Cổ phần hóa: Doanh nghiệp không thể lừng khừng
(Tài chính) “Điều quan trọng trong xây dựng phương án cổ phần hóa là không vẽ ra chiến lược mà phải là vạch ra cơ hội cho các nhà đầu tư”, ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhấn mạnh.
Không “dồn toa”
Việc IPO của Vietnam Airlines vừa qua được xem là thành công khi lượng chào bán ra đã thu hút được nhiều nhà đầu tư (NĐT) tham gia mua hết. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, vì Vietnam Airlines chỉ bán ra 3,48% vốn điều lệ nên thị trường mới được hấp thụ hết, còn nếu bán ở quy mô lớn hơn thì sẽ khó khăn.
Điều này càng đáng quan ngại khi từ nay đến cuối năm 2015, mục tiêu của Chính phủ là cổ phần hóa (CPH) tới 432 DNNN, trong đó có nhiều DN, tập đoàn lớn. Việc cố gắng đạt mục tiêu có thể làm khó các DNNN chuẩn bị CPH, nhất là khi thoái vốn quá mạnh có thể dẫn đến mất tài sản Nhà nước, DN bị ảnh hưởng kinh doanh... Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không nghĩ vậy.
Tính đến ngày 1/11/2014, trên cả nước đã CPH được 102 DNNN, xác định xong giá trị cho 278 DN, công bố giá trị DN cho 154 DN, IPO 37 DN, sáp nhập 12 DN, thoái vốn được hơn 3.500 tỷ đồng và gấp 3,6 lần năm 2013... Đáng chú ý, tốc độ thực hiện CPH đang tăng khá nhanh. Theo ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DNNN: “Nếu tiếp tục với tốc độ CPH khoảng 30 DN mỗi tháng, khả năng số DN hoàn thành CPH trong năm 2014 sẽ gần 200 DN”.
Không tỏ ra lo ngại về tình trạng dồn toa, thị trường khó hấp thụ, ông Phạm Quốc Doanh, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho rằng: “Giai đoạn chuẩn bị đã xong. Hơn nữa sau hội nghị giao ban thường trực Ban chỉ đạo, Thủ tướng đã có chỉ đạo tập trung hơn và thành viên Ban chỉ đạo tích cực đi thực tế đôn đốc mạnh mẽ hơn nên các đơn vị đã tích cực hơn”.
Chuyên gia kinh tế độc lập Đinh Tuấn Minh cũng không nhìn thấy nguy cơ “dồn toa”, vì thực tế mức độ bán cổ phần của các DNNN thường không nhiều so với tổng giá trị DN đó. Nếu đặt giả thiết để hoàn thành được mục tiêu về số lượng CPH đặt ra, mỗi DNNN chỉ cần bán ra một vài phần trăm cổ phần cho cán bộ công nhân viên của mình thì việc chuyển đổi từ DNNN sang một DN cổ phần (mà thực chất Nhà nước vẫn chiếm đa số) thực sự chỉ là câu chuyện “qua một đêm”.
Vạch cơ hội cho NĐT
Ông Phạm Viết Muôn chia sẻ, việc CPH không chỉ tác động đến nội bộ DN mà còn thay đổi rất nhiều tư duy vận hành và quản lý DN trong bộ máy Nhà nước. Đơn cử, ngành giao thông vận tải đi đầu trong hoạt động CPH không chỉ là để thực hiện kế hoạch được giao, mà còn vì nếu không CPH các DN này sẽ không đủ điều kiện để tham gia vào các gói thầu của ngành.
Một khía cạnh khác là các DN nhìn thấy cơ hội và cả thách thức của mình khi không còn gắn vào một cơ quan nào đó, phải đối mặt với cạnh tranh. Khi đó, DN bắt buộc phải thay đổi cách làm, thay đổi tư duy điều hành. Vì vậy, việc thống nhất rõ quyết tâm phải CPH từ trên xuống sẽ buộc các lãnh đạo DN không thể lừng khừng. Thực tế đã cho thấy, ở đâu lãnh đạo quyết tâm thì ở đó chất lượng và tiến độ CPH được đảm bảo.
“Việc tìm và thu hút cổ đông chiến lược không có gì là khó cả. Trước đây có ý kiến cho là vậy, vì chưa xác định rõ tỷ lệ cổ phần Nhà nước giữ lại bao nhiêu, bán bao nhiêu nên NĐT còn nghe ngóng. Nay đã xác định rõ thì không khó”, ông Doanh góp thêm ý kiến.
Là người trong cuộc trong việc tìm cổ đông chiến lược cho các DNNN như VietinBank, Vietcombank, Vocarimex... nên ông Muôn là một trong những người nắm rõ thực tế này. “Không phải các DN chỉ mong đi tìm cổ đông chiến lược mà phải có cơ chế để các NĐT tham gia vào. Nếu không có phương án mà NĐT nhìn thấy ở đó cơ hội thực sự, như quyền lợi của họ trong hoạt động của DN sau khi CPH thì NĐT chiến lược sẽ không xuất hiện”, ông Muôn cho biết.
Chuyên gia Đinh Tuấn Minh phân tích, quan trọng nhất khi muốn CPH, nhất là trong thu hút các NĐT chiến lược là Nhà nước cần đưa ra được những chủ trương nhất quán, những tín hiệu rõ ràng trong việc hướng DN đấy đến mục tiêu như thế nào và lộ trình giảm cổ phần mà Nhà nước nắm giữ ra sao. Khi có tín hiệu rõ ràng như vậy thì NĐT họ sẽ cân nhắc để tham gia hợp lý.
“Điều quan trọng trong xây dựng phương án CPH là không vẽ ra chiến lược mà phải là vạch ra cơ hội cho các NĐT”, ông Muôn nhấn mạnh.