Cơ hội với cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao
Thị giá của nhiều cổ phiếu lớn đã về mức giá của cuối năm 2017, đầu 2018, thời gian trước khi thị trường chứng khoán Việt Nam thăng hoa. Nhà đầu tư có thể tìm cơ hội với các mã trả cổ tức cao trong khi chờ giai đoạn phục hồi.
Sau hơn 2 tuần kể từ đầu tháng 3, chứng khoán Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn giảm mạnh vì tác động của dịch Covid-19 cũng như cộng hưởng từ các thị trường khu vực và thế giới. Chỉ trong tuần trước, VN-Index mất 15%, tương đương 130 điểm, giảm về 761 điểm. Giá trị vốn hóa thị trường “bốc hơi” 612.800 tỷ đồng (hơn 26 tỷ USD). Riêng ngày 9/3, VN-Index mất gần 5,9%, phiên giảm mạnh nhất từ năm 2001.
Theo Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng, nguyên nhân dẫn đến diễn biến trên là tác động kép từ các dòng tin tiêu cực gồm diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Việt Nam, bất đồng giữa OPEC và các đồng minh, cùng những lo ngại về suy giảm kinh tế Mỹ và toàn cầu.
Trên thị trường, hàng loạt cổ phiếu đã trở về thị giá tương đương thời điểm cuối 2017, đầu năm 2018, tức là trước giai đoạn thăng hoa của chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng có thể là cơ hội để nhà đầu tư nắm bắt, đầu tư dài hạn vào những cổ phiếu giá trị, cổ tức cao trong khi chờ thị trường hồi phục.
Trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều cổ phiếu vẫn có tỷ suất cổ tức (giá trị cổ tức bằng tiền trên mỗi cổ phiếu/thị giá) cao, ngang và trên lãi suất gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng lớn. Chỉ trong VN30 - nhóm cổ phiếu có vốn hóa và thanh khoản tốt nhất trên thị trường, có thể tìm thấy nhiều mã như PLX, POW, CTD, REE, VNM… đều có tỷ suất cổ tức trên 5% (tính theo giá ngày 17/3).
Với mức chi trả vừa được công bố đầu tuần này là 30% cho năm 2019, PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) đang được đánh giá là mã chứng khoán có tỷ suất cổ tức cao nhất trong nhóm VN30. Tính theo giá ngày 17/3, tỷ suất cổ tức bằng tiền của Petrolimex đạt gần 7,7%, cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm phổ biến tại các ngân hàng hiện nay (khoảng 6-7,5%/năm). |
Doanh nghiệp công bố sẽ tạm ứng 20%, chốt quyền nhận cổ tức và thực hiện chi trả lần lượt vào ngày 31/3 và 27/4. Phần cổ tức còn lại với tỷ lệ 10% sẽ được thực hiện sau thời điểm kết thúc Đại hội đồng cổ đông thường niên. Petrolimex là doanh nghiệp duy trì chính sách cổ tức bằng tiền mặt cao cho các cổ đông. Năm 2018, tỷ lệ chi trả là 26%, 2 năm trước đó lần lượt là 30% và 32,24%.
POW của Tổng CTCP Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (HoSE: POW) cũng là một trong những cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao ở thời điểm hiện nay, sau Petrolimex trong VN30. Doanh nghiệp dự định chia cổ tức 2019 tỷ lệ 6%. Nếu chi trả bằng tiền, tỷ suất cổ tức đạt 6,78%.
CTD của Coteccons (HoSE: CTD) cũng có thể là một lựa chọn của nhà đầu tư với tỷ suất cổ tức bằng tiền ở mức 5,48% hoặc REE của Cơ Điện Lạnh (HoSE: REE) với 5,35%. Năm 2019, 2 doanh nghiệp này dự kiến trả cổ tức lần lượt tỷ lệ 30% và 16% bằng tiền mặt và có thể tiếp tục duy trì con số này trong 2020.
Năm trước, Coteccons ghi nhận lãi sau thuế 710 tỷ đồng, giảm 53% so với 2018. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 1.029 tỷ đồng. Trong khi đó, Cơ điện Lạnh báo lãi 1.638 tỷ đồng, giảm 8% và có khoản lãi lũy kế chưa phân phối hơn 6.005 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp khác chia cổ tức cao trong nhóm VN30 có thể điểm tới như Vinamilk (HoSE: VNM) cổ tức tỷ lệ 30% bằng tiền; PV GAS (HoSE: GAS) cổ tức tỷ lệ 30%, FPT (HoSE: FPT) tỷ lệ 20%...