Doanh nghiệp năng lượng tái tạo cần gửi thông số để xây dựng khung giá
Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 03/10/2022 quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Để có sự chính xác, thu thập được đầy đủ các số liệu và tính toán được các con số phù hợp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần có đầy đủ thông số của các nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật của nhà máy điện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Cần sớm có cơ chế, chính sách về giá
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn, từ khi cơ quan quản lý ban hành biểu giá ưu đãi (FIT) để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, tại Việt Nam đã có sự bùng nổ các dự án đầu tư điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, thực tế việc đầu tư chưa thật sự bền vững. Nhiều nhà đầu tư chạy theo trào lưu “lướt sóng” nên chưa lường hết được những khó khăn, rủi ro trong quá trình triển khai xây dựng.
Cùng với đó, cũng có nhiều cơ chế, chính sách vẫn chưa theo kịp với thực tiễn. Do đó, khi kết thúc thời hạn giá FIT, vẫn còn các dự án điện gió, điện mặt trời trong giai đoạn chuyển tiếp đang phải chờ để xác định giá bán điện.
Vừa qua, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Tuy nhiên, để có thể tính toán chính xác, thu thập được đầy đủ các số liệu và tính toán được các con số phù hợp cũng cần có thời gian và chưa rõ kết quả tham chiếu về mức giá cao nhất có đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư hay không.
Theo đó, trong khi chờ các cơ chế, chính sách mới, các nhà đầu tư nên cân nhắc việc tham gia thị trường điện bởi các quy định, hướng dẫn để các dự án năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời tham gia vào thị trường điện đã có đầy đủ. Theo báo cáo của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, hiện mức giá trần của thị trường điện ở mức khoảng 1.600 đồng/kWh. Nếu so sánh với giá FIT, đây cũng là mức giá có thể chấp nhận được đối với nhà đầu tư.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư có các dự án năng lượng tái tạo bị chậm giá FIT tránh được sự lãng phí, cũng như tạo hành lang pháp lý cho EVN huy động và ghi nhận các sản lượng đã đi vào vận hành, đòi hỏi phải có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Cụ thể, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp cần đưa ra các hướng dẫn chi tiết; sớm tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách về giá đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Có như vậy, mới tháo gỡ được các vướng mắc hiện nay.
Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ công việc
Tại cuộc họp với các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo về triển khai tính toán khung giá phát điện cho các nhà máy điện gió và mặt trời chuyển tiếp do Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp tổ chức mới đây, lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực và EVN đã giải thích cụ thể với các chủ đầu tư về những thông tin, tài liệu cần cung cấp theo quy định tại Thông tư số 15/2022/TT-BCT/2022 về quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Đồng thời, trao đổi thảo luận về trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện năng lượng tái tạo.
Theo nội dung Thông tư số 15/2022/TT-BCT/2022, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Thông tư có hiệu lực (từ 25/11/2022), chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời mặt đất, nhà máy điện mặt trời nổi đã ký hợp đồng mua bán điện trước ngày 1/1/2021 và các nhà máy điện gió trong đất liền, nhà máy điện gió trên biển đã ký hợp đồng mua bán điện trước ngày 1/11/2021, có trách nhiệm cung cấp báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc thiết kế kỹ thuật cho EVN.
Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Cục Điều tiết Điện lực và EVN đang rất nỗ lực đẩy nhanh tiến độ công việc theo Thông tư số 15/2022/TT-BCT/2022. Để xây dựng khung giá, EVN cần có đầy đủ thông số của các nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật của nhà máy điện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Công ty Mua bán điện (EVNEPTC), đơn vị thừa ủy quyền của EVN đã gửi văn bản khẩn số 7135 ngày 12/10 đến 293 đơn vị/dự án đã ký hợp đồng với EVN đề nghị cung cấp sớm các số liệu với mong muốn nhận được thông tin từ các chủ đầu tư chậm nhất ngày vào 21/10. Song, tới sáng 21/10, EVNEPTC mới nhận được thông tin từ 59 đơn vị/dự án gửi về. Qua đánh giá sơ bộ, một số đơn vị/dự án gửi vẫn thiếu, hoặc chưa đầy đủ thông tin theo đề nghị.
Theo đó, ông Nguyễn Anh Tuấn đề nghị, các chủ đầu tư tích cực hợp tác, sớm cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết cho EVN tổng hợp và xây dựng khung giá trình Cục Điều tiết Điện lực thẩm định, để Bộ Công thương ban hành.
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cũng đã đề nghị các chủ đầu tư hợp tác cung cấp thông tin trong ngày 21/10. Theo đó, EVN sẽ nỗ lực xử lý thông tin nhanh nhất có thể để khẩn trương xây dựng khung giá phát điện, kịp thời báo cáo Bộ Công thương.