Cơ hội xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường trọng điểm của Việt Nam về xuất khẩu trên phương diện tổng thể. Trung Quốc cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, vì sao nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn chưa thể xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này?
Trên thực tế, một số DN Việt Nam cho biết, hàng hoá của họ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, châu Âu nhưng với thị trường Trung Quốc thì vẫn… chờ cơ hội.
Theo Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), hiện nay quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc đã, đang phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Trung Quốc đang là thị trường trọng điểm của Việt Nam về xuất khẩu trên phương diện tổng thể, Trung Quốc cũng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất.
Cơ hội đã rõ hơn
Kim ngạch hai chiều luôn có những đột biến – nhiều lần vượt các cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước. Với những điểm tương đồng về văn hoá, phong tục tập quán cũng như vị trí địa lý thuận lợi, thị trường Trung Quốc vẫn luôn là một trong những thị trường thương mại lớn nhất và đầy tiềm năng của Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại Việt – Trung năm 2016 đạt 71,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2015, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 21,97 tỷ USD, tăng 28,4%, kim ngạch nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc là 49,93 tỷ USD, tăng 0,9%; nhập siêu 27,9 tỷ USD, giảm 13,67% so với 2015.
Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường NK, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ.
Thống kê của Hải quan Trung Quốc cũng cho thấy, năm 2016, Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Trung Quốc trên thế giới với tổng kim ngạch song phương Trung – Việt đạt 98,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với 2015.
Trong bối cảnh ngoại thương Trung Quốc vẫn tiếp tục sụt giảm từ đầu năm và chưa có dấu hiệu phục hồi, NK của Trung Quốc từ các nước ASEAN đều giảm (kim ngạch NK bình quân của Trung Quốc từ khối ASEAN giảm 1%) thì kim ngạch NK hàng hoá từ Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng đáng ghi nhận ở mức hai con số.
Theo ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, nhiều năm gần đây, Trung Quốc là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam. Nhiều người hay nêu vấn đề Việt Nam nhập siêu lớn từ Trung Quốc, nhưng 2-3 năm gần đây, tỷ trọng nhập siêu giảm mạnh, nhờ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao.
Ông Sơn đánh giá, trước đây, chúng ta chỉ xuất khẩu được một số hàng khoáng sản, nông sản thô, gần đây, DN Việt đã xuất khẩu được hàng nông sản với giá trị chế biến cao, các mặt hàng công nghiệp nhẹ… Sự thay đổi cơ cấu này không chỉ góp phần thu hẹp nhập siêu mà còn là tiền đề để gia tăng giá trị hàng xuất khẩu.
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Đức Thanh, Giám đốc công ty TNHH chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An (Tanimex – La – Long An), cho biết ông có duyên làm việc với thị trường này từ năm 1992.
“Tôi nhận thấy Trung Quốc là thị trường rất lớn, giàu tiềm năng, có nhiều điều kiện thuận lợi đối với Việt Nam như địa lý, thủ tục thanh toán, giao hàng, đặc biệt người Trung Quốc thích ăn hàng nông thuỷ sản của Việt Nam”, ông Thanh nói.
Nhưng có dễ dàng?
Tiềm năng là vậy, song thực tế, việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có dễ dàng? Thực tế, hết tháng 9/2017, xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc chỉ đạt 22,2 tỷ USD tăng 62,2%. Trong khi đó, chúng ta NK 41,7 tỷ USD hàng hoá từ Trung Quốc (gần gấp đôi con số xuất khẩu), tăng 15,9%.
Từ kinh nghiệm làm ăn lâu năm với thị trường Trung Quốc, ông Thanh chia sẻ người Trung Quốc không kén chọn nhưng yêu cầu về chất lượng của họ rất cao. Nhiều người vẫn lầm tưởng xuất khẩu sang Trung Quốc không khắt khe về chất lượng, nhưng thực tế hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đôi khi chất lượng còn cao hơn châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Trao đổi với phóng viên, ông Thanh cho rằng thị trường nào cũng có cái khó nhưng nói về thị trường Trung Quốc – cái đặc biệt là họ có nét tương đồng giống thị trường của mình, cùng với việc chính sách hay thay đổi, đặc biệt là các khoản thu như thuế, phí nên DN Việt cần cập nhật thông tin, tránh ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của mình.
Ông Thanh ví dụ: Thuế nhập khẩu theo Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc đối với hạt điều là 0% nhưng trong thị trường nội địa họ thu nhiều khoản như thuế giá trị gia tăng (VAT) là 17%.
Cùng với đó, do địa lý gần nhau nên thương lái Trung Quốc thường sang Việt Nam để trực tiếp mua hàng từ nông dân. Trong ngành điều, ông Thanh cho biết, hiện nay có nhiều DN, riêng đầu mối xuất khẩu điều có tới 300 DN, cả ngàn nhà máy chế biến xong nhưng không xuất được. Do vậy, việc các thương nhân người Hoa qua Việt Nam, kiểm và mua hàng tại nhà máy sẽ dẫn tới các DN nhỏ bị ép giá, bị mua giá thấp.
Về vấn đề này, bà Bùi Thị Thơm, Phụ trách Khối kinh doanh Quốc tế, công ty TNHH Agricare Việt Nam, cho biết hiện nay, DN này đã xuất khẩu nông sản trái cây sang Australia, Hàn Quốc, Nga, Đài Loan. Song thị trường Trung Quốc, nằm ngay sát Việt Nam, DN vẫn đang tìm cách tiếp cận.
Theo bà Thơm, Trung Quốc là đối tác lâu năm NK hàng Việt Nam với sản lượng lớn, đặc biệt là hàng nông sản. Vì vậy, giống với nhiều DN Việt, DN này rất muốn tìm kiếm đối tác để xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, bà Thơm nhận định, khó khăn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc là hai đất nước có địa phận giáp ranh với nhau, các DN Trung Quốc thường trực tiếp sang Việt Nam đặt vấn đề mua bán nông sản.
Do vậy, DN Việt khó tiếp cận được một số DN phân phối lớn của Trung Quốc. Dù Agricare đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất sạch với nông dân, nhưng nhiều khi bà con lại bán cho thương lái Trung Quốc.