Dòng cổ tức cuối năm có là cơ hội?

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Khi những ngày cuối cùng của năm 2019 đang cận kề, hàng loạt doanh nghiệp đã công bố thông tin về việc chốt danh sách cổ đông để chi trả khoản cổ tức đã “hứa” từ Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) hồi đầu năm. Đây được xem là “mùa làm ăn” của các nhà đầu tư theo trường phái “ăn theo cổ tức”, thế nhưng “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp mỗi năm không hề giống nhau.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mới đây, giới đầu tư chứng khoán xôn xao về thông tin một doanh nghiệp (DN) bia “còi” chi trả mức cổ tức bằng tiền mặt “khủng” là CTCP Bia Hà Nội- Hải Dương (mã: HAD) với tỷ lệ lên tới 54,5%, nâng tổng mức chi trả cổ tức trong năm 2018 lên tới 219,5%.

“Mưa” cổ tức tiền mặt

Đây là đợt chi trả cổ tức theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Bia Hà Nội- Hải Dương thông qua.

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm nguồn quỹ đầu tư phát triển và tăng khoản phải trả cho cổ đông số tiền 81,8 tỷ đồng. Công ty chi trả làm 3 đợt, đợt 1 tỷ lệ 80% (đã chi trong năm 2018), đợt 2 tỷ lệ 70% (đã chi trong năm 2019) và đợt 3 này tỷ lệ 54,5%. Tổng cộng cả 3 đợt, cổ đông công ty nhận được khoản cổ tức đặc biệt hơn 20.000 đồng/cp.

CTCP Nhựa Bình Minh (mã: BMP) vừa có thông báo tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt đợt 1/2019 với tỷ lệ 20% (tương đương mỗi cổ phiếu nhận được 2.000 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng là 5/12, ngày chi trả là 20/12.

Với gần 82 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Nhựa Bình Minh dự kiến phải chi ra số tiền là 163,7 tỷ đồng để trả cổ tức.

Tương tự, HĐQT CTCP Pin Ắc quy Miền Nam (Pinaco, mã: PAC) đã thông qua việc chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt, tỷ lệ 15%. Thời gian chi trả dự kiến vào ngày 25/12. Với 46,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Pinaco dự chi 70 tỷ đồng để trả cổ tức.

Cuối tháng 11 vừa qua, HĐQT CTCP Bột giặt LIX (mã: LIX) quyết định tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2019 cho cổ đông bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%. Ngày 13/12 là ngày chốt danh sách cổ đông, ngày chi trả là 30/12.

Với khối lượng 32,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến Bột giặt LIX sẽ chi khoảng 81 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. So với năm 2018, LIX đã giảm mức chi trả cổ tức xuống 5%.

Ngày 6/12 tới là ngày giao dịch không hưởng quyền để CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã: NTC) chốt danh sách cổ đông thực hiện việc chi tạm ứng cổ tức năm 2019 bằng tiền tỷ lệ 50%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 5.000 đồng. Thời gian thanh toán 25/12/2019.

Cổ đông CTCP May Sông Hồng (mã: MSH) cũng chuẩn bị đón nhận niềm vui cuối năm khi công ty quyết định chi trả mức cổ tức tiền mặt lên tới 45%, ngày chốt danh sách cổ đông là 12/12 và ngày thanh toán là 26/12.

Các DN khác như CTCP Đầu tư Nam Long (mã: NLG), CTCP Cao su Đà Nẵng (mã: DRC)… cũng đồng loạt chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong những ngày tới.

Mua cổ phiếu để hưởng mức cổ tức cao về lý thuyết là một chiến lược đầu tư hiệu quả
Mua cổ phiếu để hưởng mức cổ tức cao về lý thuyết là một chiến lược đầu tư hiệu quả
 

Năng lực doanh nghiệp là mấu chốt

Với các nhà đầu tư, chính sách cổ tức cao bằng tiền là một yếu tố hấp dẫn, là điều kiện cần hỗ trợ cho giá cổ phiếu của DN trên sàn chứng khoán. Đầu tư hưởng cổ tức cũng là chiến lược được lựa chọn nhiều, bởi lợi tức cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng.

Ví dụ, cổ phiếu có thị giá 20.000 đồng và cổ tức được trả là 30% (3.000 đồng) thì lợi tức thực sự là 3.000/20.000 = 15%. Mức lợi tức này cao gấp đôi so với lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng hiện nay (7 – 8%/năm).

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần quan tâm đến mảng kinh doanh cốt lõi của DN có tăng trưởng ổn định không và khả năng DN thực trả có như kế hoạch hay không, trước khi quyết định rót vốn. Bởi thực tế, không phải DN nào “hứa” cũng thực hiện được “lời hứa”.

Ví dụ như trường hợp CTCP Tập đoàn Cienco 4 (mã: C4G) dự kiến trả cổ tức tỷ lệ 20% cho năm 2019 nhưng bức tranh kinh doanh của công ty lại đang một màu xám xịt.

Kết thúc 9 tháng năm 2019, công ty ghi nhận 203,1 tỷ đồng doanh thu, giảm 31,2% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 54,1 tỷ đồng, giảm 17,3%. Với kết quả này, Cienco 4 mới hoàn thành 45,13% kế hoạch doanh thu, 50% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu C4G đã tăng mạnh từ đáy 5.200 đồng/cp lên 6.000 đồng/ cp nhờ hiệu ứng kỳ vọng cổ tức của các cổ đông.

Tuy nhiên, xét cơ cấu doanh thu của Cienco 4 có thể thấy nguồn thu chính đến từ việc thu phí BOT chiếm tỷ trọng 55,21% (cùng kỳ là 49,57%), nhưng hợp đồng xây dựng giảm tỷ trọng từ 46,9% về 31,42%; mảng cho thuê văn phòng và mặt bằng tăng từ 1,76% lên 7,23%, tương đương tốc độ tăng từng mảng lần lượt là 55,21%, –38,16% và 278,54%.

Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh cốt lõi liên quan đến xây dựng có xu hướng giảm của Cienco 4, có ý kiến cho rằng nếu hoạt động này chưa quay lại đà tăng trưởng thì đà tăng của cổ phiếu C4G vừa qua chỉ là phản ứng ngắn hạn, nhất là khi dòng cổ tức mới chỉ nằm “trên giấy”.

Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp DN công bố kế hoạch chi trả cổ tức cao hồi đầu năm, nhưng đến cuối năm thì kết quả kinh doanh thực tế không thuận lợi. Dòng tiền bị nghẽn lại do bị khách hàng nợ, chiếm dụng vốn, hoặc không bán được hàng, khiến tồn kho cao.