Cơ hội xuống thang căng thẳng Mỹ - Trung
Ngày 9/11, tại Washington, Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến hành đối thoại an ninh cấp cao, vốn bị trì hoãn trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai bên. Đây được coi là dấu hiệu tan băng đầu tiên trong quan hệ hai nước, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20).
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis sẽ cùng Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tham dự các cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh vòng hai diễn ra trong tuần này.
Tháng trước, Trung Quốc thông báo, hai bên đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc về tổ chức vòng hai đối thoại ngoại giao và an ninh vào tháng 10, song bị trì hoãn theo yêu cầu của Mỹ, liên quan tới căng thẳng thương mại, vấn đề Đài Loan và Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng có kế hoạch gặp người đồng cấp Trung Quốc vào tháng 10 vừa qua tại Bắc Kinh. Song, kế hoạch này cũng bị hoãn lại sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc do mua vũ khí từ Nga.
Tại cuộc gặp song phương diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức ở Singapore ngày 18/10, ông Mattis và ông Ngụy nhất trí, hai bên cần tăng cường quan hệ cấp cao, nhằm giảm xung đột.
Nếu diễn ra theo kế hoạch, đây sẽ lần hội đàm thứ hai trong một tháng qua giữa Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc.
Vòng hai của cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh giữa Mỹ - Trung Quốc được tổ chức trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20, sẽ diễn ra tại Argentina vào cuối tháng này.
Cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ tham dự hội nghị, làm dấy lên hy vọng lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tiến hành cuộc gặp song phương. Đây được xem là cơ hội để hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung thảo luận giải quyết căng thẳng thương mại.
Derek Scissors, học giả tại Viện Nghiên cứu Đầu tư Mỹ dự đoán, trừ khi có việc gì xảy ra, ông Trump và ông Tập sẽ có cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20. Mới đây, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, tiết lộ với truyền thông nhà nước Trung Quốc, Bắc Kinh và Washington đang liên lạc với nhau.
Ngày 6/11, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn tuyên bố, Trung Quốc sẵn sàng tiến hành các cuộc thảo luận và hợp tác với Mỹ, nhằm giải quyết bất đồng thương mại giữa hai bên. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg tại Singapore, ông Vương cho hay, Bắc Kinh mong muốn thấy quan hệ hợp tác thương mại, kinh tế tốt hơn với Washington.
Tuyên bố của ông Vương được đưa ra một ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết tiếp tục mở cửa nền kinh tế Trung Quốc tại Triển lãm nhập khẩu quốc tế ở Thượng Hải. Giới phân tích nhìn nhận, những tín hiệu này cho thấy thiện chí của Trung Quốc trong việc giảm căng thẳng thương mại với Mỹ.
Trước đó, ngày 31/10, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc thừa nhận, “áp lực đè nén đang gia tăng lên nền kinh tế, với những thay đổi sâu sắc đến từ môi trường bên ngoài”. Trong tháng 10, các chỉ số kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc giảm mạnh hơn kỳ vọng, được cho là do việc giảm nhu cầu xuất khẩu.
Các con số cũng chỉ ra tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc 3 tháng vừa qua đang ở mức thấp nhất trong thập kỷ. Chuyên gia kinh tế Shen Jianguang nhận định, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như đã thay đổi cách nhìn nhận về triển vọng kinh tế đất nước và đang chuẩn bị cho hậu quả lâu dài của cuộc chiến tranh thương mại.