Có nên "làm đẹp" con số nợ xấu để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng?

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tăng trưởng tín dụng trong 7 tháng qua mới đạt 3,68%, trong khi chỉ tiêu phấn đấu của năm 2014 là 12 - 14%. Tăng trưởng tín dụng thấp được cho là do nợ xấu và nhu cầu thị trường yếu. Vậy khi nhu cầu thị trường thấp khó cải thiện được ngay, thì có nên làm đẹp con số nợ xấu để bảo đảm tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đã đề ra hay không?

Có nên "làm đẹp" con số nợ xấu để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng?
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 6/2014, nợ xấu toàn hệ thống là 4,84%. Nguồn: internet

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 6/2014, nợ xấu toàn hệ thống là 4,84%. Con số nợ xấu tính đến tháng 7/2014 chưa được công bố, nhưng Ngân hàng Nhà nước cho biết nợ xấu vẫn đang tăng lên. Thực tế, báo cáo tài chính quý II/2014 của một số ngân hàng cũng cho thấy điều này. Theo báo cáo tài chính quý II/2014 của ngân hàng Sacombank, tính đến 30/6, nợ xấu của  ở mức 1,51% trên tổng dư nợ, tăng nhẹ so với 1,48% cuối 2013, với con số nợ xấu tuyệt đối tăng từ 1.594 tỷ đồng lên 1.776 tỷ đồng. Trước đó, Vietcombank cũng công bố báo cáo tài chính 6 tháng qua, với nợ xấu là 9.031 tỷ đồng, tương đương 3% dư nợ.  So với cuối năm 2013, nợ xấu của Vietcombank tăng mạnh. Hay ACB với nợ xấu trong 6 tháng qua tăng từ 3.241 tỷ đồng tương đương 3% lên 4.046 tỷ đồng tương đương 3,6%.

Nguyên nhân của tình trạng này cũng được các ngân hàng chỉ ra là do tăng trưởng tín dụng chậm nên con số tuyệt đối của nợ xấu so với mẫu số chung của tín dụng tăng lên. Và trong khi nợ xấu cũ chưa giảm thì nợ xấu mới vẫn không ngừng phát sinh, nhiều khoản nợ đang ở nhóm 1, 2 giờ phải chuyển sang nhóm 3, 4, 5… Một nguyên nhân khác là Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước đã siết chặt việc cơ cấu nợ hơn so với trước đây. Cụ thể, Quyết định 780 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ đã cho phép cơ cấu nợ nhiều lần, nên một số khách hàng được ngân hàng thực hiện cơ cấu nợ lại. Khắc phục tình trạng này, Thông tư 09 đã quy định chỉ được phép cơ cấu nợ 1 lần, giúp bức tranh nợ xấu minh bạch hơn.

Ngoài ra, nguyên nhân chính của tình trạng này được cho là do nhu cầu vốn của doanh nghiệp chưa nhiều. Một tình trạng chung hiện nay là doanh nghiệp cần vốn lại không đủ điều kiện, năng lực để tiếp cận vốn vay ngân hàng. Trong khi đó, cũng có một bộ phận doanh nghiệp không muốn vay vốn vì chưa thấy cơ hội kinh doanh mới, nên chỉ lo giữ thị phần hiện tại của mình.

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, Ngân hàng Nhà nước đã ra Văn bản số 5342, yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai một số biện pháp đẩy mạnh cho vay, trong đó có hướng xem xét tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản. Đây là một hướng đi đúng, nhưng không dễ triển khai nếu như lòng tin giữa ngân hàng với doanh nghiệp chưa được củng cố.

Nhưng có thể thấy, tăng trưởng tín dụng 12 - 14% được Ngân hàng Nhà nước đưa ra chỉ là mục tiêu để phấn đấu, chứ không nhất thiết phải thực hiện bằng mọi giá. Theo các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng thấp hơn nhưng vào đúng nơi, đúng chỗ thì sẽ phát huy hiệu quả cao hơn so với việc thực hiện mục tiêu đã đề ra nhưng lại đầu tư vào nơi kém hiệu quả. Và mục tiêu có thể không thực hiện được, song nếu như tăng trưởng tín dụng an toàn không phải chúng ta sẽ yên tâm hơn sao?

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng ngân hàng cần linh hoạt khi có những ngân hàng có khả năng tăng trưởng tín dụng nhiều hơn. Đặc biệt, cần có sự phối hợp chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường đầu ra; còn ngân hàng quản lý chi phí tốt hơn nữa, cải tiến thủ tục, quy trình cho vay mang tính hành chính. Đồng thời, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; tái cơ cấu đầu tư công; cải cách mạnh mẽ thể chế kinh tế, nhất là những điểm nghẽn như mối quan hệ Nhà nước - thị trường, luật lệ chồng chéo, thủ tục hành chính, bộ máy cồng kềnh, tham ô, lãng phí… Đây cũng là giải pháp tăng niềm tin, qua đó tăng cầu đầu tư, vay vốn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần quyết tâm tái cơ cấu, đồng hành, chân thành, minh bạch với ngân hàng để cùng tin tưởng, chia sẻ, tạo tiền đề cho vay tín chấp, cho vay theo dòng tiền khi đang thiếu tài sản bảo đảm.