?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

FDI hoạt động đầu tư quan trọng trên toàn cầu

FDI là bộ phận của hoạt động đầu tư quan trọng trên toàn cầu. Nhìn vào Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2014 (WIR) của Tổ chức Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) có thể thấy rõ điều này.

Năm 2013, các nền kinh tế đang phát triển vẫn đứng đầu thế giới về lượng vốn FDI chảy vào với số vốn lên đến 778 tỷ USD, chiếm 54% tổng vốn FDI toàn cầu; FDI vào các nước phát triển cũng đã tăng 9%, lên 566 tỷ USD; các nền kinh tế chuyển đổi nhận được 108 tỷ USD vốn FDI. Trong bức tranh này, Mỹ đang đứng đầu về thu hút dòng vốn FDI.

UNCTAD đã dự báo, dòng vốn FDI sẽ tăng lên 1.600 tỷ USD trong năm 2014, trước khi tiếp tục tăng lên 1.700 tỷ USD trong năm tiếp theo và 1.800 tỷ USD vào năm 2016. Trong đó, phần lớn vốn FDI sẽ chảy vào các nước phát triển. Lượng vốn FDI đổ vào một số thị trường mới nổi có thể sẽ giảm do kinh tế phục hồi yếu ớt, chính sách tài chính và chính trị bất ổn…

Cơ hội cho Việt Nam

Theo Báo cáo của UNCTAD, thời điểm trước năm 2012, FDI vào Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng vốn FDI vào các nước đang phát triển. Tuy nhiên, từ năm 2013, thị phần vốn FDI vào Trung Quốc bắt đầu giảm và chuyển sang các nước đang phát triển khác, đặc biệt khối ASEAN.

Một báo cáo mới đây của Nhật Bản cho biết, vốn FDI của Nhật Bản vào Trung Quốc trong nửa đầu năm nay giảm 48,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2013, FDI của Nhật Bản vào Trung Quốc là 9,3 tỷ USD; trong khi đổ vào các nước ASEAN lên tới 22,9 tỷ USD (tăng 2,5 lần so với vào Trung Quốc).

Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội cũng hé mở: Việt Nam đã trở thành quốc gia ưu tiên nhất của nhà đầu tư Nhật. Hiện có 30% doanh nghiệp (DN) Nhật đầu tư ra nước ngoài đang cân nhắc Việt Nam như một lựa chọn hàng đầu. Ngoài ra, 70% DN Nhật đầu tư vào Việt Nam cũng có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong năm nay.

Theo GS. Nguyễn Mại: “Việt Nam không chỉ có công nhân giá rẻ chuyên gia công, mà còn có công nhân công nghệ cao”. Ngoài trường hợp của Samsung, LG, mới đây Intel cũng chuyển nhà máy sản xuất chíp từ Costarica sang Việt Nam; Nokia cũng đang tính chuyện sẽ đặt đại bản doanh sản xuất điện thoại ở Việt Nam…

Theo TS. Tạ Lợi, những lĩnh vực sẽ thu hút nhiều vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam là dệt may, giày dép, điện, điện tử, du lịch… do đây là những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế về lao động giá rẻ hơn Trung Quốc. “Tuy vậy, Nhà nước cần thay đổi tư duy từ quản lý sang tư duy dịch vụ công. Do tư duy quản lý nên chính sách lúc lỏng, lúc chặt, lúc thiếu đồng bộ”, TS. Lợi nói.