Cơ hội và giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam

ThS. Nguyễn Hồng Hạnh - Học viện Hành chính Quốc gia (Bộ Nội vụ)

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán là một nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng ổn định, bền vững, công khai, minh bạch của thị trường. Để đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài, một trong những yết tố then chốt là nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, đây cũng chính là mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới. Dự thảo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, đến năm 2030, Bộ Tài chính đề ra mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi trước năm 2025. Việc thực hiện các mục tiêu trên sẽ là cơ hội và cũng là thách thức đối với thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thị trường mới nổi, tiêu chí đánh giá

Hiện nay trên thế giới, các thị trường tài chính xếp 3 nhóm: Cao nhất là thị trường phát triển, tiếp đến là thị trường mới nổi, và thấp nhất là thị trường cận biên. Có 3 tổ chức lớn về xếp hạng thị trường bao gồm Công ty tài chính uy tín của Mỹ (MSCI), tổ chức tài chính của Anh chuyên cung cấp các dịch vụ chỉ số cho thị trường tài chính toàn cầu (FTSE Russell), nhà cung cấp hàng đầu các chỉ số và nguồn dữ liệu xếp hạng tín dụng độc lập (S&P Dow Jones).

Theo tiêu chuẩn của cả 3 tổ chức xếp hạng, Việt Nam đang được xếp vào nhóm thị trường cận biên. Ngân hàng Thế giới (WB) và FTSE Russell đã làm việc, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình nâng hạng và gần nhất vào tháng/2022 Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ký văn bản hợp tác với Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) về việc hỗ trợ nâng hạng.

Theo tiêu chí của MSCI và FTSE, Việt Nam đang ở thị trường cận biên đã đáp ứng một số các tiêu chí phân loại thị trường mới nổi tuy nhiên vẫn còn nhiều điều kiện cần thay đổi để đáp ứng. Cụ thể, theo các báo cáo đánh giá gần nhất của MSCI và FTSE, Việt Nam còn thiếu nhiều tiêu chí và cần phải cải thiện để sớm được nâng hạng thị trường.

Một số vấn đề chính cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện, điều chỉnh bao gồm: (1) Thành lập trung tâm thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) – điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường; (2) Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng; (3) Hoàn thiện cơ chế, chính sách; (4) Vấn đề liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài; (5) Tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư và (6) Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát.

Nhìn chung, Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được phần lớn các tiêu chí của FTSE (7/9 tiêu chí) đối với xếp hạng thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary Emerging). Tuy nhiên, đối với tiêu chí nâng hạng của MSCI mới đáp ứng 8/17 tiêu chí (tiêu chuẩn xếp hạng của MSCI khắt khe và không linh hoạt bằng việc phân loại của FTSE Russell).

Cơ hội đối với thị trường chứng khoán Việt Nam khi nâng hạng

Nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi theo tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế là một trong 6 mục tiêu trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Giai đoạn 2021-2030 được đánh giá có nhiều thuận lợi và đi kèm đó là nhiều thách thức để có thể hoàn thành 6 mục tiêu đã đề ra đối với TTCK, trong đó, chứng khoán Việt Nam được hỗ trợ từ tình hình kinh tế vĩ mô ổn định khi nền kinh tế Việt Nam giữ vững tốc độ tăng trưởng, triển vọng phát triển của nền kinh tế trong trung và dài hạn khả quan. Việt Nam cũng đã hội nhập sâu rộng vào thị trường tài chính quốc tế, tiến gần hơn các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Khung pháp lý cho TTCK cũng ngày càng được hoàn thiện.

Bên cạnh đó, tiềm năng phát triển của TTCK cũng là yếu tố thuận lợi cho việc nâng hạng thị trường. Các nhà đầu tư ngày càng quan tâm sâu rộng đến thị trường. Hiện TTCK đã triển khai sản phẩm phái sinh, và đang trong quá trình hoàn thiện cấu trúc TTCK. Về tổ chức hoạt động, thị trường đã thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, chuyển đổi từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam sang Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Trong những năm gần đây, quy mô thị trường, số lượng nhà đầu tư tăng trưởng vượt bậc và đã đạt mục tiêu của Chính phủ định hướng đến năm 2025. Thị trường đang trong giai đoạn chuyển biến mạnh về quy mô nhưng cần cải thiện về chất lượng để hướng tới phát triển bền vững.

Trong trường hợp Việt Nam được các tổ chức FTSE, MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung sẽ được hưởng lợi ở nhiều khía cạnh như tăng cường tính hội nhập toàn cầu, nâng tầm TTCK Việt Nam và vị thế quốc gia.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng. Đồng thời, TTCK Việt Nam tăng cường tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và đón nhận dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư trên thế giới. Dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ mở, quỹ ETF – tham chiếu theo các bộ chỉ số của MSCI và FTSE được kỳ vọng sẽ “đổ” vào TTCK Việt Nam với quy mô lớn.

Việc nâng hạng thị trường sẽ giúp thu hút một khối lượng vốn đáng kể từ các quỹ đầu tư thụ động, đặc biệt khi hình thức đầu tư này ngày càng phổ biến hơn trên thế giới. Dòng vốn mới ước tính có giá trị khoảng 1 tỷ USD có thể là lực đẩy mới đối với TTCK Việt Nam. Mặt khác, quá trình nâng hạng sẽ giúp cải thiện nhiều điều kiện về môi trường đầu tư, đưa TTCK Việt Nam phát triển về chất và tiến gần hơn tới các chuẩn mực quốc tế, về lâu dài sẽ có lợi cho tất cả các nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp niêm yết. Từ đó, nhà đầu tư sẽ có cơ hội đạt lợi nhuận cao khi giá trị các doanh nghiệp tăng.

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Ngân hàng đầu tư và phát triển (BSC), trong trường hợp nếu MSCI và FTSE nâng hạng Việt Nam lên TTCK mới nổi sẽ có khoảng 3,5 - 4 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam.

Đề xuất một số giải pháp

Tương tự nhiều TTCK trên thế giới, TTCK Việt Nam đối diện thách thức lớn từ sự bất ổn của các nền kinh tế thế giới. Các cấu phần thị trường tài chính Việt Nam vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ. Ngoài ra, tác động tiêu cực của các kết nối xuyên biên giới đã hình thành các kênh đầu tư không chính thức, tạo áp lực trong đổi mới và công tác quản lý, giám sát liên thị trường và làm chậm tiến trình nâng hạng thị trường.

Mặc dù, việc nâng hạng phụ thuộc lớn vào quyết định của các tổ chức xếp hạng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhấn mạnh cơ quan quản lý đang nỗ lực cao nhất phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, tổ chức liên quan để chủ động tháo gỡ các vướng mắc theo các tiêu chí chung mà các MSCI, FTSE Russell đề ra, hỗ trợ TTCK Việt Nam sớm được nâng hạng.

Thứ nhất, tiếp tục tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách phát triển thị trường. Cụ thể, rà soát, nghiên cứu các quy định pháp lý và các cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo phù hợp với thực tế phát triển của TTCK và thông lệ quốc tế, đáp ứng các yêu cầu để từng bước đặt được các tiêu chí đánh giá nâng hạng.

Trong năm 2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách phát triển thị trường. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ rà soát, nghiên cứu các quy định pháp lý và các cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo phù hợp với thực tế phát triển của TTCK hiện nay và trong thời gian tới.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện, vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới cho TTCK; từ đó có nền tảng hạ tầng để phát triển, đa dạng hóa và gia tăng chất lượng các sản phẩm trên TTCK để thu hút nhà đầu tư nước ngoài và cơ sở hạ tầng liên quan. Bên cạnh đó, độ mở của TTCK Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài còn thấp, quyền lợi nhà đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng khi các văn bản thiếu song ngữ. Nếu muốn nâng hạng lên thị trường mới nổi, thì các Sở Giao dịch Chứng khoán cần sớm thực hiện công bố thông tin bằng hình thức song ngữ.

Thứ ba, tăng cường quản trị công ty, công bố thông tin về môi trường - xã hội - quản trị (ESG) để gia tăng chất lượng cổ phiếu; nghiên cứu phát triển các sản phẩm liên quan đến nội dung xanh và phát triển bền vững.

Nguyên tắc công bố thông tin trên TTCK là thông tin phải được công bố đầy đủ và chính xác; kịp thời và liên tục; đồng thời đảm bảo công bằng đối với các đối tượng nhận; quy trách nhiệm đối với bên công bố thông tin. Chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn đang thấp hơn so với thông lệ quốc tế. Do vậy, việc nâng cao chất lượng công bố thông tin trong thời gian tới cần tiếp tục là một trọng tâm của TTCK và cũng là một nhân tố ảnh hưởng đến tiến trình nâng hạng của thị trường.

Thứ tư, tăng cường công tác giám sát, thanh kiểm tra, xử lý các vi phạm nhằm tăng cường kỷ luật trên thị trường; Triển khai và hoàn thành công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ năm 2023; Tăng cường giám sát việc tuân thủ pháp luật của các thành viên thị trường hướng đến sự phát triển TTCK minh bạch và bền vững. Các quy định pháp lý luôn được cập nhật nhằm bắt kịp với xu hướng phát triển thị trường. Trong thời gian qua, nhiều hoạt động thao túng, làm giá đã bị ngăn chặn và xử lý trả lại sự công bằng cho nhà đầu tư, giúp bình ổn và đưa TTCK về quỹ đạo phát triển bền vững hơn. Nhằm đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư, cơ quan quản lý tiếp tục đẩy mạnh hoạt động điều hành, giám sát, thanh kiểm tra hoạt động giao dịch trên thị trường.

Mặc dù, khung pháp lý về giám sát giao dịch và giám sát tuân thủ đã được hoàn thiện đáng kể so với những năm trước đây và tiệm cận với nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, mô hình giám sát TTCK nhiều cấp đòi hỏi các định chế trung gian phải tích cực tham gia vào quá trình giám sát giao dịch trên thị trường. Đồng thời, các công ty chứng khoán cũng phải thiết lập hệ thống giám sát đặt lệnh như một bộ lọc để giám sát và phát hiện những hành vi bất thường của nhà đầu tư ngay từ khi đặt lệnh. Bên cạnh các hoạt động giám sát giao dịch, Sở giao dịch chứng khoán cũng thực hiện vai trò giám sát đối với hệ thống giám sát của các công ty chứng khoán. Cần gấp rút hoàn thiện mô hình giám sát 3 cấp theo Luật Chứng khoán 2019, tăng cường thực hiện phối hợp với các định chế trung gian, tổ chức phụ trợ thực hiện giám sát TTCK

TTCK Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng theo yêu cầu của các tổ chức xếp hạng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiêu chí cần có quyết tâm chung, sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn giúp thị trường sớm được nâng hạng trong thời gian tới.

Nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn vàng phát triển, khi tăng trưởng GDP đạt mức cao, lạm phát kiểm soát ở mức thấp so với thế giới, tình hình sản xuất - kinh doanh, khả năng sinh lời của doanh nghiệp niêm yết cũng tương đối khả quan (lợi nhuận trước thuế của 200 doanh nghiệp lớn nhất trên TTCK Việt Nam trong năm 2022 tăng khoảng 20% so với cùng kỳ). Ngoài ra, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam hiện đang ở mức 11,3 và được đánh giá ở mức hấp dẫn, thấp hơn so với hầu hết các thị trường khác trên thế giới.

Tất cả những yếu tố trên cho thấy, tiềm năng phát triển của TTCK Việt Nam trong trung và dài hạn. Việc nâng hạng thị trường là điều kiện quan trọng để thị trường phát triển trong thời gian tới. Bên cạnh uy tín quốc gia được củng cố, sự quan tâm của khối ngoại sẽ lớn hơn nhiều so với trước đây. Điều này tạo cơ hội để các doanh nghiệp trong nước có thêm cơ hội tiếp xúc với các quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế, các quỹ ETF có nhu cầu đầu tư tại Việt Nam thông qua hoạt động bán vốn, hợp tác đầu tư…

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2019), Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14;
  2. Chính phủ (2020), Nghị định số 128/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán;
  3. Chính phủ (2017), Nghị định số 122/2017/NĐ-CP quy định đặc thù về cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số; Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam;
  4. Chính phủ (2021), Nghị định số 59/2021/NĐ-CP quy định về nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 7