Cổ phần hóa – Kinh nghiệm tại Thái Lan, Hàn Quốc
(Tài chính) Năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ có thể được cải thiện trên trường quốc tế khi công cuộc cổ phần hóa của Việt Nam được cải thiện một cách quyết liệt.
Sau khi đưa ra cảnh báo về sự sụt giảm về năng lực cạnh tranh của quốc gia, Người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - đã thực hiện bước tiếp theo của “lộ trình hành động” nhằm thể chế hóa theo hướng dân chủ hóa nền kinh tế, đó là cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
“Trong hai năm tới chúng ta còn 432 DN đã phê duyệt (cổ phần hóa) phải quyết liệt làm cho được. Đồng thời rà soát tiếp, bổ sung thêm DN phải cổ phần hóa theo các tiêu chí mới. Giảm mạnh hơn nữa số DN 100% Nhà nước, giảm tiếp số DNNN giữ cổ phần chi phối”.
Mặc dù Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất quyết liệt khi nói “mời” các vị lãnh đạo DNNN không chịu hay thiếu khả năng làm cổ phần hóa “đi chỗ khác chơi”, hay Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng quyết “trảm” các vị không chịu cổ phần hóa thuộc Bộ của ông, thì vấn đề không phải chỉ ở con người lãnh đạo, mà chính là khi có quyết sách cổ phần hóa, chúng ta chưa hẳn “đổi mới tư duy” và chưa có lộ trình quyết liệt.
Mặc dù chưa có định nghĩa thật chính xác thế nào là "tư nhân hoá" hay cổ phần hóa (theo cách nói của chúng ta) nhưng "động tác" cho quá trình này đã và đang diễn ra ở hầu hết các nước đang phát triển. Mục đích cuối cùng của quá trình này là tìm kiếm sự hữu hiệu cho các xí nghiệp quốc doanh. Tại sao phải có quá trình này?
Vì vào những năm 1970, phần lớn các nền kinh tế dựa vào quốc doanh để tăng trưởng, nhưng hiện nay thì khuynh hướng phát triển dựa chủ yếu vào kinh tế tư nhân và sự đóng góp của công chúng qua thị trường chứng khoán. Trong bài viết ngắn này chúng tôi chỉ nêu 2 điển hình dễ tham khảo nhất vì có những điều kiện gần giống Việt Nam chúng ta, đó là Thái Lan ở Đông Nam Á và Hàn Quốc ở Đông Bắc Á.
Khó khăn là tất yếu của quá trình phát triển
Thái Lan gặp nhiều khó khăn vì "nước đến chân mới nhảy". Việt Nam đang “gần” như thế.
Cũng như phần lớn các quốc gia trong vùng, Chính phủ Thái Lan giành quyền sở hữu hầu hết các xí nghiệp công nghiệp. Quá trình "phi quốc doanh hóa" (hay cổ phần hóa theo thuật ngữ của Việt Nam chúng ta), chỉ mới bắt đầu vào giữa thập niên 1980, khi khu vực công nghiệp quốc doanh thua lỗ quá nhiều, kéo theo sự trì trệ của nền kinh tế quốc dân.
Năm 1986, sự thâm thủng do các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh gây ra lên đến 1,7 tỷ USD (tương đương 3,5% GDP- tổng sản phẩm nội địa). Trước tình hình đó, Chính phủ Thái Lan buộc phải tư nhân hoá vài khu vực công nghiệp quốc doanh quan trọng.
Trước tiên là khu vực quốc doanh công nghiệp điện và vận tải hàng không. Tiếp theo, Chính phủ nước này đã bán 70% cổ phần của một nhà máy đay và 100% cổ phần một khách sạn. Từ đó, công nghiệp tư doanh đã dấn sâu vào các lĩnh vực quan trọng khác như: Cơ sở hạ tầng, xây dựng bến cảng, hệ thống thông tin, xa lộ cao tốc... Sự xóa bỏ độc quyền trong ngành năng lượng đã cho phép tư nhân đầu tư xây dựng các nhà máy điện. Hơn nữa các nhà kinh doanh tư nhân đã tham gia kinh doanh bất động sản, song song với Tổng cục Công nghiệp Bất động sản Thái Lan.
Tuy vậy, quá trình phi quốc doanh hóa của Thái Lan gặp phải nhiều khó khăn. Trước hết là các xí nghiệp thua lỗ không thể thu hút các nhà đầu tư tư nhân, cộng vào đó là sự chậm chạp rắc rối trong thủ tục của Chính phủ, luật pháp không rõ ràng. Bệnh quan liêu cũng gây trở ngại không ít cho quá trình này. Hơn nữa, các nghiệp đoàn đầy thế lực đại diện cho công nhân làm việc trong các xí nghiệp quốc doanh đã phản đối mạnh mẽ việc tư nhân hóa. Việc thiếu công nhân và cán bộ quản lý giỏi khi chuyển các xí nghiệp quốc doanh qua tay tư nhân cũng gây khó khăn không ít cho các nhà kinh doanh tư nhân.
Mặc dù vậy, quá trình phi quốc doanh hoá tại Thái Lan cũng mang lại vài tiến bộ, khi Chính phủ hiểu rằng đó chỉ là khó khăn tất yếu và tạm thời của quá trình phát triển.
Cổ phần hóa - đòn bẩy thúc đẩy làm ăn hiệu quả
Hàn Quốc không vì các xí nghiệp quốc doanh thua lỗ. Việt Nam đang do dự khi muốn cổ phần hóa các DNNN không lỗ (rất hiếm) với tâm lí lo ngại “phần bánh ngon” sẽ rơi vào tay tư nhân hay các “nhóm lợi ích”.
Vào thập niên 1960 và 1970, các xí nghiệp quốc doanh đã giữ vai trò chủ đạo trong chiến lược phát triển của Hàn Quốc, nhất là trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng. Trong lĩnh vực kỹ nghệ và vận tải, các xí nghiệp Nhà nước cũng có ý nghĩa nhưng chỉ giữ vai trò thứ yếu so với các xí nghiệp tư nhân. Các xí nghiệp quốc doanh tập trung vào những khu vực quan trọng chiến lược đối với sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước.
Những nỗ lực tư nhân hoá tại Hàn Quốc chỉ bắt đầu vào năm 1969 khi Hãng hàng không Korean Air được nhượng bán cho một tập đoàn tư nhân và sau đó vào năm 1982 Nhà nước bán thêm Công ty Dầu khí Quốc gia, cùng lúc với việc chuyển Cục Viễn thông Quốc gia thành công ty cổ phần, trong đó một số cổ phần được bán cho các nhà đầu tư tư nhân. Vào năm 1982-1983, tất cả bảy ngân hàng thương mại quốc gia đều được "phi quốc doanh hoá", 43 công ty tài chính và quỹ tín dụng tư nhân ra đời cùng với 10 công ty tài chính ngắn hạn khác.
Đến năm 1983 Chính phủ Hàn Quốc ban hành đạo luật quản lý các xí nghiệp quốc doanh và năm 1984 thành lập Cục Lượng giá các công ty, xí nghiệp quốc doanh trực thuộc Hội đồng Kinh tế-Kế hoạch.
Những hành động cương quyết của Chính phủ nhằm làm các xí nghiệp, công ty quốc doanh hoạt động có hiệu quả hơn. Năm 1988, nhiều cổ phần của Công ty Thép quốc gia được bán cho các nhà đầu tư tư nhân. Việc phi quốc doanh hóa từng phần Công ty Thép Quốc gia đã mở đầu cho hàng loạt các xí nghiệp quốc doanh nhượng bán cổ phần cho tư nhân.
Kinh nghiệm của Hàn Quốc trong quá trình phi quốc doanh hóa khác với các nước đang phát triển khác là không quan tâm nhiều vào việc thâm thủng hay thua lỗ của các xí nghiệp quốc doanh. Nói rõ hơn, không phải chờ đến lúc các xí nghiệp quốc doanh đứng bên bờ phá sản mới tiến hành phi quốc doanh hoá. Thay vào đó, việc tư nhân hóa (từng phần hay toàn phần) được coi như một đòn bẩy thúc đẩy các xí nghiệp làm ăn có hiệu quả hơn, đạt đến những chỉ tiêu cao hơn nhờ sự cạnh tranh lành mạnh.
Sự độc lập và tự chủ trong kinh doanh là yếu tố chính giải thích sự thành công của tư nhân. Tuy vậy, một số đơn vị khác lại không như ý. Ví dụ, các ngân hàng thương mại, sau khi phi quốc doanh hóa vẫn còn bị kiểm soát chặt chẽ của hệ thống quan liêu của Chính phủ đối với thị trường tài chính. Những quy định về tỉ suất lợi nhuận cho nhiều loại tiền gửi và tiền vay khác nhau cùng sự kiểm soát mục đích tín dụng của các cơ quan tài chính Nhà nước như Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chính đã hạn chế thành quả của các ngân hàng tư nhân. Hậu quả là các nhà kinh doanh ngân hàng tư nhân hoạt động như những quan chức Chính phủ nhiều hơn là nhà kinh doanh tư nhân hoặc như một nhà quản lý với quyền hạn độc lập trong việc cho vay.
Đầu thập niên 1990 này, Chính phủ Hàn Quốc đã bãi bỏ tất cả những biện pháp lỗi thời nhằm mở rộng hơn nữa công cuộc "phi quốc doanh hóa". Năm 1989, Nhà nước đã bán các cổ phần của 7 công ty quốc doanh trọng yếu cho tư nhân với tổng số tiền 3,5 tỷ USD.
Một kinh nghiệm nữa của Hàn Quốc về các DN tư nhân là: Chính phủ đã chia sẻ đầy đủ trách nhiệm với sự phát triển đất nước. Quan trọng hơn thông điệp này đã được đa số nhân dân và giới kinh doanh đồng cảm. Báo chí đã đóng vài trò vô cùng ý nghĩa trong nhiệm vụ này. Các bộ, ngành chuyên môn của Chính phủ và giới tư nhân có những hội nghị định kỳ, bàn bạc với nhau những chỉ tiêu phát triển, kể cả mục tiêu đạt đến chất lượng và giá cả quốc tế. Không còn nghi ngờ gì nữa, điều này đã giúp đất nước Hàn Quốc trả lời một cách có hiệu quả với sự chuyển biến của quốc tế và quốc nội là nhanh chóng rút ra được những sai lầm của quá khứ.