Giới trung lưu Trung Quốc điêu đứng giữa chiến tranh thương mại
Sau nhiều thập kỷ bùng nổ kinh tế, tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang ngày càng phình to, phản ánh độ thịnh vượng của quốc gia này.
Với mức sống không ngừng được cải thiện, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra tầm nhìn về “giấc mơ Trung Quốc” – một khẩu hiệu về cuộc sống sung túc hơn. Tuy nhiên, CNN nhận định nền kinh tế trên, vốn ghi nhận mức tăng trưởng với tốc độ thấp hơn trước đây và phát triển thiếu đồng đều, bị đe dọa bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ. Điều này làm dấy lên nỗi lo lắng trên toàn lãnh thổ của cường quốc số một châu Á.
Chỉ trong một năm, giá thuê nhà tại Bắc Kinh đã tăng ít nhất 40% ở một số khu vực. Người dân đã trả lời báo chí địa phương rằng họ phải trả hơn một nửa lương cho tiền nhà. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), một trong những thước đo chi phí sinh hoạt chính xác nhất ở Trung Quốc, tăng liên tục qua từng tháng kể từ tháng 5.
Cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung chỉ thêm phần vào sự thiếu chắc chắn trong giới trung lưu của quốc gia này. Trong tháng 9, JPMorgan dự đoán cuộc chiến trên sẽ lấy mất của chính quyền Bắc Kinh ít nhất 700.000 việc làm. Thị trường chứng khoán tại đây vốn thu hút hàng triệu người lao động dùng tiền tiếp kiệm của họ đầu tư, đã giảm hơn 25% kể từ tháng 1 do các đòn trả đũa từ phía Mỹ.
“Tỏi tây” vốn là tiếng lóng được giới chứng khoán Trung Quốc sử dụng để ám chỉ số hơn 100 triệu nhà đầu tư cá nhân của họ. Một số lượng lớn các nhà đầu tư “tỏi tây” sẽ mọc nhanh chóng mặt khi môi trường đầu tư tốt. Nhưng ngược lại, khi thị trường chứng khoán chao đảo, chỉ có những tay chơi lớn trụ vững trong khi số còn lại mất tất cả.
Khi những nhà đầu tư “tỏi tây” được “thu hoạch” khỏi thị trường, những nhà đầu tư mới, thiếu kinh nghiệm lại tràn vào, khiến thị trường nhanh chóng náo nhiệt trở lại. Một luật về thương mại điện tử mới tại Trung Quốc đã đánh thuế hàng loạt doanh nghiệp bán hàng trên mạng. Trong số đó có taobao.com, một trong những cổng bán hàng điện tử mà nhiều người trung lưu tại đây trao đổi hàng hóa và kiếm ra tiền. Cùng với điều luật mới này, một chuỗi những thay đổi trong quỹ phúc lợi xã hội bắt buộc đã khiến gánh nặng kinh tế đè nặng hơn lên những doanh nghiệp nhỏ.
CNN phỏng vấn ông Chris Xing, nhân viên của một startup trên internet có trụ sở tại Bắc Kinh. Ông này nói chính sách mới đã khiến giá nhân công tăng lên và công ty của ông đang phải chật vật. Theo ông Xing, chính phủ Bắc Kinh đang hy sinh lợi ích của tầng lớp trung lưu để đạt được mục đích trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Trong khi người dân đang lo sợ về một đợt sa sút sắp tới, nhiều người đang cố dành dụm tiền bạc, gây ra hiện tượng “sụt giảm tiêu dùng” đáng lo ngại. Trong khi đó, các cơ quan truyền thông nhà nước tại Trung Quốc vẫn phủ nhận hiện tượng này, nói rằng người tiêu dùng chỉ đang “điềm tĩnh và kĩ tính hơn”.