Cơ hội thúc đẩy phát triển năng lượng gió tại Việt Nam
Diễn ra trong hai ngày 1 - 2/12/2022 tại Hà Nội, Hội nghị Năng lượng Gió Việt Nam (Vietnam Wind Power) 2022 (VWP22) là diễn đàn quan trọng để bàn thảo các vấn đề cấp bách xung quanh sự phát triển của năng lượng gió tại Việt Nam.
Hội nghị là sự kiện chính thức của ngành điện gió tại Việt Nam do Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) tổ chức từ năm 2018. Đây là năm thứ hai Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội và Cơ quan Thương vụ của Đại sứ quán, Innovation Norway tham gia tổ chức sự kiện này cùng Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC), và các đối tác khác, trong đó có Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện (PECC4).
Tham dự Hội nghị có đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam như: Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Đức, Anh…, cùng các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề liên quan, các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế.
Trong hai ngày, các đại biểu tham dự Hội nghị VWP22 cùng thảo luận nhiều nội dung quan trọng như: Chính sách năng lượng và phát triển điện gió; Vai trò của hợp tác quốc tế đối với phát triển gió tại diễn đàn Việt Nam; Diễn đàn CEO: Quan điểm trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của điện gió Việt Nam; Diễn đàn trên bờ I: Chiến lược và thực tiễn tốt nhất về phát triển chuỗi cung ứng điện gió trên bờ của Việt Nam; Diễn đàn trên bờ II: Chiến lược vận hành và bảo trì trên bờ.
Trong bối cảnh cam kết và ý chí chính trị mạnh mẽ của Việt Nam nhằm giải quyết thách thức từ biến đổi khí hậu, trong đó có cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đã được khẳng định lại trong Bản cập nhật Mức Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam tại COP27 ở Hy Lạp vừa qua, cần phải có sự chuyển đổi về căn bản trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo bao gồm điện gió được đánh giá đóng vai trò trung tâm của quá trình này.
Tại Hội nghị, ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, chỉ ra rằng, thực tiễn phát triển năng lượng, phát triển điện tại Việt Nam thời gian qua đã cho thấy mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, các nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước thiếu hụt và bắt đầu phải nhập khẩu năng lượng.
"Đứng trước các khó khăn về đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng thì việc chú trọng tới chuyển dịch năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững, đáp ứng các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu được xác định là mục tiêu then chốt và xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam” - ông Hùng phát biểu.
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken chia sẻ: “Giống như Việt Nam, Na Uy hiện đang phát triển ngành điện gió ngoài khơi. Chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau bằng việc chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng các chính sách trong nước để tạo điều kiện thúc đẩy tri thức, tiến bộ kỹ thuật và thu hút đầu tư vào điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Huy động tất cả các bên liên quan, từ mọi lĩnh vực kinh tế và khu vực địa lý, tham gia vào quá trình này có thể giúp chúng ta tìm ra hướng đi tốt nhất cho tương lai”. Bà Solbakken tin tưởng, VWP22 là một diễn đàn tuyệt vời để các bên liên quan cùng thảo luận về những thuận lợi, thách thức trong quá trình này.
Bày tỏ vui mừng vì các công ty điện gió hàng đầu của Na Uy đều có mặt và tham gia tích cực vào sự kiện VWP22, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Na Uy, ông Arne-Kjetil Lian cho biết: “Nói đến gió ngoài khơi, Na Uy có thể chia sẻ rất nhiều bài học. Chúng tôi đã và đang tiếp tục đổi mới trong lĩnh vực gió nổi xa bờ, xây dựng một ngành công nghiệp có khả năng mở rộng, chi phí cạnh tranh và thân thiện với thiên nhiên. Na Uy hiện đang vận hành trang trại gió nổi ngoài khơi lớn nhất thế giới, Hywind Tampen. Đây là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành và là kết quả tự nhiên của hàng thập kỷ kinh nghiệm hoạt động ngoài khơi của Na Uy trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và với chuỗi cung ứng tuyệt vời”.
Giám đốc khu vực châu Á của Innovation Norway, ông Ole Henæs nhấn mạnh: “Việt Nam được đánh giá là có nguồn tài nguyên gió tốt nhất Đông Nam Á với đường bờ biển dài, mực nước nông và tốc độ gió ổn định cao”. Theo ông Henæs, để phát huy hết tiềm năng to lớn này, Việt Nam cần có một chuỗi cung ứng địa phương mạnh mẽ, công nghệ và chuyên môn tốt, cùng với một không khổ pháp lý ổn định và thuận lợi.
“Với tốc độ tăng trưởng GDP rất ấn tượng trong hai năm qua, Việt Nam có một tương lai vô cùng hứa hẹn cho ngành điện gió và có nhiều cơ hội để hợp tác kinh doanh. Tổ chức Innovation Norway trong khu vực sẽ cố gắng hết sức để tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác này" – Giám đốc khu vực châu Á của Innovation Norway nêu rõ./.