Có một Hà Nội phiên bản "yên tại gia"...

Theo Quang Lộc/congthuong.vn

hay vì đổ ra phố chỉ để thỏa mãn một thói quen nào đó của riêng mình, nay người Hà Nội đang thích ứng dần với thói quen mới: "yên tại gia".

Hà Nội vốn ồn ã thường nhật, lại trở nên vắng lặng lạ thường. Nguồn: Internet.
Hà Nội vốn ồn ã thường nhật, lại trở nên vắng lặng lạ thường. Nguồn: Internet.

Nếu như không tính những ngày Tết cổ truyền hay những dịp nghỉ lễ dài thì đã rất lâu, đúng là rất lâu mới cảm nhận một Hà Nội vốn ồn ã thường nhật, lại trở nên vắng lặng lạ thường.

Bỗng nhớ đến cái rét cắt da cắt thịt của những ngày cuối năm 72 vào đợt ném bom B52 của Mỹ. Khi ấy, ở Hà Nội, những ai làm cơ quan nhà nước và con cái họ tỏa về các nơi sơ tán khiến Hà Nội phần vắng lặng. Cái vắng lặng đầy tính người đến độ nhà thơ Xuân Diệu nằm trên gác ngôi nhà của ông ở đường Điện Biên Phủ bỗng thèm đến nôn nao tiếng guốc trên đường đi học rải đầy hoa sấu của trẻ em Hà Nội phía đường Trần Phú.

Những ai còn ở lại, mỗi khi có loa phường (ngày ấy gọi là tiểu khu) kêu gọi mọi người xuống hầm lại khiến Hà Nội vắng thêm. Nhưng cũng không lâu khi còi báo yên từ Nhà hát Lớn cất lên, cuộc sống lại nhanh chóng trở lại nhịp sống bình thường trong thời chiếnĐể cùng với “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ” (thơ Phan Vũ), có người còn chờ đêm đến, leo lên tầng thượng của những ngôi nhà cao để xem B52 dính tên lửa SAM 2 cháy tan xác thành những bó đuốc trên bầu trời.

Liên tục trong các cuộc họp Chính phủ những ngày gần đây về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, cần triển khai cùng lúc nhiều mặt trận, tranh thủ từng giờ, từng phút chống dịch
Liên tục trong các cuộc họp Chính phủ những ngày gần đây về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, cần triển khai cùng lúc nhiều mặt trận, tranh thủ từng giờ, từng phút chống dịch
 

Người dân Hà Nội những ngày này được Chính phủ xác định là “cao điểm dập dịch”. Thay vì đổ ra phố chỉ để thỏa mãn một thói quen nào đó của riêng mình nay đang thích ứng dần với thói quen mới là yên tại gia. Giờ đây người Hà Nội đang bắt đầu một “lộ trình” du lịch mới từ phòng ngủ, check in tại phòng ăn và du ngoạn online tùy muốn tại phòng khách. Công nghệ giờ đây vào tới tận giường ngủ có thể giúp cho cuộc du ngoạn ảo trong không gian mới.

Kể cũng lạ. Người Hà Nội cho dù có những quá khứ gắn với biệt danh “lãng tử” nhưng đã không ít lần vứt bỏ hết mọi thứ sau lưng, sẵn sàng lên đường vì sự tồn vong của Tổ quốc, nhưng nay vẫn có thể sẵn sàng “ở yên” một chỗ theo yêu cầu của Chính phủ trong thực thi các nỗ lực dập dịch Covid-19. Ngay cả giữa lằn ranh sống-chết năm 72 xưa kia cũng hiếm thấy cảnh chen lấn xô đẩy nhau để tranh giành một chỗ xếp hàng mua gạo. Hà Nội phiên bản 2020 vẫn cho thấy một tâm thế ấy, điềm tĩnh thêm. Những “tin giả” đây đó có người F0, F1 có thể làm xáo động tâm thế lúc này, lúc khác, nhưng không đủ và không thể phá được cái điềm tĩnh qua tháng năm được tạo dựng vững chắc hơn cho dù giờ đây nhu cầu ăn - mặc – xem - nghe đã khác xưa nhiều. Hàng hóa, nhu yếu phẩm luôn sẵn sàng cho những kịch bản dịch bệnh khốc liệt nhất và ở tình huống khi cả xã hội cùng một nhu cầu phải có ngay, chỉ nửa giờ vận chuyển xe, mọi nhu yếu phẩm sẽ được chở đến các chợ, siêu thị.

Sự điềm tĩnh ấy không gì khác hơn là sự tuân thủ nghiêm túc, đúng trách nhiệm của công dân với cộng đồng- thứ mà vốn không thể thiếu được trong một xã hội hiện đại. Trách nhiệm công dân với cộng đồng như lâu nay có người nghi ngờ, đặt câu hỏi rằng có hay không hay chỉ là thứ xa xỉ với đời sống thường nhật hay không nay bỗng hiện ra trọn vẹn, tuy rằng vẫn còn phải làm nhiều việc để nó trở thành thói quen.

Một Hà Nội yên ả lạ thường...
Một Hà Nội yên ả lạ thường...
 

Đáng mừng hơn là tâm thế mới đó được thể hiện như là sự đồng hành, chung tay để nối dài, để lan tỏa những giải pháp của Chính phủ trong dập dịch. Giải pháp đưa ra có thể “gắt”, nhưng đó là sự lựa chọn cần thiết vào lúc này, là việc phải làm vào lúc này. Không ai cảm thấy quyền tự do, quyền được lựa chọn của mình bị xâm phạm. Tôn trọng lợi ích cộng đồng, hành động vì bình an cộng đồng chính là lợi ích lớn nhất, tự do lớn nhất- đó là điều mà nhiều người Hà Nội có thể trải nghiệm được trong những ngày này khi cùng Chính phủ dập dịch, để không bỏ lỡ thời cơ giành chiến thắng trong cuộc chiến với kẻ thù mới Covid-19. Cũng là khoảng thời gian sống chậm đầy trách nhiệm để cảm nhận mình rõ hơn, để tự vấn mình đã làm gì cho Tổ quốc.

Giặc giã hung bạo rồi cũng phải tan. Dịch bệnh cũng không thể mãi hoành hành.

Dường như mùa xuân vẫn chưa cạn ngày. Cây đa đầu ngõ nảy những búp nhỏ như ngón tay tròn căng, chín mọng. Nhiều loài hoa xuân li ti vẫn rắc đầy lối đi.

Ông hàng xóm sáng nay trên dòng facebook bỗng buột miệng: “Tự nhiên lại thèm nhớ những ngày Hà Nội tắc đường”.

Hà Nội ơi, mùa xuân đã chín và nắng sẽ lên.