Cơ hội từ 3 động lực tăng trưởng trong năm 2024


3 động lực tăng trưởng được Chính phủ xác định trong năm 2024 là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, 3 động lực này đang tạo ra những cơ hội tăng trưởng tích cực.

Hội nhập kinh tế quốc tế mở ra cơ hội cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Hội nhập kinh tế quốc tế mở ra cơ hội cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% trong năm 2024, Chính phủ xác định định hướng trọng tâm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng tiếp tục tập trung vào 3 động lực là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh những khó khăn, thách thức mà 3 động lực tăng trưởng trên đang phải đối mặt như: Tình hình kinh tế, chính trị thế giới được dự báo diễn biến khó lường, điều này sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng của Việt Nam. 3 động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024 cũng có những thuận lợi nhất định.

Cụ thể, chia sẻ với báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và những thành tựu đối ngoại, ngoại giao kinh tế đạt được qua nhiều nhiệm kỳ, đặc biệt nhất là năm 2023, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước G20… Điều này mở ra cơ hội mới, thời cơ, thuận lợi mới để tăng cường hợp tác, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực tài chính xanh, công nghệ… phục vụ phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, năm vừa qua, nền kinh tế Việt Nam có xu hướng phục hồi qua từng tháng, từng quý; tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 5,05%, thuộc nhóm các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất khu vực và toàn cầu, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Những kết quả này đã được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp lớn toàn cầu, tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá cao. Kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2023 cũng tạo đà để Việt Nam thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trong năm 2024.

Một lợi thế nữa tác động đến tăng trưởng GDP của Việt Nam đó là, các yếu tố nền tảng về thể chế, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… tiếp tục được cải thiện, đạt nhiều kết quả rõ nét, nhất là việc Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp đầu năm 2024. Đặc biệt, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc đã cơ bản hoàn thành các quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh; đưa vào khai thác nhiều dự án, công trình kết cấu hạ tầng chiến lược, quan trọng, nhất là các tuyến đường cao tốc, ven biển, liên vùng… mở ra không gian phát triển mới cho cả nước, vùng và từng địa phương.

Nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là pháp lý của doanh nghiệp, dự án đầu tư, đầu tư công, ngân sách nhà nước, xây dựng, đấu thầu… đã và đang được tập trung tháo gỡ, đạt kết quả rõ nét. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh, điều này sẽ tạo đà xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.

Trước đó, tại một cuộc họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng đánh giá, 3 động lực tăng trưởng gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều có cơ hội tăng trưởng tốt trong năm 2024. Cụ thể, về xuất khẩu, Việt Nam có đà phục hồi tốt, dần lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu.

Đối với tiêu dùng, hiện tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tiệm cận mức 2 con số, cũng là tín hiệu tích cực. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 vừa qua ước đạt 524.100 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong lĩnh vực đầu tư, bao gồm đầu tư nhà nước, đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân, cơ hội trong năm 2024 là khá tốt, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài, do các kết quả của ngoại giao kinh tế năm 2023 đem lại, đặc biệt là đầu tư trong lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, bán dẫn... Thực tế cũng cho thấy, 2 tháng đầu năm 2024, thu hút FDI của Việt Nam đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong khi đó, về đầu tư tư nhân, theo TS, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình – Giám đốc Economica Việt Nam: Đây sẽ là một yếu tố có tính đột phá để Việt Nam có được tốc độ tăng trưởng GDP tốt trong năm 2024.

Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 3423,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm trước, trong đó khu vực nhà nước tăng 14,6%, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 5,4%. Tuy nhiên, đầu tư của khu vực tư nhân chỉ tăng 2,7%, thấp nhất trong những năm gần đây, việc tăng thấp của đầu tư tư nhân trong năm 2023 sẽ có dư địa để cải thiện trong năm 2024 và tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Bà Dorsati Madani - Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới: Để tạo động lực cho xuất khẩu, Việt Nam nên cố gắng đa dạng hóa thị trường, xuất khẩu càng nhiều càng tốt để không chỉ tập trung vào 3 thị trường lớn như hiện nay là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc. Cụ thể, Việt Nam có thể mở rộng thị trường xuất khẩu nhiều hơn sang các nước ASEAN, Nam Á, châu Mỹ Latinh… Tất cả sẽ tạo ra khả năng phục hồi mới cho nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2024.

Theo Báo Công Thương