Thị trường năng lượng toàn cầu có bước ngoặt mới: Mỹ xả thêm 15 triệu thùng dầu
Thông tin trên lập tức khiến giá dầu trên các thị trường toàn cầu giảm rất sâu. Việc xả thêm dự trữ chiến lược từ SPR có thể coi như bước đi quan trọng của phía Mỹ nhằm kiềm chế giá xăng nội địa Mỹ.
Mỹ có kế hoạch xả thêm hàng triệu thùng dầu từ Dự trữ Chiến lược Quốc gia (SPR) trong tháng 12/2022 nhằm bổ sung cho nguồn cung toàn cầu trong mùa đông, theo quan chức Nhà Trắng công bố vào ngày thứ Ba.
Việc xả thêm dự trữ chiến lược từ dự trữ chiến lược có thể coi như bước đi quan trọng của phía Mỹ nhằm kiềm chế giá xăng nội địa Mỹ và bình ổn giá năng lượng trên khắp thế giới. Động thái mới nhất được đưa ra chỉ 3 tuần trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ và trong bối cảnh nỗi lo về lạm phát sẽ có thể trở nên tệ hại hơn khi mùa đông đến và căng thẳng Nga – Ukraine leo thang.
Các quan chức Mỹ công bố nước này sẽ xả thêm ước tính 15 triệu thùng dầu từ dự trữ vào tháng 12/2022, trước đó Mỹ đã cung cấp thêm cho thị trường thế giới 180 triệu thùng dầu theo quyết định của ông Biden.
Đợt bán thêm dầu ra thị trường thế giới của Mỹ lần này được coi như biện pháp hỗ trợ trong lúc chờ sản xuất dầu tại Mỹ tăng trưởng về quy mô, tuy nhiên các quan chức Nhà Trắng vào ngày thứ Ba công bố rằng ông Biden sẵn sàng cung cấp thêm dầu trong mùa đông năm nay nếu cần thiết.
Theo các quan chức Nhà Trắng, họ sẽ mua bù vào dự trữ này khi mà giá dầu thế giới xuống ngưỡng từ 67 đến 72USD/thùng, hiện tại giá dầu đang giao dịch quanh ngưỡng khoảng 90USD/thùng.
Chính quyền Biden dự kiến sẽ công bố kế hoạch cung cấp thêm dầu ra thị trường thế giới vào ngày thứ Tư. Giới chức cũng công bố sẽ kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh dầu không tăng giá, không đẩy phần chi phí leo thang về phía người tiêu dùng.
Trong mùa hè vừa qua, giá xăng tại Mỹ đã hạ nhiệt nhờ vào biện pháp bán dầu từ Dự trữ Chiến lược Quốc gia (SPR) và những lo lắng về suy thoái kinh tế lớn dần. Những tuần gần đây, giá xăng dầu lại tăng trở lại sau khi nhóm các nước liên minh sản xuất năng lượng dẫn đầu bởi Saudi Arabia quyết định thu hẹp nguồn cung xăng dầu trên thị trường ước tính khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày nhằm nâng giá dầu.
Động thái của nhóm các nước thuộc liên minh trên đã khiến cho ông Biden tức giận, bản thân ông Biden tuyên bố chắc chắn sẽ có những hậu quả cho quyết định của Saudi Arabia.
Những tuần gần đây, Nhà Trắng đã đối diện với nhiều chỉ trích từ chính trị gia Đảng Cộng hòa về việc sử dụng quá nhiều dự trữ chiến lược trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ dù rằng bản thân các chính trị gia Đảng Cộng hòa đã coi đây như tâm điểm của chiến dịch vận động tranh cử.
“Việc rút đi nguồn cung khẩn cấp của chúng tôi cho thấy tầm nhìn thiển cận và nguy hiểm, nó đe dọa đến an ninh năng lượng khi mà nguồn cung toàn cầu còn đang đối diện nhiều bất ổn”, thượng nghị sỹ Jerry Moran bang Kansas nói vào tuần trước.
Chính quyền Biden đã bảo vệ quyết định mới nhất, họ khẳng định rằng tất cả người Mỹ hưởng lợi từ giá xăng dầu thấp và rằng giá năng lượng trên khắp thế giới hiện đang quá cao bởi căng thẳng Nga – Ukraine.
Thư ký báo chí Nhà Trắng – bà Karine Jean-Pierre vào ngày thứ Ba nói: “Đã nhiều tháng qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói đến việc ông cam kết làm những gì có thể để ngăn giá năng lượng tăng quá cao. Tổng thống đã làm tất cả những gì có thể”.
Giá dầu giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba bởi nỗi sợ nguồn cung Mỹ gia tăng và việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chững lại ảnh hưởng xấu đến nhu cầu nhiên liệu Trung Quốc.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tháng 12/2022 hạ 1,59USD/thùng tương đương 1,7% xuống 90,03USD/thùng trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm 2,64USD/thùng tương đương 3,1% xuống 82,82USD/thùng.
Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, mới đây đã công bố hoãn vô thời hạn việc công bố các chỉ số kinh tế quan trọng lẽ ra đã đến lịch công bố vào ngày thứ Ba, như vậy thị trường hiểu rằng nhu cầu năng lượng sẽ vẫn ở mức thấp trong khu vực.
Chuyên gia tại quỹ Again Capital LLC ở New York, ông John Kilduff, nhận xét: “Thực sự là dấu hiệu không tốt khi mà Trung Quốc quyết định không công bố các số liệu kinh tế”.